Thẩm mỹ VENESA chậm nộp thuế và bảo hiểm xã hội hơn 13,8 tỷ đồng

Tạp chí Đầu tư tài chính đưa tin, gần đây, Thẩm mỹ VENESA liên tục bị cơ quan Bảo hiểm xã hội TP.Hà Nội và Cục thuế TP.HCM nhắc tên vì chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính theo luật định.

Cụ thể, tính đến ngày 30/9, Công ty TNHH VENESA đã chậm đóng bảo hiểm xã hội 9 tháng với tổng số tiền hơn 8,4 tỷ đồng, tương đương mỗi tháng chậm hơn 900 triệu đồng.
leftcenterrightdel
 Thẩm mỹ VENESA chậm nộp thuế và bảo hiểm xã hội hơn chục tỷ đồng.

Cùng với đó, ngày 8/11, Cục thuế TP.HCM đã ra quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế bằng biện pháp ngừng sử dụng hoá đơn đối với Chi nhánh VENESA tại TP.HCM, tạp chí Tài chính Doanh nghiệp cho biết thêm.

Nguyên nhân bị cưỡng chế là do VENESA - Chi nhánh TP.HCM không chấp hành nộp thuế theo Thông báo ngày 12/10/2023, tổng số tiền bị cưỡng chế là hơn 5,4 tỷ đồng.

Hồi tháng 5/2023, Công ty TNHH VENESA (địa chỉ Phòng 506, tầng 5, Số 362 Phố Huế, phường Phố Huế, quận Hai Bà Trưng, TP.Hà Nội) bị xử phạt 50 triệu đồng, do có vi phạm tại địa điểm kinh doanh - Chi nhánh VENESA TP.HCM - Công ty TNHH VENESA - Trung tâm VENESA Hùng Vương (chăm sóc da - địa chỉ số 136-138 Hùng Vương, phường 2, quận 10, TP.HCM).

Theo đó, cơ sở của Công ty TNHH VENESA đã có hành vi sử dụng thiết bị để can thiệp vào cơ thể người (chiếu tia, sóng) làm thay đổi màu sắc da, hình dạng, cân nặng, khiếm khuyết của các bộ phận trên cơ thể (da, mũi, mắt, môi, khuôn mặt, ngực, bụng, mông và các bộ phận khác trên cơ thể người) tại các cơ sở không phải là bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ hoặc phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác có phạm vi hoạt động chuyên môn về chuyên khoa thẩm mỹ.

Ngoài bị phạt tiền, Công ty TNHH VENESA còn bị đình chỉ hoạt động trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh của cơ sở trong thời hạn 4,5 tháng, theo báo Đại biểu nhân dân.

Từng vướng nhiều lùm xùm

Thẩm mỹ VENESA không còn xa lạ trong ngành làm đẹp. VENESA được thành lập từ năm 2014 dưới tên Công ty TNHH DEAURA, vốn điều lệ 20 tỷ đồng.

Theo tạp chí Kinh tế Môi trường, trong quá khứ, Công ty TNHH Deaura cũng đã từng dính không ít án phạt. Cụ thể, ngày 29/5/2017, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội - Đội Quản lý thị trường số 17 (Đội cơ động kiểm tra kiểm soát chất lượng hàng hóa lưu thông trên địa bàn thành phố) phối hợp với Phòng An ninh kinh tế - PA81( Đội 6) Công an TP.Hà Nội đồng loạt kiểm tra 4 cơ sở kinh doanh của Công ty TNHH Deaura, gồm Công ty TNHH Deaura (tầng 8, số 1 Thái Hà, Đống Đa); Công ty TNHH Deaura Thái Hà (19-21 Yên Lãng, Đống Đa), Công ty TNHH Deaura Nguyễn Du (68 Nguyễn Du, Hai Bà Trưng); Công ty TNHH Deaura Nguyễn Đình Thi (89 Nguyễn Đình Thi, Tây Hồ).

Cùng đó, ngày 13/9/2017, Chi cục QLTT Hà Nội - Đội Quản lý thị tường số 5, quận Hai Bà Trưng kiểm tra đối với Công ty TNHH Deaura Nguyễn Du. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện các các cơ sở kinh doanh của Công ty TNHH Deaura có các hành vi vi phạm: Kinh doanh mỹ phẩm nhập lậu; kinh doanh hàng hóa có nhãn không ghi đầy đủ nội dung bắt buộc (tên, địa chỉ thương nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa); thay đổi thông tin địa chỉ nhà nhập khẩu mỹ phẩm trong công bố mà không thông báo với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Kinh doanh mỹ phẩm do nước ngoài sản xuất, chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc; kinh doanh mỹ phẩm nhập khẩu không có công bố chất lượng mỹ phẩm đối với thương nhân kinh doanh. Không thực hiện niêm yết giá bán hàng hóa…

Chi Cục Quản lý thị trường TP.Hà Nội đã xử phạt vi phạm hành chính các cơ sở thuộc Công ty TNHH Deaura với tổng số tiền 382.500.000 đồng; trị giá hàng hóa vi phạm 171.240.000 đồng (Hàng hóa vi phạm là sản phẩm mỹ phẩm các loại), buộc thiêu hủy hàng hóa vi phạm hàng trăm triệu đồng; trong đó Công ty TNHH Deaura Thái Hà bị phạt số tiền lớn nhất 170.000.000 đồng; buộc thiêu hủy hàng hóa trị giá 81.840.000 đồng.

Đến tháng 3/2018, sau hàng loạt khiếu nại của khách hàng gửi đến Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) liên quan đến việc nhân viên DeAura chào mời khách vay ngân hàng để mua mỹ phẩm, doanh nghiệp này đổi tên thành Công ty TNHH VESENA.

Đến tháng 6/2023, vốn điều lệ doanh nghiệp này tăng vọt lên mức 70 tỷ đồng, các thành viên góp vốn gồm ông Đặng Trung Hiếu (56 tỷ đồng) và bà Nguyễn Quỳnh Anh (14 tỷ đồng).

Ông Đặng Trung Hiếu từng làm giám đốc nhiều công ty TNHH lĩnh vực chăm sóc sắc đẹp và sức khỏe như CAMELLIA, APHRODITE, EROS, LILY, VIRGO. Đến nay, những đơn vị này đã ngừng hoạt động nhưng chưa hoàn thiện thủ tục đóng mã số thuế.
Vân Anh (T/h)
Nguồn Đời sống & Pháp luật
Link bài gốc

https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tham-my-venesa-cham-nop-thue-va-bao-hiem-xa-hoi-hon-chuc-ty-dong-a599930.html