Tỷ giá biến động mạnh khiến chi phí tài chính tại PVI nhảy vọt
CTCP PVI vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2022 với kết quả kinh doanh ảm đạm.
Cụ thể, quý 2/2022, doanh thu thuần tại PVI tăng 26% so với cùng kỳ, đạt 1.581 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá vốn bán hàng chiếm tới 85% doanh thu thuần và tỷ lệ tăng chi phí vốn cao hơn nhiều, đến 41% nên lợi nhuận gộp thu về giảm 20% xuống còn 239 tỷ đồng.
Trong quý 2/2022, doanh thu tài chính tại PVI đạt 211 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ, trong đó thu lãi tiền gửi, tiền cho vay đạt 103 tỷ đồng, giảm 25%; lãi chênh lệch tỷ giá 23,5 tỷ đồng tăng mạnh 197% so với cùng kỳ và thu lãi đầu tư trái phiếu tăng mạnh 309% lên 66 tỷ đồng.
Chi phí tài chính trong kỳ ghi nhận 48 tỷ đồng, tăng đến 153% so với cùng kỳ. Trong đó, chi phí lãi vay tăng gấp 8,4 lần lên hơn 6 tỷ đồng.
Tuy nhiên, lý do chính khiến chi phí tài chính tăng mạnh chủ yếu do tăng mạnh lỗ chênh lệch tỷ giá, lên hơn 32 tỷ đồng trong khi cùng kỳ 2021 chỉ ở mức 7 tỷ đồng. Giai đoạn cuối quý 2/2022 vừa qua tỷ giá các đồng ngoại tệ biến động mạnh do diễn biến trên Thế giới. Điều này ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp trong nước có hoạt động liên quan đến các đồng ngoại tệ. Báo cáo ghi nhận đến 30/6/2022 PVI còn có gần 4,5 triệu USD, 458 Bảng Anh và gần 573.700 EUR, tăng nhiều so với số đầu năm.
Kết quả, quý 2/2022 PVI báo lãi sau thuế đạt 200 tỷ đồng, giảm 26,6% so với số lãi 272 tỷ đồng ghi nhận trong quý 2/221.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, doanh thu thuần tại PVI đạt 3.962 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ. Chi phí vốn tăng cao hơn, đến 29% lên hơn 2.558 tỷ đồng do đó lợi nhuận gộp gần như đi ngang, đạt 507 tỷ đồng.
Doanh thu tài chính trong kỳ đạt 401 tỷ đồng, trong đó có đến 120 tỷ đồng đầu tư trái phiếu và 213 tỷ đồng lãi tiền gửi.
Đáng nói, chi phí tài chính gấp đôi cùng kỳ, lên gần 79 tỷ đồng do tăng mạnh lỗ chênh lệch tỷ giá lên hơn 47 tỷ đồng (trong khi 6 tháng đầu năm 2021 chỉ hơn 20 tỷ đồng).
Tổng giá trị các khoản đầu tư tài chính của PVI đến 30/6/2022 bao gồm giá trị trái phiếu, cổ phiếu gần 1.800 tỷ đồng (đã trích lập dự phòng giảm giá đầu tư hơn 37 tỷ đồng), tăng 87% so với số đầu năm. Đáng chú ý, với giá gốc khoản đầu tư này, tạm tính với thị trường “đỏ lửa” như hiện nay, giá trị hợp lý của khoản đầu tư này giảm nhẹ ở mức 1.754 tỷ đồng. Trong khi đó với khoản đầu tư gốc 951 tỷ đồng đầu năm, giá trị hợp lý được tính tăng thêm gần 300 tỷ đồng, lên mức 1.240 tỷ đồng.
Sau khi trừ các khoản chi phí, lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm 2022 đạt gần 525 tỷ đồng, giảm nhẹ 8% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế giảm 7% so với cùng kỳ, về mức hơn 427 tỷ đồng.
Năm 2022, CTCP PVI đặt mục tiêu tổng doanh thu đạt 11.652 tỷ đồng, tăng 5%, lợi nhuận trước thuế đạt 911 tỷ đồng, giảm 17% so với thực hiện năm 2021. Như vậy, sau nửa năm doanh nghiệp này mới chỉ thực hiện được khoảng 32% doanh thu cả năm và 55% lợi nhuận đề ra được giao cho cả năm.
Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh âm nặng
Trong 6 tháng đầu năm 2022, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của CTCP PVI âm gần 835 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm 2021 dương hơn 120 tỷ đồng.
Một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn tới dòng tiền hoạt động kinh doanh âm là do các khoản phải thu tăng từ 413 tỷ đồng lên 1.144 tỷ đồng; chi phí lãi vay tăng mạnh; lỗ chệnh lệch tỷ giá hối đoái do đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ;…
Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh âm luôn là chỉ báo xấu đối với sức khỏe tài chính của doanh nghiệp. Ngoài ra, dòng tiền thuần hoạt động đầu tư trong 6 tháng đầu năm 2022 sụt giảm 77% xuống còn hơn 38 tỷ đồng.
Do dòng tiền kinh doanh âm và dòng tiền đầu tư sụt giảm mạnh, PVI phải tăng cường vay nợ. 6 tháng đầu năm 2022, tiền thu từ đi vay của PVI hơn 839 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ 2021 ghi nhận 227 tỷ đồng.Tiền chi nợ gốc vay là 342 tỷ đồng.
|
|
Báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất giữa niên độ (nguồn: BCTC hợp nhất quý 2/2022 tại PVI) |
Nợ vay ngắn hạn và chi phí lãi vay tại CTCP PVI tăng vọt
Do tăng cường hoạt động vay nợ, dư nợ vay ngắn hạn tại CTCP PVI tại thời điểm 30/6/2022 tăng vọt 223% so với hồi đầu năm, từ 224 tỷ đồng lên hơn 723 tỷ đồng.
Do vay nợ tăng dẫn tới chi phí lãi vay của PVI trong 6 tháng đầu năm tăng mạnh gấp gần 7 lần, lên hơn 7 tỷ đồng. Chi phí lãi vay tăng là một trong những lý do khiến chi phí tài chính gấp đôi cùng kỳ, lên gần 79 tỷ đồng.
Thực tế, với quy mô tổng tài sản hơn 26.515 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu hơn 8.204 tỷ đồng, các dấu hiệu trên chưa phải là vấn đề nghiêm trọng đối với CTCP PVI nếu cải thiện tình hình dòng tiền, sức khỏe tài chính. Nếu không xử lý kịp thời, doanh nghiệp này sẽ sớm phát sinh các vấn đề nghiêm trọng hơn.