Công ty R&P chỉ trúng thầu ở CPCEMEC?

Trên thực tế, nguồn ngân sách Nhà nước, ngân sách địa phương hay ngân sách của các cơ quan, đơn vị đều có thể thiệt hại nghiêm trọng do thất thoát từ sai phạm, tiêu cực xảy ra trong hoạt động đấu thầu.

Qua những vụ việc bị khởi tố hoặc xử lý vi phạm, có thể thấy một số hành vi vi phạm điều cấm của luật Đấu thầu, gian lận để trục lợi như: cố tình thông thầu, chênh lệch giá gói thầu so với giá thị trường và giá nhập khẩu rất lớn; gian lận hồ sơ dự thầu tại nhiều gói thầu đã trúng; không công khai thông tin nhân sự chủ chốt của nhà thầu; ưu ái cho nhà thầu thân quen…

Trước thực trạng đó, tạp chí Đời sống và Pháp luật đã triển khai chuyên đề nghiên cứu tìm hiểu công tác đấu thầu tại các đơn vị sự nghiệp công lập. Qua đó, để đóng góp những thông tin hữu ích, giúp các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nâng cao hiệu quả trong công tác sử dụng vốn đầu tư công, hạn chế mất mát đáng tiếc về cả tài sản và nhân sự có trình độ. Đơn cử như tại CPCEMEC.

Thống kê thông tin từ mạng đấu thầu Quốc gia, CPCEMEC đã đăng tải 346 kết quả lựa chọn nhà thầu, trong đó công ty TNHH Điện tử R&P trúng khoảng 95 gói, chiếm gần 30%.
leftcenterrightdel
 Thống kê thể hiện mối quan hệ khá thân thiết giữa công ty R&P và CPCEMEC.

Công ty TNHH Điện tử R&P (có địa chỉ tại 58/57 Nguyễn Minh Hoàng, phường 12, quận Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh) đã tham gia 210 gói thầu, trong đó trúng 95 gói, tổng giá trị 315.050.098.696 đồng. Đáng chú ý, gần 100% gói thầu đã trúng của công ty R&P là tại CPCEMEC.

Nhiều gói thầu mà công ty R&P trúng với giá trị cả chục tỷ đồng nhưng chỉ tiết kiệm được cho chủ đầu tư CPCEMEC số tiền rất khiêm tốn. Ví dụ gói Mua sắm linh kiện điện tử hơn 25 tỷ đồng, tiết kiệm xấp xỉ 22 triệu đồng, đạt tỉ lệ ở mức tượng trưng 0,09%; gói Mua sắm linh kiện điện tử chủ động hơn 19 tỷ đồng chỉ tiết kiệm được hơn 100 triệu đồng, tỉ lệ đạt 0,57%;

Hay các gói: Mua sắm biến áp, biến dòng, điện trở shunt; Mua sắm biến áp, điện trở shunt V1 hơn 8 tỷ đồng mỗi gói, chỉ tiết kiệm được 26 triệu đồng và 11 triệu đồng, tỉ lệ tiết kiệm cũng ở mức rất thấp, chỉ 0,29 và 0,14%.
leftcenterrightdel
 “Hiện tượng nhiều gói thầu tỉ lệ tiết kiệm rất thấp, hay một số nhà thầu “quen mặt” với bên mời thầu rất có khả năng tồn tại các dấu hiệu vi phạm pháp luật”, luật sư Dương Văn Phúc.

Chênh lệch giá cao

Bên cạnh đó, khi đi sâu hơn vào các mã hàng hóa trong gói thầu, phóng viên nhận thấy nhiều sản phẩm chuẩn kí mã hiệu và xuất xứ được công ty R&P nhập khẩu và chào thầu với CPCEMEC mức giá cao gấp từ 3-4 lần.

Dẫu biết rằng, nhà thầu khi bàn giao cho chủ đầu tư, các thiết bị còn phải chịu thêm một số chi phí liên quan như vận chuyển, kho bãi và lợi nhuận của doanh nghiệp. Thế nhưng, số tiền chênh lệch cao hơn 4,1 tỷ đồng so với giá nhập khẩu vẫn để lại nhiều băn khoăn. Liệu việc xây dựng giá dự toán, thẩm định và phê duyệt giá dự toán đã thực sự đúng và đủ hay chưa?...
leftcenterrightdel
 Quyết định số 914/QĐ-EMEC do ông Trần Dũng ký.

Ở gói thầu này, CPCEMEC đã phê duyệt mức giá cho mỗi con Vi điều khiển 8bit, RAM 336Byte, bộ nhớ lập trình 8KWord, SMD TQFP-64, Tape&Reel (Kí hiệu: PIC16F946T-I/PTC02. Xuất xứ: Thái Lan) là 46.180 đồng. Tuy nhiên, theo thông tin phóng viên có được, công ty R&P nhập khẩu thiết bị này về Việt Nam với giá 1,2 USD (tương đương 27.120 đồng – giá quy đổi tại thời điểm phóng viên nghiên cứu). Với số lượng 145.200 con, giá nhập khẩu thấp hơn tại gói thầu hơn 2 tỷ đồng.

Tương tự, mã hàng EEPROM 8KBit, 400kHz, SMD SOIC-8, Tape&Reel (Kí hiệu: 24AA08T-I/SN. Xuất xứ: Thái Lan) có giá dự thầu là 6.123 đồng/con, còn giá nhập khẩu 0,11 USD/con (khoảng 2.520 đồng);

Vi điều khiển 16bit, RAM 16KB, Flash 128KB, SMD 64-TQFP, Tape&Reel (Kí hiệu: PIC24FJ128GA406T-I/PT. Xuất xứ: Thái Lan) có giá nhập khẩu 2,67 USD/con (khoảng 63.103 đồng) nhưng được chào thầu đến 147.336 đồng/con;

IC Flash 16Mbit, 50MHz, SMD 8-SOIC, Tape&Reel (Kí hiệu: SST25VF016B-50-4C-S2AF-T. Xuất xứ: Thái Lan) được CPCEMEC phê duyệt mức giá 75.266 đồng/con, thực tế công ty R&P nhập về Việt Nam với giá 18.648 đồng/con…

Với mức chênh lệch từ 3-4 lần, riêng 3 mã hàng này, công ty R&P đã chào giá cao hơn nhập khẩu trên 1,2 tỷ đồng.

Nghiên cứu cho thấy, 12/39 thiết bị được mua sắm, gói thầu đã có dấu hiệu cao hơn 4,1 tỷ đồng so với giá nhập khẩu (chênh lệch đã bao gồm thuế).

Trong số 12 mã hàng, ngoài IC chuyển đổi nguồn DC/DC cách ly B_S-1WR3, 5V-5V, Through Hole, Tube, 11 mã hàng còn lại đều do công ty TNHH Điện tử R&P nhập khẩu vào các thời điểm khác nhau.
leftcenterrightdel
 Bảng so sánh giá do phóng viên thực hiện.

Để có thông tin khách quan, phóng viên đã liên hệ với CPCEMEC. Tuy nhiên, đơn vị này đã không có phản hồi.

Với dấu hiệu chênh lệch giá lên đến hơn 4,1 tỷ đồng, thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc thanh kiểm tra. Việc làm này không những minh bạch thông tin trước dư luận mà còn tránh điều tiếng cho chủ đầu tư, nhà thầu cũng như đơn vị thẩm định giá.

Những đối thủ “quen mặt”

Theo tìm hiểu, trong số các gói thầu đã trúng tại CPCEMEC, công ty TNHH Điện tử R&P có khoảng 17 lần một mình tham gia dự thầu và trúng thầu (gần 18% tổng số 95 gói thầu từng thực hiện ở vai trò độc lập).

Mặc dù có tới hơn 82% số gói thầu có sự cạnh tranh, nhưng đối thủ của công ty R&P lại khá “nhàm chán” khi chỉ loanh quanh ở một số “gương mặt thân quen” như: công ty TNHH Giải pháp nhà máy BMT (11 gói); công ty TNHH Công nghệ EPI Việt Nam (đấu nhau trong 4 gói); công ty TNHH Trace – Tec Việt Nam (đấu nhau 3 gói); công ty TNHH VINASPARE (3 gói).

Đáng chú ý là đối thủ nhà thầu công ty TNHH Bán dẫn Tiên Phong với khoảng 57 lần đấu đầu (chiếm tới hơn 60% số gói thầu từng thực hiện).

Sau các cuộc cạnh tranh này thì công ty R&P luôn giành phần thắng thầu.

Trên "bản đồ" đấu thầu, công ty Bán dẫn Tiên Phong tham gia 133 gói thầu, tổng giá trị trúng thầu: 106.329.917.595 đồng (hơn 106 tỷ đồng). Toàn bộ các gói thầu mà Công ty này thực hiện đều trúng ở trung tâm Sản xuất Thiết bị đo điện tử Điện lực miền Trung (CPCEMEC) chi nhánh tổng công ty Điện lực miền Trung.

Theo luật sư Nguyễn Công Tín (công ty Luật FDVN - Đoàn luật sư thành phố Đà Nẵng), trường hợp nếu xác định giá đấu thầu cao hơn thực tế thì cần xem xét lại đơn vị thẩm định giá. Việc thẩm định giá cũng cần có tài liệu so sánh, đánh giá như giá các gói thầu tương tự, giá các đơn vị cung cấp, giá thị trường…

Khi có căn cứ cho rằng, giá đấu thầu cao hơn thực tế cần mời bên kiểm toán, đơn vị thẩm định giá khác thẩm định lại để đảm bảo tính khách quan. Nếu hành vi xác định giá thầu quá cao so với giá thị trường, gây thiệt hại cho Nhà nước từ 100 triệu đồng trở lên thì có thể khởi tố hình sự về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 222, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017). Theo Điều 222, trường hợp bị xử lý hình sự nặng nhất lên tới 20 năm tù nếu gây thiệt hại từ 1 tỷ đồng trở lên.

Quang Thiện
Nguồn Đời sống & Pháp luật
Link bài gốc

https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cpcemec-dien-luc-mien-trung-mua-sam-gia-cao-tu-nha-thau-quen-a578916.html