Ngày càng tinh vi
Thời gian vừa qua, việc hàng loạt sinh viên “mất tích” do chạy theo đa cấp lừa đảo đã gây xôn xao dư luận. Cụ thể, một công ty có tên “Khởi nghiệp 360” với vỏ bọc là công ty khởi nghiệp nhằm thu hút giới trẻ, nhưng hoạt động chính là bán hàng đa cấp. Hội viên khi gia nhập bị dẫn dụ mua các gói “doanh nhân”, từ hàng chục triệu đến hàng trăm triệu đồng. Nhiều hội viên được hướng dẫn làm hồ sơ du học giả, để lấy tiền từ gia đình nâng cấp gói “doanh nhân”. Với chiêu trò tinh vi, nhiều sinh viên đã bị công ty này lừa đảo với số tiền lên tới hàng trăm triệu đồng mỗi người.
Không chỉ dừng lại ở đó, hoạt động lừa đảo thông qua bán hàng đa cấp đang ngày càng phức tạp hơn khi các đối tượng bắt đầu ứng dụng công nghệ số. Mới đây nhất, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho biết đã nhận được thông tin phản ánh về việc một số cá nhân thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo, hội nghị, đào tạo trực tiếp hoặc qua các ứng dụng điện thoại (Zoom Meeting) có tên Dự án Nền tảng thương mại điện tử - Mạng xã hội hay Nhà cung cấp nền tảng kinh doanh “chìa khóa trao tay” để giới thiệu về các sản phẩm và mời gọi người tham gia. Các gói kinh doanh được hưởng giá trị hoa hồng rất cao theo phương thức đa cấp của tổ chức có tên Jeunesse hay Jeunesse Global.
|
|
Kinh doanh đa cấp trái phép đang ngày càng tinh vi hơn trên nền tảng công nghệ số |
Từ các sự việc trên, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã có cảnh báo nguy cơ kinh doanh đa cấp núp bóng mô hình kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử thông qua các dự án đầu tư. Đây là những mô hình, dự án kinh doanh được lan truyền rất nhanh trên các trang thông tin điện tử, YouTube và các mạng xã hội như Facebook, Zalo, Viber…
Theo LS.Võ Đan Mạch, Tổng Thư ký Hiệp hội Bán hàng đa cấp Việt Nam, trong những năm qua, khi Nghị định 40/2018/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp có hiệu lực, các công ty đa cấp được nhà nước công nhận đã có sự tuân thủ, minh bạch trong quá trình kinh doanh và có những bước phát triển tốt.
Minh chứng là từ số lượng 30 DN hoạt động hồi đầu năm 2019, đến nay số lượng DN hoạt động chính thức chỉ còn 21. Tuy nhiên, doanh thu của ngành bán hàng đa cấp được ghi nhận vẫn tăng 1.793 tỷ đồng, tăng hơn 16% so với 2018, tổng số thuế nộp ngân sách năm 2019 đạt 1.661 tỷ đồng tăng 21,7% so với năm 2018.
Thế nhưng, những công ty kinh doanh đa cấp không được công nhận lại chuyển dần hoạt động trên nền tảng số, nhằm gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc quản lý. Theo ông Võ Đan Mạch, do trên không gian ảo, các cơ quan quản lý sẽ khó kiểm soát được vì có trường hợp máy chủ đặt ở nước ngoài. “Đây là những thủ đoạn biến tướng, gây hệ lụy cho xã hội và tạo định kiến xấu về hoạt động kinh doanh đa cấp”, ông Mạch nhấn mạnh.
Trong hình thức này, việc lôi kéo người tham gia, các hoạt động, hội nghị, tập huấn đào tạo được tổ chức trực tuyến trên nền tảng di động. Các đối tượng vi phạm thường nhắm vào những người thiếu hiểu biết về công nghệ, nhất là những người trẻ muốn khởi nghiệp và làm giàu nhanh chóng. Từ đó, gây khó khăn cho cơ quan quản lý trong việc phát hiện và xử lý các vụ việc liên quan đến lừa đảo bán hàng đa cấp.
Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Phương Sơn, Giám đốc đối ngoại Công ty TNHH Amway Việt Nam, khó khăn còn đến từ chính người dân với nhiều lý do, đến khi có thiệt hại mới tìm đến cơ quan chức năng để trình báo.
Cần siết chặt quản lý
Theo ông Nguyễn Đăng Ninh, Phó ban đối ngoại cao cấp, Công ty TNHH New Image Việt Nam, sự phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ của công nghệ sẽ giúp DN dễ dàng tiếp cận với khách hàng hơn, từ đó mang tới hiệu quả kinh doanh cao hơn nhưng cũng chính điều này sẽ khiến sự biến tướng của hoạt động kinh doanh đa cấp trái phép ngày càng tinh vi.
Tuy nhiên, có một số dấu hiệu có thể nhận biết việc kinh doanh đa cấp trái phép như bắt buộc người tham gia mua một sản phẩm hay đóng một khoản tiền đặt cọc nào đó, trong khi Nghị định 40/2018/NĐ-CP không quy định điều này, vì vậy người dân có thể dựa vào để phòng tránh. Bên cạnh đó, theo ông Ninh, thông tin của 21 DN kinh doanh đa cấp đã cấp phép luôn được công khai trên mạng, đó là kênh thông tin để người dân có thể xem chính xác nhất.
“Dù hiệp hội cũng như các DN kinh doanh chân chính luôn có những cảnh báo tới người tiêu dùng, về phía cơ quan quản lý cũng đang có những hành động cụ thể để siết chặt, thế nhưng bản thân người tiêu dùng cũng cần kiểm tra các thông tin mình nhận được, thông báo ngay cho các cơ quan chức năng để được hỗ trợ kịp thời”, ông Ninh nhấn mạnh.
Cũng đồng quan điểm, ông Nguyễn Phương Sơn cho rằng, hiện nay hành lang pháp lý dành cho hoạt động kinh doanh bán hàng đa cấp tại Việt Nam đã có đủ, chế tài xử phạt đã đủ sức răn đe, quan trọng là sự kết hợp của các bên liên quan để có thể thực hiện tốt các quy định này.
Theo ông Sơn, có thể tận dụng sức mạnh của công nghệ 4.0, sự lan tỏa của mạng xã hội để tuyên truyền giúp người dân nhận biết được dấu hiệu của đa cấp trái phép, từ đó kịp thời ngăn chặn và xử lý các hành vi lừa đảo. Tạo ra một môi trường kinh doanh minh bạch cho các DN làm ăn chân chính. Bên cạnh đó, các DN kinh doanh đa cấp đã được cấp phép hiện tại cũng cần hoạt động mạnh mẽ hơn, phát triển công nghệ số và nền tảng 4.0 để đến gần với người dùng hơn, đồng thời điều cốt lõi là đầu tư vào sản phẩm chất lượng để xóa bỏ định kiến về bán hàng đa cấp.
Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, DN có dấu hiệu kinh doanh theo phương thức đa cấp khi chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp có thể bị xử lý hành chính (tới 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức) hoặc xử lý hình sự với mức phạt tới 5 tỷ đồng hoặc 5 năm tù giam (Điều 217a Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi năm 2017). |