|
|
Vợ chồng ông Nghiêm - bà Nhiệm trao đổi với PV |
Bản án của TAND huyện Giao Thủy bị "vô hiệu hóa"
Theo đơn khiếu nại của vợ chồng ông Tống Vinh Nghiêm (SN 1956) và bà Nguyễn Thị Nhiệm (SN 1959, ở xóm 5 xã Hồng Thuận, huyện Giao Thủy, Nam Định), hàng chục m2 đất của vợ chồng ông bà "bỗng dưng" nằm trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) của người khác không rõ lý do.
Cụ thể, trong đơn ông Nghiêm cho biết: Ngày 30/9/2005, TAND huyện Giao Thủy có bản án số 11/2005/DS-ST về việc tranh chấp di sản thừa kế. Tại bản án này, HĐXX đã tuyên: Giao cho ông Tống Văn Nghiêm sử dụng 78,30m2 đất có vị trí phía Nam giáp thổ đất cụ Lụa và bà Cúc dài 17,1m, phía Bắc giáp thổ ông Tiếp dài 17,5m, phía Đông giáp ao ông Điểm dài 4,52m, phía Tây giáp thổ ông Tiếp và ông Thực dài 4,52m.
Tiếp đó, ngày 8/12/2005, Thi hành án dân sự huyện Giao Thủy có Quyết định thi hành án số 06/QĐ-TCTHA; ngày 4/5/2006 đoàn thi hành án huyện Giao Thủy có biên bản giao nhận mốc giới và quyền sử dụng đất cho ông Nghiêm tại khu đất của bố ông Nghiêm để lại thừa kế. Diện tích đất được thừa kế là 78,3m2 nhưng vì tình nghĩa ruột thịt, ông Nghiêm có đơn chỉ xin nhận 48m2 (không tính ngõ đi riêng và ngõ đi chung).
Sau khi đã hoàn tất các thủ tục hồ sơ, ông Nghiêm có gửi hồ sơ cho ông Phạm Văn Rựng (cán bộ địa chính xã Hồng Thuận thời điểm đó) để làm sổ đỏ và đi làm kinh tế xa nhà. Thời điểm này, nhiều lần ông Nghiêm gọi điện về hỏi ông Rựng và được trả lời là chưa làm được sổ đỏ.
Thời gian gần đây, ông Nghiêm tiếp tục đề xuất các cơ quan có thẩm quyền làm sổ đỏ đối với diện tích đất trên. Tuy nhiên, trong quá trình đi làm hồ sơ, ông Nghiêm phát hiện trong sơ đồ địa chính của xã Hồng Thuận không có sơ đồ mảnh đất của mình đã được Tòa án và Thi hành án huyện Giao Thủy giao quyền sử dụng đất.
Tìm hiểu thêm, ông Nghiêm "ngã ngửa" khi phát hiện diện tích đất của mình đã nằm trong sổ đó số AM 245710 do UBND huyện Giao Thủy cấp ngày 04/9/2007 cho ông Tổng Văn Tiếp - sinh năm 1971, thường trú tại xóm 14, xã Hồng Thuận.
"Nhiều năm đi làm ăn xa nhà, đến khi trở về thấy diện tích đất của mình bỗng dưng nằm trong sổ đỏ của người khác, tôi không biết phải làm thế nào nên đã làm đơn gửi lên UBND huyện Giao Thủy, Công an huyện Giao Thủy, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện mong đòi lại quyền sử dụng đất hợp pháp của mình. Tuy nhiên, đến nay đã nhiều tháng trôi qua, tôi vẫn chưa hề nhận được phản hồi của các cơ quan nói trên. Duy chỉ có phía công an huyện gọi lên lấy thông tin và cho biết sự việc không thuộc thẩm quyền xử lý của công an huyện Giao Thủy", ông Nghiêm chia sẻ.
Cực chẳng đã, ông Nghiêm lại tiếp tục làm đơn gửi lên UBND tỉnh Nam Định, Sở TN&MT và Công an tỉnh Nam Định. Mới đây nhất, chiều ngày 4/8/2020, UBND tỉnh Nam Định đã có giấy báo gửi cho ông Nghiêm thông tin cho biết tỉnh Nam Định đã giao UBND huyện Giao Thủy xác minh, giải quyết vụ việc.
Chính quyền xã Hồng Thuận thừa nhận có sai sót
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Viết Sự - Chủ tịch UBND xã Hồng Thuận, cho biết: Đến thời điểm hiện tại, UBND xã Hồng Thuận chưa nhận được kiến nghị từ phía người dân về vụ việc này. Tuy nhiên, qua quá trình rà soát thì thấy diện tích đất ông Nghiêm đang có khiếu nại nói trên thuộc quyền sử dụng của ông Nghiêm. Việc năm 2007 chính quyền cấp quyền sử dụng mảnh đất trên cho hộ ông Tống Văn Tiếp là chưa phù hợp với bản án.
Lý giải về việc này, ông Sự cho biết: "Có thể do thời điểm năm 2006 - 2007 rơi vào đợt cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đại trà. Tất nhiên là cấp đại trà hay cấp theo các hình thức khác thì cũng phải tuân thủ theo quy định của pháp luật. Có thể thời điểm đó có những sai sót xảy ra"…
|
|
Mảnh đất của vợ chồng ông Nghiêm - bà Nhiệm nay đã nằm trong vườn và sổ đỏ của người khác |
Tại buổi làm việc, ông Sự cũng mời ông Phạm Văn Rựng - cán bộ địa chính xã - thời điểm cấp sổ đỏ cho mảnh đất của ông Nghiêm vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhà ông Tống Văn Tiếp đến để trao đổi làm rõ.
Ông Rựng cho biết, thời điểm năm 2005, Sở Địa chính đầu tư kinh phí và hỗ trợ địa phương đo đạc lại đất đai để làm giấy chứng nhận cho nhân dân trong toàn xã. Lúc này, địa phương có thông báo cho người dân tiến hành đo đạc tự nhận, sau đó khi đo đạc xong sẽ tiến hành kiểm tra đối chiếu diện tích giữa cũ và mới và xét cấp giấy chứng nhận.
"Trong quá trình đo đạc, tôi có kiểm tra lại trong bản đồ đo đạc địa chính năm 2005 thì không có tên ông Tống Vinh Nghiêm. Không rõ lý do như thế nào hộ gia đình này lại không nhận, không có tên trong quá trình đo đạc" (?!), ông Rựng nói.
Ông Rựng thừa nhận việc thiếu tên ông Nghiêm trên bản đồ địa chính có thể là sai sót của ông và cơ quan chức năng thời điểm đó. Tuy nhiên, ông Rựng cho rằng tại sao ông Nghiêm lại không ý kiến từ sớm, để đến bây giờ đã nhiều năm trôi qua mới khiếu nại khiến sự việc rất khó xử lý.
Như vậy, có thể thấy việc ông Nghiêm khiếu nại về mảnh đất của mình bỗng dưng nằm trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của người khác là hoàn toàn có căn cứ. Đồng thời, chính quyền xã Hồng Thuận cũng thừa nhận có sai sót trong quá trình đo đạc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thời điểm đó.
Vậy trách nhiệm quản lý của những cán bộ địa phương nơi đây như thế nào khi biến một người dân từ có đất thành không, trái với bản án đã có hiệu lực của TAND huyện Giao Thủy?