Tình trạng trên không phải mới xảy ra, mà đã tồn tại từ lâu, chỉ khác là càng ngày các “dự án ảo” mọc lên càng nhiều với những hình thức lừa đảo tinh vi hơn, móc nối rộng hơn và tìm cách “lách luật” để trục lợi. Hệ lụy trước hết là người mua đất thuộc “dự án ảo” chắc chắn phải đối mặt với nguy cơ trắng tay, hoang mang, lo lắng, bỏ công bỏ việc để đi đòi nợ, kiện tụng... Tác hại lớn hơn là “dự án ảo” làm rối loạn thị trường, phá vỡ quy hoạch tổng thể của địa phương, gây mất an ninh trật tự, tiềm ẩn nguy cơ bất ổn xã hội... Thực tế ở Bình Dương, Long An, TP Hồ Chí Minh... với những “điểm nóng” đang gây bức xúc dư luận chưa được giải quyết là minh chứng cho hậu quả khôn lường của “dự án ảo”.

Việc các công ty bất động sản, bộ phận môi giới “vẽ” dự án, phân lô bán nền "ảo" có nguyên nhân liên quan đến kẽ hở của pháp luật, sự thiếu minh bạch trong quy hoạch và thái độ thờ ơ, tắc trách trong công tác quản lý của chính quyền địa phương. Dù là thành thị hay nông thôn, thì địa bàn nào cũng có mấy cán bộ, chuyên viên phụ trách, như: Địa chính, quản lý xây dựng, trật tự đô thị, công an khu vực... nhưng vẫn để xảy ra tình trạng rao bán đất nền rầm rộ, thậm chí có nơi chủ đầu tư còn xây dựng kết cấu hạ tầng mà lực lượng chức năng vẫn không biết (!).
leftcenterrightdel
Những căn nhà tạm tại một "dự án ma" tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Ảnh minh họa: TTXVN. 

Muốn ngăn chặn “dự án ảo”, chấm dứt tình trạng phân lô, bán nền tràn lan, trái pháp luật thì việc đầu tiên cần khắc phục triệt để sự buông lỏng quản lý, thiếu sâu sát địa bàn của đội ngũ cán bộ cơ sở và đề cao trách nhiệm của chính quyền địa phương, nhất là người đứng đầu. Chỉ cần thấy đối tượng đóng cọc, căng dây, phát tờ rơi quảng cáo... là phải kiểm tra, xử lý ngay, treo biển cảnh báo để người dân không bị “sập bẫy” lừa đảo. Cùng với đó, cơ quan chức năng cần tham mưu cho cấp ủy, chính quyền công khai, minh bạch quy hoạch sử dụng đất. Cách làm của UBND TP Hồ Chí Minh mới đây nhận được sự đồng thuận cao trong giới chuyên môn và nhân dân khi giao cho Sở Quy hoạch-Kiến trúc và UBND quận, huyện chịu trách nhiệm công bố minh bạch, rõ ràng các đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng đã được phê duyệt; giao Sở Xây dựng thành phố siết chặt quy định phân lô, chuyển nhượng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; lắp camera giám sát ở những khu đất nghi ngờ có dấu hiệu bất minh; thông tin cảnh báo người dân về “dự án ảo”. Công an thành phố chịu trách nhiệm phối hợp điều tra xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật liên quan đến đất đai...

Với những cách làm minh bạch, đồng bộ, mạnh tay, người dân dễ dàng tiếp cận thông tin hồ sơ pháp lý của các dự án nhà đất trên địa bàn, tránh mua phải “dự án ảo”; đồng thời công tác quản lý của chính quyền thêm chặt chẽ, hiệu quả, từng bước ngăn chặn, xử lý triệt để “dự án ảo” trên địa bàn.
Theo Quân đội nhân dân
Nguồn
Link bài gốc

https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/chan-ngay-du-an-ao-645562