Thấy gì qua kết quả kiểm toán tại Tập đoàn Cao su Việt Nam?
Cập nhật lúc 12:24, Thứ sáu, 11/09/2020 (GMT+7)
Chưa xử lý cổ tức trước khi cổ phần hóa, quản lý nợ không chặt chẽ, chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước về tiền thuê đất, thuế sử dụng đất và nhiều công ty thành viên thuộc Tập đoàn Cao su Việt Nam kinh doanh thua lỗ.
Theo kết quả kiểm toán Nhà nước năm 2019 thực hiện kiểm toán giai đoạn 2016-2018 tại Tập đoàn Cao su Việt Nam, Kiểm toán nhà nước đã chỉ ra nhiều vấn đề tại Tập đoàn Cao Su Việt Nam, cụ thể: Việc xử lý số cổ tức, lời nhuận tại các doanh nghiệp có vốn góp phát sinh từ thời điểm chính thức chuyển sang công ty cổ phần nhưng Công ty mẹ - Tập đoàn chưa được chia gồm: (i) Giá trị cổ tức, lợi nhuận phát sinh từ kết quả sản suất kinh doanh 2016,2017 của tổ chức góp vốn những “Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng thành viên tại tổ chức nhận góp vốn sau thời điểm công ty mẹ - Tập đoàn chính thức chuyển thành công ty cổ phần (1/6/2018) là 498.482 triệu đồng.
Giá trị cổ tức, lợi nhuận phát sinh từ kết quả sản xuất kinh doanh 2016, 2017 của Tổ chức nhận góp vốn nhưng đến 31/12/2018 chưa được chia, nếu tính theo tỷ lệ góp vốn là 247.437 triệu đồng (nhóm công ty con là 208.641 triệu đồng, nhóm công ty liên kết 38.831 triệu đồng).
Việc xử lý số cổ phiếu của công ty cổ phần Cao su Phước Hòa và Công ty Cp Cao su Hòa Bình công ty mẹ - Tập đoàn được nhận thêm, không phải trả tiền từ thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp đến thời điểm chính thức chuyển sang công ty cổ phần.
Việc xử lý khoản dự thu lãi cho vay từ thời điểm sát nhập Công ty TNHH MTV Cao su Việt Nam đến thời điểm Công ty mẹ - Tập đoàn chính thức chuyển sang công ty cổ phần, chưa được xử lý khi xác định giá trị thực tế phần vốn nhà nước là 387.897.312.461 đồng.
Quản lý nợ chưa chặt chẽ, còn để phát sinh nợ phải thu quá hạn là 1.638 tỷ đồng, trích lập dự phòng nợ thu khó đòi là 5,1 tỷ đồng ( chưa trích là Công ty TNHH MTV cao su Chư Prông).
Công ty mẹ - VRG bảo lãnh cho các công ty vay vốn tại các tổ chức tín dụng, phải trả nợ thay chưa thu hồi 200,68 tỷ đồng. ( Công ty CP Gỗ MDF VRG Kiên Giang phải trả nợ thay, chưa thu hồi 100,87 tỷ đồng, Công ty CP cao su Phú Riềng- 92,28 tỷ đồng, Công ty CP chứng khoán cao su 7,33 tỷ đồng).
Chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với ngân sách nhà nước, tiền thuê đất và thuế sử dụng đất là 4 tỷ đồng. Giao khoán đất cho hộ gia đình và cá nhân chưa đúng quy định (Cty cao su Phước Hòa là 61,47 ha, Công ty CP cao su Tân Biên 13,43 ha; giao vượt hạn mức: Cty cao su Phước Hòa 1 trường hợp, Tân Biên 4 trường hợp).
Người đại diện phần vốn Nhà nước của Tập đoàn tại các công ty có vốn góp của Công ty mẹ - Tập đoàn chậm báo cáo, xin ý kiến Tập đoàn việc tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên để chia cổ tức đối với lợi nhuận từ năm 2017 trở về trước theo thời gian quy định tại Luật Doanh nghiệp năm 2014, trước Công ty mẹ - Tập đoàn chính thức chuyển thành công ty cổ phần, để đảm bảo lợi ích Nhà nước.
Người đại diện vốn của tập đoàn tại Công ty CP thép tấm miền Nam và các doanh nghiệp có vốn góp chưa có biện pháp quản lý kịp thời để tránh thua lỗ, thất thoát vốn đầu tư tại các công ty con, công ty liên doanh, liên kết có kết quả kinh doanh lỗ (gồm 06 công ty con do Công ty mẹ - Tập đoàn nắm giữ 100% vốn điều lệ; 10 công ty cổ phần do Công ty mẹ - Tập đoàn nắm giữ trên 50% vốn điều lệ; 11 công ty liên doanh, liên kết). VRG có 11 công ty liên tiếp lỗ lũy kế 1.050 tỷ đồng, đầu tư dài hạn tại khác tại 3 công ty có lỗ lũy kế 134 tỷ đồng.
Công ty TNHH MTV Tổng công ty Cao su Đồng Nai và Công ty TNHH MTV Cao su Chư Pa’h chuyển tiền góp vốn đầu tư vào doanh nghiệp khác tại Lào, Campuchia khi chưa được cấp giấy chứng nhận đầu tư.
Công ty TNHH MTV Cao su Eah’leo đầu tư vốn vào Công ty TNHH Kausu Eah’leo BM để thực hiện dự án phát triển cây cao su tại Campuchia, phát sinh khoản phải thu từ tháng 9/2015 do khoản chi phí lãi vay và chi phí tô nhượng đất (số tiền 50.767 triệu đồng) không đủ điều kiện ghi nhận là chi phí đầu tư của dự án.
Để có thông tin đa chiều PV, đã liên hệ rất nhiều lần với Tập đoàn cao su Việt Nam nhưng vẫn không nhận được câu trả lời chính thức nào.
Thương hiệu và Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin!
Theo thuonghieuvaphapluat.vn
Nguồn Link bài gốchttps://thuonghieuvaphapluat.vn/thay-gi-qua-ket-qua-kiem-toan-tai-tap-doan-cao-su-viet-nam-d35351.html?fbclid=IwAR1CtRRDplyT5RJgwRrmZZSiCxpGxWO0cwDx1rnfNzb1OVMBUdYqcorp4KE