Theo tin tức cổ phiếu trên báo VnExpress, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) vừa công bố quyết định hủy niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu IBC của Công ty cổ phần Đầu tư Apax Holdings. Nguyên nhân là IBC vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin.

Đến nay, doanh nghiệp này vẫn chưa công bố nhiều văn bản gồm báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022, báo cáo tài chính quý I và quý II, báo cáo tài chính soát xét bán niên 2023, báo cáo quản trị công ty 6 tháng đầu năm 2023. Ngoài ra, Apax Holdings còn chưa tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên 2023.
leftcenterrightdel
 
Hơn 83 triệu cổ phiếu IBC của Công ty cổ phần Đầu tư Apax Holdings trên HoSE sẽ bị hủy bỏ niêm yết bắt buộc.


Trước đó, IBC đã bị HoSE đưa vào các diện theo dõi gồm đình chỉ giao dịch, kiểm soát và cảnh báo. Kể từ khi bị đình chỉ giao dịch đến nay, công ty chưa khắc phục các vi phạm công bố thông tin kể trên. HoSE cho rằng doanh nghiệp này có khả năng tiếp tục xảy ra và kéo dài, vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin và ảnh hưởng đến quyền lợi cổ đông.

Apax Holdings là công ty con duy nhất đang niêm yết trên sàn chứng khoán thuộc Egroup - hệ sinh thái giáo dục của ông Nguyễn Ngọc Thủy (thường được biết đến là Shark Thủy khi ngồi “ghế nóng” chương trình Shark Tank Việt Nam trên truyền hình). Công ty này đứng sau Apax Leaders, mầm non Igarten, trường liên cấp Firbank Australia.... Sau nhiều đợt bị bán giải chấp, hiện Egroup mất quyền công ty mẹ khi tỷ lệ sở hữu tại Apax Holdings giảm về mức 17,66%. Tuy nhiên, ông Thủy vẫn đang giữ chức Chủ tịch HĐQT.

Từ khi bị đình chỉ giao dịch vào ngày 18/9, IBC có thị giá 1.770 đồng/cổ phiếu. Mức này được thiết lập sau 5 phiên nằm sàn liên tiếp. Mã chứng khoán Apax Holdings rớt giá mạnh so với mức 12.550 đồng hồi cuối tháng 11. Thời gian trước, cổ phiếu này cũng liên tục bị bán tháo, các công ty chứng khoán cũng thường xuyên bị bán giải chấp.

Về tình hình kinh doanh, báo Tiền Phong dẫn số liệu từ báo cáo tài chính hợp nhất năm 2022 do IBC tự lập cho thấy, công ty đạt doanh thu 1.336 tỷ đồng, tăng 35% so với thực hiện năm 2021. Tuy nhiên, IBC lỗ trước thuế lên đến 77 tỷ đồng, lỗ ròng 87 tỷ đồng và đây là mức lỗ kỷ lục trong lịch sử hoạt động của công ty.

Tại thời điểm 31/12/2022, nợ phải trả của Apax Holdings là 3.076 tỷ đồng. Trong đó, tổng vay và nợ thuê tài chính là 1.915 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu giảm nhẹ so với đầu năm, còn 1.520 tỷ đồng. Tổng tài sản cuối năm 2022 còn 4.596 tỷ đồng. Cuối năm 2022, tiền và tương đương tiền của Apax Holdings vẫn khá dồi dào với 737 tỷ đồng.

Lý giải nguyên nhân thua lỗ, Apax Holdings cho biết, doanh thu cung cấp dịch vụ, doanh thu tài chính giảm do bị ảnh hưởng trực tiếp từ suy thoái kinh tế và sự bất ổn trong thị trường đầu tư và thị trường vốn cuối năm 2022.

Ngoài ra, kết quả hoạt động kinh doanh của Apax Leaders giảm do bị ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19 (chi phí mặt bằng của toàn hệ thống, chi phí vận hành của cả bộ máy) và do ảnh hưởng trực tiếp từ suy thoái kinh tế.
Vân Anh (T/h)
Nguồn Đời sống & Pháp luật
Link bài gốc

https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/co-phieu-ibc-bi-huy-niem-yet-cong-ty-cua-shark-thuy-dang-lam-an-ra-sao-a600659.html