Góc nhìn pháp lý
Như đã thông tin trong bài viết: “Công ty CP chứng khoán Thủ Đô – Bài 1: Liên tục trì hoãn thanh toán trái phiếu đến ngày đáo hạn”, công ty CP chứng khoán Thủ Đô đưa ra kỳ hạn linh động để thu hút dòng tiền nhưng lại khiến khách hàng bức xúc khi những ngày cuối năm 2022 đã liên tiếp gửi văn bản trì hoãn thanh toán trái phiếu đến ngày đáo hạn.
|
|
Một văn bản gần đây nhất liên quan đến việc giải quyết quyền lợi cho khách hàng của CASC nhưng lại không được thực hiện theo đúng nội dung cam kết. |
Đứng ở góc nhìn pháp lý, luật sư Lê Cao – công ty luật FDVN cho biết: “Việc phát sinh hợp đồng giao dịch mua bán trái phiếu là giữa bà B.N. và công ty Cổ phần chứng khoán Thủ đô (CASC).
Nếu như CASC là một nhà phát hành trái phiếu thứ cấp của H.T Group thì thời gian đáo hạn trái phiếu phải đúng hạn là 26/05/2024. Tuy nhiên CASC đã tự đưa ra thời gian đáo hạn linh động: 3 tháng, 6 tháng,... nên cần phải xem xét lại lô trái phiếu này CASC có phải là đơn vị phát hành thứ cấp hay không?
Nếu CASC sử dụng lô trái phiếu trên như một tài sản của CASC, kêu gọi đầu tư và mất khả năng thanh toán thì việc tranh chấp căn cứ theo hợp đồng đã ký kết giữa hai bên. Bà B.N. hoàn toàn có quyền khiếu kiện CASC tội “Lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” nếu có những bằng chứng rõ ràng liên quan đến dòng tiền mà bà đã chuyển cho CASC nhưng dòng tiền đó không đến H.T Group”.
“Phát hành trái phiếu doanh nghiệp hiện nay còn nhiều kẽ hở. Một số doanh nghiệp sau khi phát hành đến kỳ đáo hạn không thể xoay xở được dòng tiền thanh toán dẫn tới hệ lụy các nhà đầu tư mất đi niềm tin. Thêm vào đó các đơn vị đại lý phát hành thứ cấp tự đưa ra những chính sách khác nhau để “hút tiền” nhà đầu tư bằng mọi giá khiến thị trường trái phiếu ngày càng nhiễu loạn”, luật sư Cao nói thêm.
Được biết, Thanh tra Chính phủ đang nắm tình hình để chuẩn bị thanh tra chuyên đề việc chấp hành pháp luật về phát hành trái phiếu doanh nghiệp và sử dụng nguồn tiền từ trái phiếu doanh nghiệp.
Cần xử lý triệt để những doanh nghiệp làm ăn bất hợp pháp
Chủ trì cuộc họp khẩn về thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp vào ngày 23/11/2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khi đề cập đến những sai phạm, vi phạm pháp luật của các doanh nghiệp phát hành trái phiếu gây nhiều hệ lụy, mất niềm tin với nhà đầu tư đã thẳng thắn chỉ rõ: “Chúng ta đã dành nhiều công sức để tạo dựng nên một thị trường vốn nhằm phục vụ đắc lực cho sự phát triển của kinh tế đất nước. Tuy nhiên, năm 2022, sự việc của Tân Hoàng Minh, FLC hay Công ty An Đông và Ngân hàng SCB đến nay khiến thị trường liên tục chao đảo”.
Điển hình, vụ án Tân Hoàng Minh xảy ra từ tháng 4/2022 cho đến nay đã hơn nửa năm nhưng những hệ lụy của nó đối với những nhà đầu tư trái phiếu đã mua trái phiếu của doanh nghiệp này là vô cùng lớn. Hàng nghìn nhà đầu tư đã bị thiệt hại trong vụ án, hằng ngày sống trong hoang mang, lo sợ. Nhiều nhà đầu tư đã bỏ ra số tiền hàng trăm triệu đồng, hàng chục tỷ đồng đi mua trái phiếu của Tân Hoàng Minh; hằng tuần nhiều người vẫn tập trung căng băng rôn ở khắp nơi kêu cứu, đòi tiền.
Cũng năm 2022, vụ việc cơ quan điều tra bắt Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Vạn Thịnh Phát cùng 3 đồng phạm lừa đảo chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng của người dân hay việc cơ quan Cảnh sát điều tra bộ Công an đã bắt giữ Trương Mỹ Lan (SN 1956), Chủ tịch HĐQT công ty Cổ phần Vạn Thịnh Phát cùng 3 đồng phạm để điều tra, xác minh một số hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong việc phát hành trái phiếu, huy động tiền của nhà đầu tư, của các công ty, đơn vị liên quan công ty CP tập đoàn Đầu tư An Đông… đều được xác định là các vụ án lớn, gây hậu quả nghiêm trọng và cần xử lý mạnh tay, triệt để những doanh nghiệp làm ăn bất hợp pháp.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã có công điện để tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra, phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Mặc dù vậy, qua những vụ việc như Tân Hoàng Minh vừa qua cho thấy, cơ chế, chính sách của Nhà nước đã bị lợi dụng, dẫn đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp bộc lộ những bất cập, hạn chế.