Hệ sinh thái Trungnam Group lại tiếp tục huy động vốn qua kênh trái phiếu
CTCP Đầu tư Xây dựng Trung Nam (Trungnam Group) thành lập vào năm 2004 với hệ thống gần 20 công ty thành viên, hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau như: Năng lượng, xây dựng, hạ tầng, bất động sản và công nghiệp thông tin điện tử. Trong đó, mảng năng lượng là trụ cột mạnh nhất của tập đoàn với loạt dự án thuỷ điện, điện gió, điện mặt trời.
Nhằm huy động vốn mở động mảng năng lượng, vài năm gần đây, nhóm các đơn vị thành viên của Trungnam Group liên tục huy động trái phiếu như CTCP Điện gió Trung Nam Đắk Lắk 1, CTCP Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam, CTCP Trung Nam Thuận Nam với quy mô trên chục nghìn tỷ đồng.
Mới đây nhất, theo tin từ Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), CTCP Năng lượng tái tạo Trung Nam – thành viên của Trungnam Group vừa huy động thành công 1.500 tỷ đồng trái phiếu.
Cụ thể, lô trái phiếu có mã TRECB2223001 kỳ hạn 1 năm. Trái phiếu được phát hành tại thị trường trong nước. Khối lượng phát hành là 15.000.000 trái phiếu có mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu. Ngày phát hành và hoàn tất chào bán trong ngày 30/6/2022.
Về vấn đề mua lại và hoán đổi, CTCP Năng lượng tái tạo Trung Nam nêu rõ, những người sở hữu trái phiếu về việc mua lại trước hạn ít nhất 10 ngày trước thời điểm thực hiện mua lại trước hạn.
|
|
Thông tin lô trái phiếu của CTCP Năng lượng tái tạo Trung Nam – thành viên của Trungnam Group (Nguồn: HNX). |
Một thành viên khác trong hệ sinh thái Trungnam Group cũng đã huy động hàng trăm tỷ đồng từ đầu năm đến nay.
Cụ thể, đây, Công ty cổ phần Điện gió Trung Nam Đắk Lắk 1 vừa công bố phát thành công lô trái phiếu riêng lẻ tổng giá trị 600 tỷ đồng, có kỳ hạn 1863 ngày. Ngày phát hành là 23/6/2021 và ngày đáo hạn là 29/7/2026.
Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có đảm bảo bằng tài sản và không phải là nợ thứ cấp của doanh nghiệp. Lãi suất cố định 9,5%/năm trong 4 kỳ tính lãi đầu tiên. Các kỳ tính lãi tiếp theo hình thức thả nổi
Mục đích phát hành trái phiếu để thực hiện đầu tư dự án Nhà máy điện gió Ea Nam có vị trí tại các xã Ea Nam, EA Khal, Dlie Yang thuộc huyện EA H\'leo, tỉnh Đak Lak.
Về tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu gồm toàn bộ cổ phần của cổ đông Công ty cổ phần Điện gió Trung Nam Đắk Lắk 1. Toàn bộ tài sản gắn liền với đất (bao gồm cả tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai) thuộc dự án nhà máy điện gió Ea Nam. Đồng thời thế chấp động sản là toàn bộ máy móc, thiết bị và các động sản khác thuộc dự án.
Theo thông tin từ HNX, chỉ trong năm 2021, Điện gió Trung Nam Đắk Lắk 1 đã 10 lần phát hành thành công trái phiếu với lượng vốn huy động khủng hơn 10.000 tỷ đồng. Đáng nói, việc huy động vốn qua trái phiếu chỉ diễn ra trong vòng nửa năm từ khoảng tháng 6/2021 đến hết năm 2021.
Tháng 2/2022, Công ty cổ phần Điện Mặt Trời Trung Nam Trà Vinh – thành viên của Trungnam Group cũng đã huy động thành công 400 tỷ đồng trái phiếu.
Tính riêng Trungnam Group, trong quý 2/2022 đã huy động thành công 2.700 tỷ đồng trái phiếu qua 3 đợt phát hành. Lần 1 hoàn tất vào ngày 16/6 với giá trị 300 tỷ đồng; lần 2 hoàn tất vào ngày 17/5 với giá trị 400 tỷ đồng; lần 3 hoàn tất phát hành ngày 5/4 với tổng giá trị 2.000 tỷ đồng.
Đáng chú ý, tất cả các lô trái phiếu của Trungnam Group đều không công bố rõ về lãi suất, mục đích phát hành, tài sản đảo bảo hay bên đứng ra tư vấn, bảo lãnh.
Thấy gì từ hàng loạt vụ chuyển nhượng dự án năng lượng của Trungnam Group
Đáng chú ý, Tờ Bloomberg vừa dẫn nguồn tin riêng cho biết, Trungnam Group đang làm việc với một tổ chức tư vấn tài chính để bán từ 30% - 35% cổ phần trong danh mục đầu tư của mình, chủ yếu là các dự án điện gió và điện mặt trời. Khối tài sản này có thể được định giá lên tới 1 tỷ USD.
Nguồn tin của Bloomberg cho biết mọi thứ vẫn đang được thảo luận và việc bán vốn của Trungnam Group chưa chắc sẽ diễn ra. Trong khi đó, đại diện phía Trungnam Group từ chối đưa ra bình luận với trang tin quốc tế này.
Trước đó, vào tháng 5/2021 phía Điện gió Trung Nam - thành viên của Trungnam Group đã thực hiện ký kết hợp tác chiến lược với Công ty Hitachi Sustainable Energy (Hitachi SE) thuộc tập đoàn Hitachi (Nhật Bản). Qua đó, Hitachi SE sẽ sở hữu 35,1% cổ phần Nhà máy điện gió Trung Nam. Đây là dự án có tổng số vốn đầu tư tương đương 4.000 tỷ đồng với công suất 151,95 MW.
Tháng 4/2021, Trungnam Group cũng đã bán 49% cổ phần tại dự án điện mặt trời Trung Nam Thuận Bắc (Ninh Thuận) cho CTCP Kỹ thuật công nghiệp Á Châu. Dự án được chuyển nhượng có vốn đầu tư tới 5.000 tỷ đồng, với công suất 204 MW vừa được vận hành hơn 1 năm trước và được hưởng giá bán điện 9,35 cent/kWh trong 20 năm theo chính sách ưu đãi.
Chia sẻ góc nhìn về việc nhiều dự án năng lượng tái tạo bị chuyển nhượng cho đối tác nước ngoài, thậm chí sang tay ngay khi nhận được dự án, PGS.TS Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam từng cho rằng đã đến lúc cuộc chơi toàn cầu cần nghiêm túc theo tư cách là “cá lớn”.
Nghĩa là doanh nghiệp Việt Nam cần thay đổi tư duy toàn cầu, việc tự tiếp cận, tự thân, doanh nghiệp thấy có lợi thì làm là mô hình mang tính chất nhỏ lẻ, chỉ được vài lần và chính doanh nghiệp cũng không thể lớn lên được nếu không có dự án của chính mình và thành công với nó.
|
|
PGS.TS Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam. |
Những động thái sang nhượng dự án của ông lớn ngành năng lượng đã khiến nhiều chuyên gia lo ngại về việc sang tay các dự án tiếp theo mà Trungnam Group và các đơn vị thành viên triển khai. Đặc biệt, đối tượng sang nhượng là nhà đầu tư nước ngoài vốn được cảnh báo về nguy cơ mất an toàn an ninh quốc gia.
Do đó, việc chuyển nhượng có thể đem lại lợi ích cho doanh nghiệp nhưng thể hiện cách chơi...“chưa lớn”.