Liên quan tới phản ánh nhiều người không vay nhưng tự nhiên đã trở thành con nợ của Công ty tài chính Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (FE Credit), PGS.TS Định Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng các cơ quan chức năng có thẩm quyền cần vào cuộc điều tra, làm rõ.

leftcenterrightdel
 
Một khách hàng nhận được giấy đòi nợ đính kèm photo chứng minh nhân dân của mình, nhưng chân dung và số điện thoại vay tiền lại là của người khác. Ảnh: VnE
Nhìn vào những điểm chung của các vụ việc, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho biết, "con nợ" chỉ biết mình mắc nợ khi đi làm thủ tục gia hạn thẻ tín dụng tại ngân hàng. Thủ đoạn của các đối tượng là làm giả giấy tờ, tên tuổi, CMND của "con nợ" để vay ngân hàng. Điều này cho thấy kẽ hở trong quá trình xem xét, thẩm định, phê duyệt cho vay của các tổ chức tín dụng, các ngân hàng.

"Sai sót và trách nhiệm thuộc về các công ty cho vay tài chính, các ngân hàng giải ngân cho những khoản vay nói trên. Tình trạng này cũng cho thấy công tác xem xét, đánh giá, thẩm định hồ sơ cho vay của ngân hàng này đang có vấn đề", vị chuyên gia nói rõ.

Trong trường hợp này, ông Thịnh cho rằng, phía ngân hàng phải chịu toàn bộ chi phí và phải chịu trách nhiệm xóa toàn bộ thông tin về khoản nợ xấu không đúng thông tin như trên.

Về phía người "tự nhiên mắc nợ" hoàn toàn có quyền kiện ra tòa án để đòi lại quyền lợi và công bằng cho bản thân. Việc tự nhiên trở thành con nợ và có hồ sơ nợ xấu lưu trên tất cả hệ thống ngân hàng đã ảnh hưởng rất lớn tới uy tín, danh dự, thời gian của người đó.

Cũng theo vị chuyên gia, hình thức cho vay này khác với hình thức cho vay kiểu tín dụng đen qua app hay qua các tổ chức cho vay nặng lãi. Bởi, cho vay lãi suất cao qua app là hình thức không được pháp luật cho phép, bắt buộc phải xử lý theo quy định của pháp luật.

Trong khi đó, hình thức cho vay vẫn đang được phía ngân hàng thực hiện theo đúng thủ tục, trình tự, quy định của pháp luật, tuy nhiên, quy trình đó được thực hiện thiếu chặt chẽ, quá trình thẩm định lỏng lẻo, chưa bảo đảm an toàn khiến kẻ gian lợi dụng giấy tờ giả để vay nợ.

"Trong trường hợp này ngân hàng bị mất tiền và cũng là con nợ, nhưng phải nhấn mạnh đó là lỗi của ngân hàng và ngân hàng phải tự chịu trách nhiệm", ông Thịnh nói thêm.

Điểm khó của việc kiểm soát hình thức vay nợ này theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh là phải phụ thuộc vào việc kiểm tra tình trạng tín dụng cá nhân của người vay. Tức là, bản thân các cá nhân, doanh nghiệp phải là người tự kiểm tra tài khoản của mình tại ngân hàng lúc đó mới biết được mình có "tự nhiên mắc nợ" hay không, do đó, biện pháp kiểm soát, xử lý thường vẫn chạy theo sau.

Ông Thịnh cho rằng, những tác động, ảnh hưởng từ hình thức cho vay giả mạo nói trên đã ảnh hưởng lớn tới uy tín, danh dự, thời gian của người vay, đặc biệt là ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín của ngân hàng. Do đó, bản thân các ngân hàng không cách nào khác phải nâng cao năng lực nghiệp vụ, siết chặt các quy trình xét duyệt, thẩm định để tránh xảy ra những sai sót trong quá trình cho vay.

Về phía các cơ quan quản lý nhà nước, ngoài việc siết chặt các tiêu chuẩn, quy trình cấp phép cho các tổ chức tín dụng thì cũng thực hiện các biện pháp chấm điểm, đánh giá, xếp hạng các ngân hàng dựa trên đánh giá mức độ uy tín, qua đó đưa ra những cảnh báo cho người gửi và người vay.

Với cách làm như vậy, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, những ngân hàng năng lực yếu kém, dính phải những vụ việc bê bối như trên không những sẽ làm ảnh hướng tới uy tín của ngân hàng mà còn khiến khách hàng quay lưng, rời bỏ. Đến lúc đó, chưa cần đợi chế tài xử lý thì ngân hàng cũng khó có thể tồn tại được.


Thái Bình

Nguồn Đất việt
Link bài gốc

https://datviet.trithuccuocsong.vn/kinh-te/bao-ve-nguoi-tieu-dung/khong-vay-tu-dung-mac-no-xu-ly-the-nao-3428672/#slideshow