Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm, ra đời với hy vọng thắt chặt hơn nữa công tác quản lý thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm chức năng, trước thực trạng các sản phẩm này được quảng cáo sai công dụng, biến tướng, dẫn đến hiểu lầm cho người tiêu dùng.

Thế nhưng, sau hơn 02 năm ban hành và có hiệu lực thực thi, những chế tài trong Nghị định số 15/2018/NĐ-CP vẫn chưa cho thấy được sự hiệu quả như kỳ vọng, nhiều doanh nghiệp vẫn cố tình ghi nhãn thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm chức năng như thuốc chữa bệnh, gây hiểu nhầm,... Chưa kể đến tình trạng quảng cáo sai công dụng, nhập nhằng ranh giới với thuốc, vi phạm pháp luật về quảng cáo… đang trở nên ngày càng phổ biến.

leftcenterrightdel
Website chính thức của Cục An toàn thực phẩm liên tục đưa ra các thông báo, cảnh báo doanh nghiệp, sản phẩm vi phạm nhưng vẫn như "gắp cóc bỏ đĩa". 

Thời gian vừa qua, trên website www.vfa.gov.vn  của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) liên tục thông tin cảnh báo về hàng loạt các quảng cáo về thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm chức năng vi phạm trong quảng cáo, quảng cáo không đúng công dụng dẫn đến hiểu nhầm với thuốc cho người sử dụng.

Ngoài ra, trên thực tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp còn biến mặt hàng này thành đa cấp bất chính, khiến ngành thực phẩm chức năng bị biến tướng, hay lợi dụng kẽ hở, nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng đã đưa ra thị trường những sản phẩm kém chất lượng, công dụng không đúng với quảng cáo,...

Vậy, nguyên nhân thực sự của hiện trạng trên là như thế nào? Bản thân người tiêu dùng cần trang bị những gì, trước “ma trận” thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm chức năng hiện nay?

Thông tin với báo chí, PGS.TS Trần Đáng - Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam từng khuyến cáo, khi sử dụng thực phẩm chức năng, người tiêu dùng cần tỉnh táo, nếu thấy sản phẩm được quảng cáo là chữa được bệnh như ung thư, gout... thì biết ngay đó là hàng giả, vì hiện nay chưa có thuốc gì chữa được ung thư, mà tất cả chỉ là hỗ trợ điều trị bệnh.

Cũng theo PGS. TS Trần Đáng, việc quản lý thực phẩm chức năng cần được quan tâm với phương thức và chính sách vừa tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, vừa kiểm soát chặt chẽ chất lượng, an toàn thực phẩm đồng thời hài hòa với các quy định quốc tế.

leftcenterrightdel
 Hiện trạng sản phẩm ngang nhiên quảng cáo công dụng thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm chức năng có công điều trị như thuốc đến bao giờ sẽ được xử lý dứt điểm?

Với những chế tài như hiện nay, việc quản lý hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm chức năng liệu đã đủ sức nặng?

Theo PGS. TS Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, hiện nay, các tổ chức, cá nhân chỉ cần thuê một chỗ ngồi ở một tòa nhà là có thể đăng ký kinh doanh, từ đăng ký kinh doanh này, họ đăng ký sản phẩm và thuê gia công sản xuất ở một nhà máy thực hành sản xuất tốt (GMP) là Bộ Y tế phải tiếp nhận đăng ký, đến khi hậu kiểm tại địa chỉ họ đăng ký thì ở đó chỉ có một bộ bàn ghế, không có nhân viên...

Cũng theo PGS. TS Nguyễn Thanh Phong, Cục sẽ tiếp tục tăng cường thanh tra và chỉ đạo các đơn vị thuộc ngành y tế tại các địa phương xử lý nghiêm các vi phạm, bổ sung hình thức xử phạt bằng thu hồi giấy phép đối với các cơ sở vi phạm, đồng thời nghiên cứu sửa Nghị định 15/2018/NĐ-CP theo hướng các công ty kinh doanh TPCN phải có kho hàng, địa chỉ... phải được cấp chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Được biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về xử lý vi phạm quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, Bộ Y tế - Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo liên ngành TW về an toàn thực phẩm vừa có văn bản số 3220/BYT-ATTP gửi Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Công Thương; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Công an đề nghị triển khai thực hiện việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe thuộc lĩnh vực quản lý của các bộ... theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Đặc biệt, tại nội dung văn bản này, Bộ Y tế đề nghị nhận được sự phối hợp của Bộ Công an chỉ đạo xử lý các vụ việc vi phạm về quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe có dấu hiệu hình sự, quảng cáo gian dối, xâm phạm lợi ích người tiêu dùng theo Điều 197 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Theo Gia Nguyễn/Diễn đàn Doanh nghiệp
Nguồn
Link bài gốc

https://enternews.vn/quan-ly-thuc-pham-chuc-nang-che-tai-chua-du-manh-178184.html