Lợi nhuận giảm mạnh
Công ty Cổ phần Chứng khoán MB (MBS) vừa công bố báo cáo tài chính quý IV/2022 với kết quả kinh doanh sụt giảm mạnh. Cụ thể, MBS ghi nhận doanh thu hoạt động đạt gần 406 tỷ đồng, tương ứng giảm 38,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, nguồn thu từ nghiệp vụ môi giới chứng khoản giảm 55,5%, chỉ còn 135,5 tỷ đồng. Lãi từ các khoản cho vay và phải thu đem về cho MBS 173,8 tỷ đồng, giảm 14,8% so với cùng kỳ. Doanh thu từ hoạt động tư vấn tài chính giảm mạnh xuống còn hơn 3,7 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái là 37 tỷ đồng. Tính đến ngày 31/12/2022, tổng tài sản của MBS đạt 10.641 tỷ đồng, không thay đổi nhiều so với đầu năm.
|
|
Ông Lê Viết Hải hiện đang nắm giữ vị trí Chủ tịch HĐQT của chứng khoán MB. |
Khấu trừ đi các khoản chi phí, MBS ghi nhận khoản lãi trước thuế 105,6 tỷ đồng. Đây là mức lợi nhuận thấp nhất của công ty này kể từ quý III/2020.
Lũy kế cả năm 2022, MBS ghi nhận doanh thu hoạt động đạt hơn 1.978 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 661 tỷ đồng, giảm lần lượt 12% và 10,2% so với cả năm 2021. Với bức tranh tài chính kém sáng sủa, MBS đã “trượt” kế hoạch đề ra và chỉ hoàn thành được gần 65% mục tiêu doanh thu và 60% so với kỳ vọng lợi nhuận.
MBS cho biết công ty đặt chỉ tiêu doanh thu năm 2023 đạt 2.700 tỷ đồng, tăng 37% so với năm ngoái. Lợi nhuận trước thuế 900 tỷ đồng, cao hơn 36%.
“Ôm” hàng trăm tỷ trái phiếu
Trong năm 2022, MBS tự đánh giá đã đảm bảo được tình hình thanh khoản, quản trị rủi ro an toàn, không để phát sinh nợ xấu. Dù vậy, báo cáo tài chính của MBS thể hiện công ty chứng khoán này đang “ôm” hàng trăm tỷ đồng trái phiếu của nhóm doanh nghiệp bất động sản, phần nào tiềm ẩn rủi ro trong bối cảnh thị trường đang gặp khó về thanh khoản.
Cụ thể, trái phiếu chưa niêm yết là một khoản đầu tư chiếm tỷ trọng lớn trong danh mục của MBS . Tổng giá trị đầu tư vào trái phiếu chưa niêm yết của MBS gần 1.173 tỷ đồng.
Trong đó, tính đến cuối năm 2022, MBS đang sở hữu hơn 6 triệu trái phiếu của Tập đoàn bất động sản với giá trị gần 606 tỷ đồng. Ngoài ra, MBS còn đang nắm giữ trái phiếu của các công ty khác như Đầu tư Xây dựng Trung Nam (181 tỷ đồng), Dược phẩm TENAMYD (150 tỷ đồng), Ngân hàng BIDV (130 tỷ đồng) và Vinaconex (105,7 tỷ đồng).
Cần phải biết rằng, nhóm Chứng khoán MBS – Ngân hàng MBBank đang là một trong số những doanh nghiệp “ôm” lượng trái phiếu nhiều nhất thị trường.
Trong năm 2022, MBS bán ra hơn 9 triệu trái phiếu với giá trị 2.259 tỷ đồng và hạch toán lãi 55 tỷ đồng, tập trung vào trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản trong đó điển hình như Trung Nam, Hải Phát. Song song với đó, công ty chịu lỗ 15,86 tỷ đồng khi bán ra gần 10,7 triệu trái phiếu giá trị 1.458 tỷ đồng.
Tính đến cuối năm 2022, báo cáo tài chính của MBS ghi nhận dư nợ trái phiếu ở mức gần 372 tỷ đồng, đều sẽ đáo hạn trong năm 2023.
Mới đây, Chứng khoán MB đã thông tin định kỳ về tình hình trả gốc, lãi trái phiếu. Theo đó, MBS đã thanh toán gốc, lãi đúng hạn các lô trái phiếu mã MBS_BOND3_2019, MBS_BOND4_2019, MBSH2122001, MBSH2122001, MBSH2123004, MBSH2223001.
Trong đó, theo dữ liệu từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, lô trái phiếu MBSH2223001 được phát hành trong tháng 4/2022, dự kiến đáo hạn tháng 9/2023. Đây là lô trái phiếu có giá trị 200 tỷ đồng, lãi suất 7,2% năm. Thông tin về trái chủ và tài sản đảm bảo của lô trái phiếu này không được MBS công bố chi tiết.
Ngoài ra, lô trái phiếu mã MBSH2122003 được phát hành vào ngày 27/8/2021, kỳ hạn 18 tháng, trị giá 200 tỷ đồng có lãi suất 7,2/năm. Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có tài sản đảm bảo. Theo MBS, số tiền huy động được sẽ sử dụng để đầu tư kinh doanh trái phiếu Chính phủ và/hoặc chứng chỉ tiền gửi do tổ chức tin dụng phát hành.