Công ty cổ phần Chè Kim Anh là chủ sở hữu quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu “Kim Anh”, theo giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 40523 được Cục Sở hữu trí tuệ cấp ngày 01/04/2002. Theo giấy chứng nhận nêu trên, Công ty cổ phần Chè Kim Anh được bảo hộ đối với các nhóm sản phẩm/dịch vụ: Chè, cà phê; Nước giải khát và Kinh doanh nước giải khát; bán buôn; bán lẻ chè các loại.
Theo quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ chè Kim Anh có toàn quyền: Sử dụng, cho phép người khác sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp; Ngăn cấm người khác sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp; Định đoạt đối tượng sở hữu công nghiệp.
Ông Phan Thanh Hồng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chè Kim Anh cho hay: Tổng công ty Chè Việt Nam - Công ty cổ phần và Công ty cổ phần Vinatea Kim Anh đã có hành vi xâm phạm đến quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu “Kim Anh” của Công ty chè Kim Anh.
Cụ thể, Công ty cổ phần Vinatea Kim Anh, Công ty con của Tổng công ty Chè Việt Nam đã có hành vi sử dụng dấu hiệu “Kim Anh” trong nhãn hiệu của Công ty chè Kim Anh để đặt tên riêng của doanh nghiệp.
|
|
Kết luận giám định sở hữu công nghiệp do Viện Khoa học sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ cấp. |
Trong công văn số 02.22/CKM-CV về việc yêu cầu chấm dứt hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp nhãn hiệu "Kim Anh" của Công ty Cổ phần Chè Kim Anh gửi cho Tổng công ty Chè Việt Nam, Công ty cổ phần Vinatea Kim Anh, ông Phan Thanh Hồng có viết, Công ty cổ phần Vinatea Kim Anh và Tổng công ty Chè Việt Nam - Công ty cổ phần đã sử dụng dấu hiệu “Kim Anh” trong nhãn hiệu của Công ty chè Kim Anh để phục vụ cho hoạt động thương mại, xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ.
Bên cạnh đó, nhà máy sản xuất chè Công ty cổ phần Vinatea Kim Anh cũng được đặt ngay cạnh nhà máy sản xuất của Chè Kim Anh với bảng biển tên tương tự, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, gây ra sự nhầm lẫn cho người tiêu dùng và thiệt hại về doanh thu, uy tín của Chè Kim Anh.
|
|
Nhà máy sản xuất chè Công ty cổ phần Vinatea Kim Anh cũng được đặt ngay cạnh nhà máy sản xuất của Chè Kim Anh. |
Theo Điều 19 Nghị định 01/2021/NĐ-CP ngày 04/01/2021 của Chính phủ hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp quy định: “Không được sử dụng tên thương mại, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý của tổ chức, cá nhân đã được bảo hộ để cấu thành tên riêng của doanh nghiệp, trừ trường hợp được sự chấp thuận của chủ sở hữu tên thương mại, nhãn hiệu đó. Trước khi đăng ký đặt tên doanh nghiệp, người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp tham khảo các nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đã đăng ký và được lưu giữ tại Cơ sở dữ liệu về nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý của cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp”.
Căn cứ khoản 1, Điều 129, Luật Sở hữu trí tuệ quy định hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu: “Các hành vi sau đây được thực hiện mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu thì bị coi là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu: Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ trùng với hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó”.
Khoản 1, Điều 11 Nghị định 105/2006/NĐ-CP quy định yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu: Yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu là dấu hiệu gắn trên hàng hoá, bao bì hàng hoá, phương tiện dịch vụ, giấy tờ giao dịch, biển hiệu, phương tiện quảng cáo và các phương tiện kinh doanh khác, trùng hoặc tương tự tới mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu được bảo hộ.
Đại diện Công ty chè Kim Anh cho biết, việc Tổng công ty chè Việt Nam và Công ty cổ phần Vinatea Kim Anh tự ý sử dụng dấu hiệu “Kim Anh” mà không được sự chấp thuận của Chè Kim Anh xâm phạm nghiêm trọng đến quyền lợi của Chè Kim Anh (có kết luận của Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ kèm theo).
Căn cứ Điều 2 và Điều 11, Nghị định số 99/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp, hành vi của Tổng công ty Chè Việt Nam và Công ty cổ phần Vinatea Kim Anh có thể bị xử phạt: Phạt tiền đến 500 triệu đồng; cá nhân, tổ chức vi phạm bị đình chỉ hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa đến 3 tháng; Buộc thay đổi tên doanh nghiệp, loại bỏ yếu tố vi phạm trong tên doanh nghiệp; Buộc loại bỏ yếu tố xâm phạm ra khỏi hàng hoá, bao bì hàng hoá, phương tiện dịch vụ, giấy tờ giao dịch, biển hiệu, phương tiện quảng cáo và các phương tiện kinh doanh khác.
Căn cứ Điều 198.1 Luật Sở hữu trí tuệ, Công ty chè Kim Anh có quyền áp dụng các biện pháp sau đây để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình: a) Yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại; b) Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan; c) Khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình”.
Từ các nội dung trình bày trên, Công ty chè Kim Anh yêu cầu Tổng công ty Chè Việt Nam và Công ty cổ phần Vinatea Kim Anh chấm dứt ngay mọi hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu của Chè Kim Anh bao gồm nhưng không giới hạn bởi các hành vi sử dụng dấu hiệu “Kim Anh” dưới bất kỳ hình thức nào, đồng thời loại bỏ tất cả thành phần chữ “Kim Anh” ra khỏi các trang thông tin điện tử, các phương tiện dịch vụ, giấy tờ giao dịch, nhãn hàng hóa, phương tiện quảng cáo và các phương tiện kinh doanh khác; Đổi tên doanh nghiệp loại bỏ dấu hiệu “Kim Anh”, thu hồi tất cả các sản phẩm có gắn dấu hiệu “Kim Anh”.