leftcenterrightdel
Chỉ sau hơn 2 tháng được chấp thuận chủ trương đầu tư, dự án trang trại tổng hợp Kỳ Lạc (huyện Kỳ Anh) của Công ty CP Tập đoàn Hoành Sơn đã đấu nối 8 MWp điện mặt trời mái nhà vào lưới điện, dù chưa hề nuôi trồng gì. 

 

Thời gian qua, trên địa bàn Hà Tĩnh rộ lên phong trào đầu tư xây dựng hệ thống điện mặt trời. Lợi dụng chủ trương khuyến khích của nhà nước, nhiều doanh nghiệp đã xin chủ trương đầu tư dự án nông nghiệp để làm điện mặt trời.

Từ lợi nhuận "khủng" sau 1 năm hoạt động của nhà máy điện mặt trời tại xã Cẩm Hòa, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh), với công suất thiết kế 50 MWp, sản xuất 58,1 triệu kWh điện, doanh thu 138 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn đã xin nhiều dự án nông nghiệp để tiếp tục làm điện mặt trời.

Chỉ sau hơn 2 tháng được UBND tỉnh Hà Tĩnh chấp thuận chủ trương đầu tư, dự án trang trại tổng hợp Kỳ Lạc (tại xã Kỳ Lạc, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) của Công ty CP Tập đoàn Hoành Sơn (Tổ dân phố Thuận Minh, phường Đức Thuận, thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh) đã đấu nối 8 MWp điện mặt trời mái nhà vào lưới điện.

Dự án có diện tích đất sử dụng khoảng 8,52ha, tổng vốn đầu tư dự kiến 31.130 triệu đồng, thời gian hoạt động 50 năm. Quy mô xây dựng nhà làm việc điều hành 1.000m2, nhà trưng bày sản phẩm 1.000m2; nhà nghỉ ca công nhân viên 500m2; hệ thống nhà kho, nhà trực bảo vệ, nhà để xe, nhà vệ sinh và các hạng mục khác theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Theo dự án trên giấy, sau khi đi vào hoạt động, dự án trang trại tổng hợp Kỳ Lạc sẽ chăn nuôi gà thịt thả vườn 19.500 con/lứa/năm; trồng cây đinh lăng 30.000 đến 35.000 cây/năm; trồng nấm 25.000 đến 30.000 bịch/năm; trồng mộc nhĩ 25.000 đến 30.000 bịch/năm.

leftcenterrightdel
Mặc dù đã đấu nối điện nhưng một số mái nhà còn dang dở, nhóm thợ đang khẩn trương hoàn thiện 

Tuy nhiên trên thực tế, trang trại này chưa thực hiện việc chăn nuôi gà, trồng cây ăn quả, cây nông nghiệp, dược liệu như chấp thuận chủ trương đầu tư của UBND tỉnh quy định, mà ráo riết triển khai lắp đặt hệ thống điện mặt trời.

Hơn nữa, để tránh việc xin quy hoạch và phê duyệt của cơ quan hữu quan, Tập đoàn Hoành Sơn đã chia nhỏ cho 9 chủ đầu tư (mỗi chủ đầu tư gần 1 MWp), gồm: Công ty TNHH năng lượng sạch Hà Tĩnh; Công ty TNHH TMĐT năng lượng tự nhiên Hà Tĩnh; Công ty TNHH ánh sáng Năng Lượng Xanh; Công ty TNHH DVTM Năng Lượng Xanh; Công ty TNHH xây dựng năng lượng Tái Tạo; Công ty TNHH năng lượng Bảo Trung; Công ty TNHH DVTM Xây dựng Việt Nam; Công ty TNHH TMĐT Hà Tĩnh; Công ty TNHH DVTM Bắc Miền Trung.

Trao đổi với PV Infonet, ông Phan Hoàng Trường, Chủ tịch UBND xã Kỳ Lạc cho biết: “Dự án ban đầu là chăn nuôi bò sữa. Năm ngoái doanh nghiệp xin chuyển mục đích sử dụng sang trang trại tổng hợp để chăn nuôi gà, trồng nấm và cây dược liệu. Trước đây họ có trồng cây tràm, vừa rồi khai thác tràm để xây dựng điện mặt trời chứ chưa chăn nuôi gì cả”.

Tuy nhiên, ngày 25/12/2020, ông Phạm Hoành Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn làm tờ khai kinh tế trang trại.

Theo đó, diện tích đất sản xuất của trang trại là 82.761,9m2; giá trị sản xuất kê khai khoảng 5 tỷ đồng/năm; số lao động thường xuyên của trang trại là 20 người.
Hàng loạt dự án điện mặt trời lách luật, 'núp bóng' trang trại, lợi dụng ưu đãi ở Hà Tĩnh

leftcenterrightdel
Dự án trang trại tổng hợp Trung Lễ (Đức Thọ, Hà Tĩnh) có quy mô 7 MWp, trang trại nhưng không nuôi trồng chỉ lắp pin điện mặt trời để bán điện. 

 

Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn cũng lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà với quy mô 7 MWp tại dự án trang trại tổng hợp Trung Lễ (xã Lâm Trung Thủy, huyện Đức Thọ), đồng thời chia nhỏ công suất ra để “né tránh” sự phê duyệt của Bộ Công Thương.

Các công ty tham gia đứng tên gồm: Công ty TNHH Thương mại Quốc tế Hà Tĩnh; Công ty TNHH Dịch vụ khai thác năng lượng; Công ty TNHH Dịch vụ năng lượng Xanh Hà Tĩnh; Công ty TNHH Năng lượng tự nhiên Hà Tĩnh; Công ty TNHH Thương mại xây dựng Việt; Công ty TNHH Năng Lượng Xuân Linh; Công ty TNHH Dịch vụ thương mại Xuân Linh; Công ty TNHH Xuân Linh Hà Tĩnh.

Điều đáng nói, giám đốc điều hành các công ty này đều là người nhà hoặc nhân viên của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn, có những người đứng tên 2 đến 3 công ty như ông Trần Xuân Linh và ông Trần Bảo Trung.

leftcenterrightdel
Dự án trang trại tổng hợp Kỳ Thọ (huyện Kỳ Anh) chưa hề triển khai chăn nuôi, trồng trọt như quyết định phê duyệt.  

Ngoài doanh nghiệp Hoành Sơn, dự án trang trại tổng hợp Kỳ Thọ (huyện Kỳ Anh) cũng được chấp thuận đầu tư để nuôi gà, bò, trồng cây dược liệu, nấm với diện tích 39.142,6m2, tổng vốn đầu tư 9,5 tỷ đồng; giá trị sản xuất bình quân đạt từ 2 tỷ đồng/năm; số lao động thường xuyên của trang trại là 6 người.

Tuy nhiên, ngay sau khi được chấp thuận đầu tư, chủ dự án này đã gấp rút xây dựng và đấu nối 3 MWp điện mặt trời vào lưới điện.

Và cũng áp dụng tương tự "chiêu lách luật" như Tập đoàn Hoành Sơn, dự án trang trại tổng hợp Kỳ Thọ đã chia nhỏ cho 3 công ty đứng tên gồm: Công ty TNHH

Dịch vụ thương mại Đầu tư Nam Thắng; Công ty TNHH Đầu tư Sơn Duyên; Công ty TNHH Đầu tư Quốc Dũng.

Tiếp đó là dự án trang trại tổng hợp Sóc Xôi (thôn Ao Tròn, xã Sơn Tiến, huyện Hương Sơn). Dự án này nuôi gà thương phẩm, diện tích 47.202m2, vốn đầu tư sản xuất kinh doanh 20 tỷ đồng, giá trị sản xuất kê khai 22 tỷ đồng/năm, số lao động thường xuyên của trang trại là 15 người.

Sau khi được chấp thuận đầu tư, tương tự như các dự án trên, doanh nghiệp đã gấp rút xây dựng và đấu nối 2 MWp điện mặt trời vào lưới điện. Đồng thời chia nhỏ cho các công ty đứng tên gồm: Công ty CP nông nghiệp và năng lượng HS, do ông Nguyễn Hải Triều, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc và Công ty TNHH Triều Phú, do bà Lê Thị Phú làm đại diện.

leftcenterrightdel
Dự án trang trại tổng hợp Sóc Xôi (xã Sơn Tiến, huyện Hương Sơn) đã đấu nối điện cuối tháng 12/2020 nhưng đến thời điểm này, tháng 4/2021 mới bắt đầu làm chuồng trại nuôi gà 

Theo xác nhận của Điện Lực Hà Tĩnh, tất cả hệ thống điện mặt trời mái nhà nói trên đều đã ký hợp đồng mua bán điện và đấu nối vào điện quốc gia vào cuối tháng 12/2020 để hưởng giá ưu đãi 1.943 đồng/kWh.

Cũng theo thông tin từ điện lực Hà Tĩnh, sản lượng điện của hệ thống điện mặt trời tại xã Kỳ Lạc trong tháng 1/2021 là 223.104 kWh, tháng 2/2021 là 489.775 kWh. Còn sản lượng điện của hệ thống điện mặt trời tại xã Kỳ Thọ trong tháng 1/2021 là 127.713 kWh, tháng 2/2021 là 235.466 kWh.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Tĩnh thông tin: “Thủ tục đầu tư là do Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp phép. Sở Nông nghiệp chỉ phối hợp những nội dung liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp.

Mùa vụ nông nghiệp tại các dự án đó thì tôi chưa nắm được, nhưng trong dự án có phê duyệt các hạng mục, lộ trình và kế hoạch thực hiện. Trước mắt tôi ghi nhận thông tin, trách nhiệm của ngành tôi sẽ cho kiểm tra lại”.

Ông Phan Văn Nhàn, Trưởng phòng Doanh nghiệp (Sở Kế hoạch và Đầu tư) lại cho hay: “Khi làm hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư, các doanh nghiệp chỉ xin dự án về chăn nuôi, trồng cây dược liệu, không có nội dung điện mặt trời. Có dự án họ kết hợp làm điện, có dự án không làm. Nếu làm điện mặt trời thì họ phải xin Sở Công Thương và Điện lực tỉnh để xin đấu nối”.

"Nếu hết thời hạn triển khai dự án theo chấp thuận chủ trương đầu tư mà doanh nghiệp không làm thì chúng tôi sẽ kiểm tra và xử lý", Trưởng phòng Doanh nghiệp (Sở Kế hoạch và Đầu tư) Hà Tĩnh khẳng định.

Theo quyết định về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam và văn bản hướng dẫn của Bộ Công thương, các công trình điện mặt trời trên 1 MWp (điện đấu lưới) phải được Bộ Công thương phê duyệt, dưới 1 MWp thì không phải xin phép Bộ Công thương nên nhiều chủ đầu tư đã chia nhỏ dự án, với công suất dưới 1 MWp, để "né" quy định này.

Điều kiện để được ngành điện đấu nối mua điện mặt trời thương phẩm là phải có dự án nông nghiệp (chăn nuôi, trồng trọt), tận dụng tầng mái công trình dự án chăn nuôi để lắp tấm pin năng lượng.

 

 

Trần Hoàn

 

Nguồn Infornet
Link bài gốc

https://infonet.vietnamnet.vn/thi-truong/ha-tinh-hang-loat-du-an-dien-mat-troi-nup-bong-trang-trai-nong-nghiep-280795.html?fbclid=IwAR1V9fFqhi0cmh-wsI5gZoAGsVrI3IsOCukC3QQSW3JW6KLfOoEd-yFunvE