“Đua sàn” bất chấp lùm xùm tranh chấp của gia đình ông chủ nhà băng
Tháng 2 vừa qua, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Nam Á (Nam A Bank - mã NAB) đã hoàn tất chào bán riêng lẻ thành công 143 triệu cổ phiếu qua đó tăng vốn điều lệ lên 6.564 tỷ đồng. Giá chào bán bình quân 20.000 đồng/cổ phiếu tương ứng số tiền thu được 2.860 tỷ đồng. Trước đó, nhà băng này cũng đang triển khai hương án phát hành 57 triệu cổ phiếu để chi trả cổ tức với tỷ lệ 12,4878%.
Đây là lần đầu tiên Nam A Bank thực hiện phát hành tăng vốn kể từ khi lên sàn tháng 10/2020, đặc biệt sau những lùm xùm tranh chấp và cổ phiếu NAB của một số cổ đông đã bị Bộ Công an yêu cầu phong tỏa sau khi vụ án bị khởi tố.
Ngay trước khi chào sàn, Nam A Bank cũng đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 3.890 tỷ đồng lên hơn 4.564 tỷ đồng thông qua chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) và chào bán riêng lẻ, tổng cộng phát hành thêm hơn 67,4 triệu cổ phiếu.
Trong kế hoạch trình đại hội cổ đông thường niên 2020, ban lãnh đạo Nam A Bank dự kiến niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán TP.HCM (HoSE) chậm nhất vào tháng 12. Thế nhưng sau đó, nhà băng này đã đưa 389 triệu cổ phiếu lên giao dịch trên UpCOM vào ngày 9/10/2020 để kịp “đối phó” với quy định các ngân hàng phải lên sàn chứng khoán.
Việc đưa toàn bộ cổ phiếu lên sàn chứng khoán để giao dịch bất chấp văn bản ngăn chặn của cơ quan cảnh sát điều tra (CSĐT) được đánh giá mạo hiểm và có thể gây nên nhiều hệ lụy, khó khăn cho việc xử lý vụ án của cơ quan điều tra, xử lý tranh chấp sau này.
Trước đó vào ngày 20/6/2019, Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C01) có công văn gửi Nam A Bank về việc C01 đang thực hiện điều tra vụ án “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” liên quan đến tài sản bị chiếm đoạt là cổ phần, cổ phiếu tại Nam A Bank và một số công ty thuộc nhóm Hoàn Cầu. Cụ thể, việc tranh chấp xảy ra giữa chính những người trong gia đình ông chủ Nam A Bank là ông Nguyễn Quốc Toàn - Chủ tịch HĐQT và bố đẻ là ông Nguyễn Chấn.
Do đó, C01 yêu cầu tạm dừng chuyển nhượng cổ phần của Nam A Bank đứng tên cá nhân, tổ chức mà cơ quan điều tra cung cấp.
Trong giai đoạn cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, phong tỏa cổ phiếu của các cổ đông liên quan, lẽ ra, Nam A Bank cần phân tách số cổ phiếu có giá trị bị phong tỏa, tạm dừng giao dịch để chờ xử lý theo pháp luật và đưa niêm yết phần còn lại. Tuy nhiên, nhà băng này đã đưa toàn bộ 389 triệu cổ phiếu lên sàn giao dịch gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương hiệu và quyền lợi của các cổ đông khác của Nam A Bank.
Kinh doanh thụt lùi cùng nợ xấu tăng cao đột biến
Kể từ sau khi lên sàn, kết quả kinh doanh của Nam A Bank lại có dấu hiệu đi lùi khi lợi nhuận quý càng ngày càng “teo tóp”. Trái với quy luật chung của ngành thường có điểm rơi lợi nhuận cuối năm, tình hình kinh doanh của nhà băng này lại càng kém sắc, nợ xấu càng tăng cao trong quý IV/2021.
Trong kỳ, Nam A Bank ghi nhận lợi nhuận hợp nhất trước và sau thuế giảm hơn 39% so với cùng kỳ 2020, xuống còn 376 tỷ đồng và 298 tỷ đồng. Nguyên nhân chính khiến lợi nhuận Nam A Bank đi lùi là do chi phí dự phòng rủi ro cao gấp 2,5 lần cùng kỳ, còn lợi nhuận thuần chỉ tăng nhẹ chưa tới 6%.
Dù vậy, thu nhập lãi thuần của ngân hàng trong ba tháng cuối năm vẫn tăng hơn 50% lên gần 1.295 tỷ đồng. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ, hoạt động kinh doanh ngoại hối và chứng khoán đầu tư cùng khởi sắc. Tổng thu nhập hoạt động quý IV đạt 1.553 tỷ, tăng 22,5%. Tuy nhiên, chi phí hoạt động tăng tới 52,7% khiến lợi nhuận thuần chỉ nhích nhẹ 5,9% lên gần 865 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh sụt giảm so với cùng kỳ của Nam A Bank thu hẹp đà tăng mạnh từ đầu năm của nhà băng này. Tính chung cả năm 2021, lợi nhuận của ngân hàng tăng cao nhờ thu nhập hoạt động tăng gần 51% với hầu hết mảng kinh doanh chính đều diễn biến tích cực. Dù vậy, ở chiều ngược lại, cả chi phí hoạt động và và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cũng đều tăng nhanh.
Tính đến cuối năm 2021, tổng tài sản ngân hàng tăng 14,1% so với đầu năm lên 153.238 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng tăng 15,1% đạt gần 102.653 tỷ đồng. Đáng chú ý, chất lượng dư nợ của Nam A Bank lại đi xuống rõ rệt, tổng nợ xấu thời điểm 31/12/2021 tăng đột biến gấp 2,2 lần đầu năm, qua đó đẩy tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay từ 0,83% lên 1,57%.
Có thể nói, giữa những lùm xùm pháp lý của gia đình ông chủ Nam A Bank và việc kinh doanh kém sắc thì những kỳ vọng về việc trở thành một ngân hàng bán lẻ đa năng, hiện đại có lẽ sẽ còn quá nhiều khó khăn?