80% vốn thực hiện dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống vay từ VietinBank

Nhà máy nước mặt sông Đuống thuộc Tập đoàn AquaOne là dự án cung cấp nước sạch sinh hoạt có quy mô lớn nhất miền Bắc.

Tổng vốn đầu tư dự án theo giấy chứng nhận đầu tư là khoảng 5.000 tỉ đồng (khoảng 224 triệu USD).

Trong đó, vốn góp để thực hiện dự án là gần 1.000 tỉ đồng (chỉ chiếm 20% tổng vốn dầu tư). Số tiền còn lại, Công ty vay gần 4.000 tỉ còn tại VietinBank.

Theo báo cáo tài chính, Công ty cổ phần Nước mặt Sông Đuống ký hợp đồng vay VietinBank – Chi nhánh Đô Thành với mục đích thanh toán các chi phí để thực hiện Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy mặt nước sông Đuống. Khoản vay này trả làm nhiều lần bắt đầu từ ngày 5.1.2020 đến 31.12.2033.

leftcenterrightdel
 Theo Giấy đăng ký kinh doanh 2016, Công ty TNHH MTV quản lý Quỹ ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (58% - tương đương gần 580 tỉ đồng). Ảnh chụp từ BCTC Công ty CP nước mặt sông Đuống

Khoản vay tại VietinBank chịu lãi suất là 8%/năm trong 1 năm kể từ ngày giải ngân đầu tiên và 8,9%/năm trong năm thứ hai kể từ ngày giải ngân đầu tiên. Từ năm thứ 3 trở đi sẽ là lãi suất quy định theo hợp đồng.

Công ty cổ phần nước mặt sông Đuống sử dụng toàn bộ các công trình xây dựng, động sản và các quyền tài sản hình thành trong tương lai của Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy Nước mặt sông Đuống để thế chấp cho khoản vay này.

Tính đến ngày 31.12.2018, Công ty cổ phần Nước mặt Sông Đuống đã rút vốn số tiền khoảng 2.483 tỉ đồng.

Tính đến thời điểm lập báo cáo tài chính, khoản vay vẫn trong thời gian ân hạn.

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, Tiến sĩ Đinh Thế Hiển – chuyên gia kinh tế cho biết “Về phía ngân hàng khi cho vay một dự án thông thường không cho vay quá 70%. Còn lại 30% là vốn của chủ đầu tư. Tuy nhiên, đối với dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống gần như là dự án an toàn, đảm bảo đầu ra, khả năng trả nợ gần như chắc chắn nên ngân hàng sẵn sàng cho vay tỉ lệ cao”.

Theo Tiến sĩ Đinh Thế Hiển, đối với những dự án phục vụ đời sống người dân, nhà nước không thể giao khoán hoàn toàn cho thị trường, mà nếu có thì phải có sự cạnh tranh trên thị trường chứ không phải độc quyền kinh doanh.

Khi chọn công ty đầu tư cần ưu tiên công ty nào có kĩ thuật tiên tiến, chuyên môn cao. Thêm vào đó là công ty vốn tự có lớn, nguồn vốn rẻ. Nếu chỉ đơn giản là đi vay thương mại với lãi suất cao mà xây dựng nhà máy thì bất kì công ty nào cũng làm được. Việc lựa chọn công ty vốn ít, phải đi vay thương mại lãi suất cao như Nhà máy nước mặt sông Đuống là dấu hỏi lớn.

VietinBank vừa cho vay tiền, VietinBank Capital là cổ đông góp vốn

Bên cạnh việc vay tiền từ VietinBank chi nhánh Đô Thành, thì bóng dáng của VietinBank còn thấp thoáng ở mục cổ đông góp vốn là Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên quản lý quỹ ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank Capital).

leftcenterrightdel
 Phần vốn góp của VietinBank Capital. Ảnh chụp từ BCTC Công ty CP nước mặt sông Đuống

Vai trò của VietinBank Capital tại Công ty Cổ phần nước mặt sông Đuống được thực hiện trên cơ sở nhận ủy thác của nhà đầu tư.

Theo Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp ngày 8.6.2016, cổ đông lớn chiếm 58% vốn góp ban đầu của Công ty cổ phần Nước mặt Sông Đuống không phải là Tập đoàn Aqua One của Shark Liên mà là VietinBank Capital (58% cổ phần tương đương gần 580 tỷ đồng).

Trong năm 2018, khoản vốn 58% của VietinBank Capital và 27% của VIAC (No.1) Limited Partnership - Singapore mới được chuyển sang các cổ đông khác, trong đó có Công ty cổ phần nước Aqua One, Công ty cổ phần quản lý quỹ Sài Gòn và Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Toàn Mỹ 14.

 

Nguồn Theo Laodong
Link bài gốc

https://laodong.vn/kinh-te/vietinbank-lien-quan-gi-den-du-an-nha-may-nuoc-mat-song-duong-768228.ldo?fbclid=IwAR1INaXdNBkNmw7_KJPeL8FiBtdmgX5mXEdTuYaszvm_lVwdAqLzXlEyl-k