Hà Nội siết chặt quản lý, sử dụng nhà chung cư

Quy định này của UBND TP, áp dụng đối với nhà chung cư có mục đích sử dụng để ở, nhà chung cư có mục đích sử dụng hỗn hợp để ở và sử dụng vào các mục đích khác trên địa bàn TP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/12/2020.

Theo quy định vừa được ban hành, việc xác định phần sở hữu riêng và phần sở hữu chung trong nhà chung cư được thực hiện căn cứ vào hồ sơ dự án được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; hợp đồng mua bán căn hộ hoặc diện tích khác nhà chung cư; Căn cứ vào các quy định của pháp luật tại thời điểm thực hiện đầu tư xây dựng dự án. Các chủ sở hữu phải có trách nhiệm cung cấp tài liệu chứng minh quyền sở hữu riêng của mình.

leftcenterrightdel
 Hà Nội có quy chế quản lý chung cư riêng sau nhiều ồn ào, tranh chấp. Trong ảnh: Cư dân băng rôn đỏ rực tại Chung cư Athena Complex Xuân Phương (phường Phương Canh, Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) "tố" chủ đầu tư là Công ty TNHH phát triển Đô thị và Xây dựng 379 "ôm" quỹ bảo trì.

Việc quản lý phần sở hữu riêng trong nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu được xác định và thực hiện quản lý theo quy định tại Khoản 1, Điều 100, Điều 101 của Luật Nhà ở và Điều 6 của Thông tư số 02/2016/TT-BXD.

Việc quản lý phần sở hữu chung, sử dụng chung trong nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu được xác định và thực hiện quản lý theo quy định tại Khoản 2, Điều 100, Điều 101 của Luật Nhà ở và Điều 7 của Thông tư số 02/2016/TT-BXD.

Về diện tích sinh hoạt cộng đồng, theo quy định này, đối với nhà chung cư thương mại sẽ thực hiện theo quy định tại Khoản 10, Điều 80 của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP, ngày 20/10/2015, của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở năm 2014.

Đối với nhà chung cư phục vụ tái định cư, đơn vị được UBND TP giao quản lý nhà chung cư phục vụ tái định cư tiến hành rà soát các nhà chung cư mà thiết kế không có diện tích sinh hoạt cộng đồng và đề xuất nơi bố trí diện tích sinh hoạt cộng đồng trong số diện tích kinh doanh dịch vụ đang quản lý, báo cáo Sở Xây dựng để trình UBND TP xem xét quyết định; việc quản lý, sử dụng, kê khai, báo cáo phần diện tích trên do UBND xã, phường, thị trấn thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý tài sản công.

Đối với bảo trì nhà chung cư, theo các quy định về nguyên tắc bảo trì nhà chung cư; kế hoạch bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư; các hạng mục của nhà chung cư được sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung để thực hiện việc bảo trì; ký kết hợp đồng bảo trì và thực hiện bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư được thực hiện theo quy định tại Điều 107 của Luật Nhà ở năm 2014; các Điều 32, 33, 34 và Điều 35 của Thông tư số 02/2016/TT-BXD.

Đối với nhà chung cư đã được đưa vào sử dụng nhưng chưa có quy trình bảo trì nhà chung cư và các thiết bị thuộc phần sở hữu chung của nhà chung cư, việc lập và phê duyệt quy trình bảo trì được thực hiện theo quy định tại Điểm đ, Khoản 2, Điều 38 của Nghị định số 46/2015/NĐ-CP, ngày 12/5/2015, của Chính phủ.

Đối với nhà chung cư phục vụ tái định cư được đầu tư từ ngân sách, ngoài các nội dung về bảo trì nhà chung cư nói chung, còn thực hiện theo quy đĩnh tại Quyết định số 18/2018/QĐ-UBND, ngày 23/8/2018, của UBND Thành phố về việc ban hành quy định về sử dụng nguồn thu từ hoạt động cho thuê diện tích kinh doanh dịch vụ thuộc sở hữu nhà nước tại các chung cư phục vụ tái định cư trên địa bàn thành phố Hà Nội.
UBND TP Hà Nội cũng lưu ý, những quy định có liên quan đến quản lý, sử dụng nhà chung cư không quy định trong quy định này sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật về nhà ở có liên quan.

Trong quá trình thực hiện, nếu gặp khó khăn, vướng mắc đề nghị các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan phản ánh kịp thời về Sở Xây dựng để tổng hợp báo cáo UBND TP xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Thanh tra về phí bảo trì hàng loạt chung cư

Trước đó, để khắc phục những tồn tại hạn chế, thiếu sót trong công tác quản lý vận hành, sử dụng nhà chung cư từ quý II/2020, Sở Xây dựng Hà Nội lên kế hoạch kiểm tra hàng loạt chung cư tại 19 quận, huyện gồm: Long Biên, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hà Đông, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Ba Đình, Đống Đa, Tây Hồ, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Thanh Trì, Gia Lâm, Hoài Đức, Chương Mỹ, Thanh Oai, Mê Linh, Đan Phượng, Quốc Oai….

leftcenterrightdel
 Để khắc phục những tồn tại hạn chế, thiếu sót trong công tác quản lý vận hành, sử dụng nhà chung cư từ quý II/2020, Sở Xây dựng Hà Nội lên kế hoạch kiểm tra hàng loạt chung cư 

Mục tiêu của đợt kiểm tra này sẽ làm rõ những hạn chế, khó khăn cần tháo gỡ, xác định nguyên nhân trách nhiệm, nhằm kịp thời chấn chỉnh, hướng dẫn, khắc phục những tồn tại hạn chế, thiếu sót trong công tác quản lý vận hành, sử dụng nhà chung cư.

Theo đó, với những chủ đầu tư không chấp hành các quy định về quản lý, sử dụng nhà chung cư, sẽ công khai danh sách trên tất cả các phương tiện thông tin đại chúng.

Ngoài ra, một kế hoạch thanh tra năm 2020 với các hạng mục về phí bảo trì, quy hoạch được Bộ Xây dựng ban hành vào tháng 11/2019.

Tại Hà Nội có 16 dự án thuộc diện thanh tra về công tác quản lý sử dụng kinh phí bảo trì, trong đó có một số dự án đã xảy ra tranh chấp. Những dự án nằm trong diện thanh tra gồm: Cty CP Xây dựng số 3 (Vinaconex 3) với tòa CT1, CT2… khu nhà ở Trung Văn; Cty Cổ phần Tập đoàn Bắc Hà: cụm chung cư Bắc Hà C14 (Tố Hữu, Nam Từ Liêm); Cty CP Đầu tư và phát triển Hoàng Thành với các dự án chung cư tại khu đô thị Mỗ Lao (Hà Đông); Cty Cổ phần Đầu tư đô thị và khu công nghiệp sông Đà 7 với dự án 90 Nguyễn Tuân (Thanh Xuân); dự án CT2AB và CT2C Xuân Phương thuộc Khu đô thị mới Xuân Phương, Nam Từ Liêm;

Dự án Hateco 6 phường Phương Canh (Nam Từ Liêm); Cty CP thương mại Xây dựng Vietracimex với dự án Hinode city (Minh Khai, quận Hai Bà Trưng); Cty CP Đầu tư Xâ dựng hạ tầng giao thông với dự án Intracom Trung Văn, Intracom Cầu Diễn, Intracom Riverside (Vĩnh Ngọc, Đông Anh)…

Cùng với đó, Bộ Xây dựng sẽ tiến hành thanh tra về quy hoạch tuyến đường Lê Văn Lương, Tố Hữu (Hà Nội) trong năm 2020. Đây là các tuyến đường dù chỉ dài khoảng 2km nhưng dọc hai bên tuyến đường này, nhà cao tầng mọc lên dày đặc khiến mật độ dân cư đông, tạo áp lực khổng lồ lên hạ tầng giao thông.

Theo thống kê, đến nay có khoảng 13,5% dân số Hà Nội đang sinh sống ở chung cư. Thành phố có gần 2.600 chung cư, chiếm 58% số lượng chung cư của cả nước, trong đó có gần 1.580 chung cư cũ, 845 chung cư thương mại và 174 chung cư tái định cư.

Trong đó, có 86 chung cư có tranh chấp, ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội. Mâu thuẫn chủ yếu là việc bàn giao, quản lý, sử dụng quỹ bảo trì chung cư, một số chủ đầu tư cố tình "ôm quỹ" không bàn giao cho ban quản trị tòa nhà, ảnh hưởng đến quyền lợi của cư dân…

Theo Tiền Phong
Nguồn
Link bài gốc

https://www.tienphong.vn/dia-oc/sau-loat-on-ao-tranh-chap-ha-noi-co-quy-che-quan-ly-chung-cu-rieng-1757523.tpo