Nhiều năm tuyển sinh trái phép…

Trường Cao đẳng Công thương Hà Nội có địa điểm đào tạo tại trụ sở chính số 54A1 đường Vũ Trọng Phụng, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội. Trường được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Tại thời điểm thanh tra, Nhà trường chưa rà soát, đề nghị Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp quyết định kiện toàn Hội đồng quản trị của Trường Cao đẳng Công thương Hà Nội; Hội đồng quản trị Trường không xây dựng chương trình hoạt động định kỳ của Hội đồng quản trị theo quy định tại Thông tư số 46/2016/TT-BLĐTBXH.

Tuy nhiên, trong nhiều năm các ngành, nghề của Nhà trường tuyển sinh vượt quá quy mô tuyển sinh năm được cấp trong giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Cụ thể, năm 2017, nghề Tin học ứng dụng trình độ trung cấp đã tuyển sinh 655/90 học sinh, vượt quá 565 học sinh so với cho phép (tỷ lệ vượt đến 627,7%), nghề Sửa chữa điện lạnh và điện gia dụng đào tạo trình độ sơ cấp trường được tuyển 90 học sinh, nhưng tuyển lên tới 183 học sinh chỉ tiêu được cấp phép.

Theo kết luận, trong năm 2018, Trường Cao đẳng Công thương Hà Nội đã tuyển sinh vượt mức nghề Kế toán doanh nghệp, Quản lý doanh nghiệp và Tin học ứng dụng. Theo đó, ngành Tin học ứng dụng đào tạo trình độ trung cấp đã tuyển sinh 588/90 học sinh, vượt quá 498 học sinh (tỷ lệ vượt 553,3%); ngành Kế toán doanh nghiệp đào tạo trình độ trung cấp tuyển sinh 279/90 học sinh, vượt quá 189 học sinh (vượt 210%). Từ 01/01/2019 đến 30/10/2019, trình độ trung cấp ngành Tin học ứng dụng được giao chỉ tiêu 90 học sinh, nhưng thực tế Nhà trường tuyển lên đến 441 học sinh, vượt 351 học sinh. Đối với tuyển sinh ngành Dược đào tạo trung cấp chỉ tiêu tuyển sinh của trường là 55 học sinh, nhưng tuyển sinh đến 70 học sinh, vượt 45,5%. Ngành Điều dưỡng trình độ trung cấp trường tuyển tới 149 học sinh, trong khi chỉ tiêu được giao chỉ là 55 học sinh, vượt 170,9%. Ngoài ra, các ngành Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử đào tạo trung cấp vượt 142%, ngành Quản lý doanh nghiệp trình độ trung cấp vượt 132%, ngành Sửa chữa điện lạnh và điện gia dụng trình độ sơ cấp vượt 68,9%.

Điều đáng nói, từ ngày 01/01/2019 đến ngày 31/10/2019, Nhà trường báo cáo tuyển sinh 219 học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở học 2 ngành, nghề (Dược với 70 học sinh và ngành Điều dưỡng 149 học sinh) đào tạo trình độ trung cấp thuộc khối ngành sức khỏe là trái quy định theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Bên cạnh đó, Kết luận đã chỉ ra việc Trường Cao đẳng Công thương Hà Nội thông báo tuyển sinh học sinh khối 10, học song song 02 chương trình “giáo dục trung học phổ thông và giáo dục nghề nghiệp” trong 04 năm. Sau khi tốt nghiệp học sinh được cấp 2 văn bằng (trung học phổ thông, cao đẳng chính quy) là không đúng đối tượng tuyển sinh học trình độ cao đẳng theo quy định. Đồng thời yêu cầu Nhà trường nghiêm túc chấn chỉnh trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân có liên quan đến việc xây dựng, ban hành thông báo tuyển sinh trình độ cao đẳng không đúng quy định để có hình thức xử lý phù hợp với các quy định của pháp luật. Bên cạnh đó yêu cầu gỡ bỏ thông báo tuyển sinh đào tạo trình độ cao đẳng có thời gian đào tạo 04 năm hệ 2 văn bằng trên các phương tiện thông tin của Nhà trường.

Từ tháng 01/2017 đến tháng 10/2019, Trường Cao đẳng Công thương Hà Nội tuyển sinh 3.071 học sinh tốt nghiệp trung học cơ sơ học tiếp các ngành, nghề đào tạo trình độ trung cấp theo trương trình đào tạo trình độ trung cấp do Hiệu trưởng Nhà trường ban hành, trong đó ghi thời gian đào tạo 03 năm đối với đối tượng học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở là không đúng thười gian đào tạo trình độ trung cấp theo quy định tại Khoản 2 Điều 33 Luật Giáo dục nghề nghiệp, Quyết định số 1982/QĐ-Ttg và Thông tư số 03/2017/TT-BLĐTBXH đào tạo 04 năm hệ 2 văn bằng trên các phương tiện thông tin của Nhà trường.

Cơ sở dạy nghề nhưng không đạt chuẩn về...cơ sở vật chất


Trường Cao đẳng Công thương Hà Nội không có nhà giáo nào được cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; có 01/121 nhà giáo không đạt chuẩn về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; 17/121 nhà giáo không có hồ sơ minh chứng về nghiệp vụ sư phạm hoặc có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm; 04/121 nhà giáo không đạt chuẩn về trình độ ngoại ngữ và 03/121 nhà giáo không đạt chuẩn theo quy định.

Bên cạnh đó, việc xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm, tin học, ngoại ngữ, kỹ năng nghề cho đội ngũ nhà giáo của Nhà trường không được thực hiện. Đồng thời, Nhà trường cũng không có hồ sơ minh chứng việc xây dựng kế hoạch, tổ chức cho đội ngũ nhà giáo của Trường đi thực tập tại doanh nghiệp hoặc cơ quan chuyên môn theo quy định.

Tại thời điểm thanh tra, Nhà trường không cung cấp được hồ sơ chứng minh về việc chủ trì, phối hợp với cơ sở thực hành xây dựng, thống nhất và ban hành chương trình đào tạo thực hành đối với các ngành, nghề đào tạo thuộc khối ngành sức khỏe theo quy định. Đáng nói hơn, Nhà trường đã không chủ trì, phối hợp với cơ sở đào tạo thực hành của Trường để xây dựng kế hoạch đào tạo thực hành chi tiết hàng năm của 02 ngành, nghề Dược và Điều dưỡng đào tạo theo trình độ trung cấp theo quy định.

Cùng với đó, Nhà trường không ký hợp đồng với bất kỳ cơ sở đào tạo thực hành nào để thực hiện ít nhất 50% thời lượng của chương trình đào tạo thực hành ngành, nghề Điều dưỡng trình độ cao đẳng của Trường theo quy định. Điều đáng nói, tại thời điểm thanh tra, Bệnh viện Tâm thần Trung ương đã ký hợp đồng nguyên tắc về đào tạo thực hành với Nhà trường, nhưng chưa thực hiện thủ tục công bố cơ sở khám, chữa bệnh đáp ứng yêu cầu là cơ sở thực hành trong đào tạo khối ngành sức khỏe theo quy định.

Ngoài ra, kết luận thanh tra còn chỉ ra hàng loạt các vấn đề tồn tại khác gồm cơ sở vật chất và thiết bị, dụng cụ đào tạo; kiểm tra, thi, xét, công nhận tốt nghiệp; quản lý cấp phát văn băng, chứng chỉ tốt nghiệp; xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo…

Theo kết luận thanh tra, giai đoạn từ 2017-2019 đã chỉ rõ nhiều sai phạm của tập thể, cá nhân lãnh đạo Trường Cao đẳng Công thương Hà Nội trong công tác tổ chức, tuyển sinh, đào tạo, cấp phát văn bằng, chứng chỉ tốt nghiệp… Đặc biệt, yêu cầu nhà trường lập hồ sơ đăng ký bổ sung hoạt động giáo dục nghề nghiệp đối với 1.990 học sinh của 5 ngành trình độ đào tạo (tin học ứng dụng 1.414 học sinh, kế toán doanh nghiệp 189 học sinh, quản lý doanh nghiệp 268 học sinh, điều dưỡng 94 học sinh, dược 25 học sinh và 93 học sinh sửa chữa điện-điện dân dụng). Nhà trường tuyển vượt quá 10% trở lên so với quy mô….

Kiemsat Online tiếp tục phản ánh những vi phạm trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp của Trường Cao đẳng Công thương Hà Nội trong các bài sau.

Trước đó, liên quan đến tuyển sinh, đào tạo không đúng quy định pháp luật và quy định của Bộ Giáo dục và Đạo tạo, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án và khởi tố nhiều cán bộ của Trường Đại học Đông Đô, khi chưa được Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp phép đào tạo văn bằng 2 chính quy. Tuy nhiên, trong thời gian dài, trường này vẫn tổ chức tuyển sinh, đào tạo, cấp bằng cử nhân ngôn ngữ Anh hệ chính quy, văn bằng 2 cho nhiều người. Trường Đại học Đông Đô còn liên kết với các cơ sở để tuyển sinh, đào tạo hệ văn bằng 2 tiếng Anh không đúng quy định pháp luật và quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Các quyết định khởi tố bị can đã được VKSND tối cao phê chuẩn, hiện vụ án đang được Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) tiếp tục điều tra, làm rõ theo quy định của pháp luật.

 

Theo Kiemsat.vn
Nguồn
Link bài gốc

https://kiemsat.vn/truong-cao-dang-cong-thuong-ha-noi-lo-dien-nhieu-vi-pham-trong-linh-vuc-giao-duc-nghe-nghiep-58026.html?fbclid=IwAR2WsKcL4bJcmPH-U7w0ro9tiHUHYRiQX8ID2vJ_wtsz6fGVbTVK-nHFtf4