Hồ sơ Pandora là gì!

"Hồ sơ Pandora" là tên được đặt cho một cuộc điều tra báo chí dựa trên vụ rò rỉ tài liệu mật lớn từ 14 nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài chuyên thành lập các công ty ở các quốc gia như Panama, British Virgin Isles và Bahamas.

Dự án này có hơn 600 nhà báo tại hơn 140 tổ chức truyền thông ở 117 quốc gia trên thế giới cùng hợp tác điều tra. Họ đã dò tìm ra hơn 11 tài liệu của 14 công ty dịch vụ tài chính trên thế giới trong nhiều tháng liền. Vụ rò rỉ Hồ sơ Pandora bao gồm 6,4 triệu tài liệu, gần 3 triệu hình ảnh, hơn 1 triệu email và gần nửa triệu bảng tính.

330 chính trị gia và 130 tỷ phú cùng nhiều người nổi tiếng có mặt trong Hồ sơ gây chấn động Pandora. Ảnh: ICIJ.
330 chính trị gia và 130 tỷ phú cùng nhiều người nổi tiếng có mặt trong Hồ sơ gây chấn động Pandora. Ảnh: ICIJ.

Với 2,94 Terabyte (1 TB =1.000 GB) và 11,9 triệu hồ sơ, Hồ sơ Pandora là hồ sơ mới nhất và lớn nhất trong các vụ mà ICIJ đã điều tra như Vụ rò rỉ Offshore Leak năm 2012 với 260 GB và 2,5 triệu hồ sơ; Hồ sơ Panama năm 2016 với 2,6 TB và 11,5 triệu hồ sơ; Hồ sơ Paradise năm 2017 với 1,4 TB và 13,4 triệu hồ sơ.

Hồ sơ Pandora phơi bày điều gì?

Hồ sơ Pandora hé lộ gây "chấn động" về những khối tài sản được giấu kĩ, những giao dịch bí mật của nhiều người giàu có, quyền lực. Trong số đó bao gồm hơn 330 chính trị gia và người trong văn phòng công quyền (90 trong số đó là người châu Âu), 15 nguyên thủ quốc gia ở Mỹ Latinh (các nhân vật đương nhiệm và đã nghỉ hưu), 46 nhà tài phiệt Nga và 133 triệu phú từ danh sách người giàu của tạp chí Forbes.

Không những vậy, nhiều nhân vật lớn trên chính trường cũng bị "điểm mặt, gọi tên" như: một lãnh đạo không tuyên bố một công ty đầu tư ra nước ngoài từng mua hai biệt thự ở Pháp với giá 12 triệu bảng Anh; một lãnh đạo Chile bị cáo buộc giấu cổ phần tại một công ty khai thác mỏ; một nhà lãnh đạo Jordan chi 70 triệu bảng Anh vào các bất động sản ở Anh và Mỹ thông qua các công ty thuộc sở hữu bí mật...

Một cựu thủ tướng của Anh và phu nhân cũng có mặt trong Hồ sơ Pandora. Họ kiếm được khoảng 422.000 USD từ việc sử dụng công ty đại diện ở nước ngoài để mua một tòa nhà văn phòng trị giá 8,8 triệu USD ở Marylebone của London. Điều đáng nói, đây vốn là nơi thuộc sở hữu một phần của gia đình một bộ trưởng Bahrain.

Ngoài ra, trong Hồ sơ Pandora còn nêu tên những nhân vật tội phạm, trùm mafia khét tiếng và cả những ngôi sao của làng thời trang, giải trí trên thế giới như Claudia Schiffer, Julio Iglesias và Shakira...

Thiên đường thuế là gì? Sử dụng thiên đường thuế có phải là bất hợp pháp?

Trong Hồ sơ Pandora có nhắc đến thuật ngữ "offshore" hay còn được gọi là "thiên đường thuế". Đây là các quốc gia, vùng lãnh thổ dể dãng thành lập các công ty thương mại. Những khu vực pháp lý bí mật này gây khó khăn trong việc xác định chủ sở hữu của công ty, cũng như không có hoặc có mức thuế doanh nghiệp thấp.

Đến hẹn tại, các danh sách chính xác về thiên đường thuế vẫn chưa được thống kê chính xác. Song, quần đảo Cayman, quần đảo Virgin thuộc Anh hay các quốc gia như Singapore, Thụy Sĩ là những nơi được mệnh danh là thiên đường thuế nổi tiếng nhất.

Tài liệu Pandora tiết lộ thế giới tài chính ngầm dành cho hàng trăm người giàu có khắp thế giới có tài sản ở các thiên đường thuế/ Ảnh: The Guardian.
Tài liệu Pandora tiết lộ thế giới tài chính ngầm dành cho hàng trăm người giàu có khắp thế giới có tài sản ở các thiên đường thuế/ Ảnh: The Guardian.

Theo đó, nhiều người đã thành lập một công ty trên danh nghĩa ở tại thiên đường thuế với mức độ bảo mật cao. Những công ty này thường chỉ là vỏ bọc, không có bất cứ văn phòng hay nhân viên nào hoạt động. Người đứng đầu chỉ cần chi một khoản tiền, các công ty dịch vụ tài chính chuyên nghiệp ở các thiên đường thuế sẽ đứng ra thành lập và quản lý giúp. Thậm chí, các công ty này còn có thể cung cấp địa chỉ, tên giám đốc và mức lương được trả, do đó không thể biết được ai là người đứng sau các công ty vỏ bọc này.

Việc sở hữu một công ty tại thiên đường thuế được coi là hợp pháp, nếu các tài sản và thu nhập có được từ hoạt động của họ được kê khai cho các cơ quan có thẩm quyền nơi người thụ hưởng thường trú.

Tuy nhiên trên thực tế, các công ty này cố tình che giấu lợi nhuận, sử dụng mạng lưới phức tạp để bí mật chuyển tiền và tài sản, mở ra cánh cửa cho hối lộ, rửa tiền, trốn thuế hoặc tài trợ cho khủng bố.

Theo ước tính của ICIJ, có khoảng từ 5.600 tỷ USD đến 32.000 tỷ USD được ẩn giấu ở các thiên đường thuế. Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho biết việc sử dụng các thiên đường thuế khiến các chính phủ trên toàn thế giới phải trả tới 600 tỷ USD tiền thuế bị mất mỗi năm.

Sự khác nhau giữa hồ sơ Pandora và hồ sơ Panama

Cả hồ sơ Pandora và Hồ sơ Panama đều là các dự án do Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) dẫn đầu. Các tài liệu liên quan đến cả 2 vụ rò rỉ đều bắt nguồn từ các nhà cung cấp ở nước ngoài, song có thể phân biệt như sau:

  • Hồ sơ Panama dựa trên các tài liệu của một nhà cung cấp dịch vụ tài chính nước ngoài ở Panama, đã vạch trần cơ sở hạ tầng ẩn giấu của các thiên đường thuế ở nước ngoài với với 2,6 terabyte dữ liệu mật.
  • Hồ sơ Pandora dựa trên một kho thông tin lớn hơn bao gồm 11,9 triệu hồ sơ từ 14 nhà cung cấp nước ngoài, có dữ liệu của hơn 29.000 công ty, gần gấp đôi so với vụ rò rỉ trước đây. Ngoài ra, cuộc điều tra này còn tiết lộ nhiều nhân vật chính trị gây sốc hơn so với Hồ sơ Panama.

 

 

Hà Anh



Nguồn Travelmag
Link bài gốc

https://travelmag.vn/ho-so-pandora-la-gi-tai-san-bac-ty-nao-xuat-hien-trong-ho-so-pandora-d58308.html