Theo thông tin từ phía Cục an toàn thực phẩm, sự cố trên được Pháp phát hiện từ năm 2017. Từ thời điểm đó, Cục An toàn thực phẩm đã kịp thời nắm bắt và cung cấp thông tin liên tục cho người tiêu dùng đồng thời có những biện pháp thu hồi và ngăn chặn các sản phẩm nhiễm khuẩn vào Việt Nam.

Trước đó, vào ngày 16/2, công ty sản xuất thực phẩm Lactalis của Pháp - một trong những nhà sản xuất sữa và các sản phẩm từ sữa lớn nhất thế giới - đã bị buộc tội liên quan đến vụ bê bối toàn cầu kéo dài 5 năm qua, trong đó hàng chục trẻ sơ sinh bị ảnh hưởng sức khỏe do uống sữa công thức (sữa bột) nhiễm khuẩn đường ruột Salmonella.

Vì vậy công ty Lactalis đã bị cáo buộc hình sự. Cáo buộc chỉ rõ công ty này có hành vi gian lận nghiêm trọng, gây tổn hại sức khỏe người tiêu dùng và không thực hiện lệnh thu hồi sản phẩm sữa nhiễm khuẩn.

Vụ việc bắt đầu từ cuối năm 2017 khi nhiều trẻ sơ sinh ở Pháp được chẩn đoán bị ngộ độc khuẩn Salmonella sau khi được cho uống các sản phẩm sữa, chủ yếu là sữa Milumel và sữa Picot của Công ty Lactalis sản xuất tại nhà máy Craon.
leftcenterrightdel
 

Vào thời điểm đó, 36 trẻ sơ sinh đã xuất hiện các triệu chứng nhiễm khuẩn Salmonella chỉ trong vòng 3 ngày sau khi được cho uống các sản phẩm sữa bột của Lactalis. Tây Ban Nha và Hy Lạp cũng báo cáo các trường hợp bị nhiễm khuẩn đường ruột. Lactalis đã thừa nhận rằng, các sản phẩm sữa bột của hãng cung cấp ở hơn 80 quốc gia khác đã bị ảnh hưởng.

Tiếp theo, vào tháng 1/2018, Lactalis đã thu hồi toàn bộ lô sữa bột sản xuất tại nhà máy Craon, ước tính hơn 12 triệu hộp. Theo Lactalis, lô sữa nhiễm khuẩn được sản xuất vào nửa đầu năm 2017.

Ở một diễn biến khác, vào tháng 5/2022, 3.000 tấn sản phẩm hiệu Kinder cũng đã bị thu hồi do nhiễm khuẩn salmonella. Đây là đợt thu hồi lớn nhất trong 20 năm qua, khiến tập đoàn này bị thiệt hại hàng chục triệu euro.

Theo ông Neykov - người đứng đầu công ty Ferrero France - chi nhánh tại Pháp, mầm bệnh bắt nguồn từ "một bộ lọc nằm trong bể chứa bơ sữa" tại một nhà máy ở Arlon, Bỉ. Nguyên nhân nhiễm khuẩn có thể do con người hoặc nguyên liệu thô.

Trước đó, các sản phẩm chocolate được sản xuất tại nhà máy của Ferrero ở Arlon, Đông Nam Bỉ bị phát hiện chứa vi khuẩn salmonella, khiến 150 trẻ em ở 9 quốc gia châu Âu bị nhiễm khuẩn.

Tại Pháp, có tổng cộng 81 trẻ bị nhiễm khuẩn salmonella, trong đó chủ yếu là trẻ dưới 10 tuổi. Vi khuẩn salmonella có thể gây các triệu chứng như tiêu chảy, sốt và đau dạ dày ở người. Đây là một trong những loại vi khuẩn nhiễm phổ biến nhất ở thực phẩm.

Được biết, Salmonella thuộc họ Enterobacteriaceae (vi khuẩn đường ruột) là một giống vi khuẩn hình que, trực khuẩn gram âm, kị khí tùy nghi không tạo bào tử, di động bằng tiên mao, sinh sống trong đường ruột, có đường kính khoảng 0,7 µm đến 1,5 µm, dài từ 2 µm đến 5 µm và có vành lông rung hình roi.

Các chủng vi khuẩn Salmonella gây ra các bệnh như thương hàn, phó thương hàn, nhiễm trùng máu và ngộ độc thực phẩm. Các triệu chứng do Salmonella gây ra chủ yếu là tiêu chảy, ói mửa, buồn nôn xuất hiện sau 12 - 36 giờ sau khi tiêu thụ thực phẩm nhiễm Salmonella. Các triệu chứng thường kéo dài từ 2 - 7 ngày.

PV
Nguồn Sở hữu trí tuệ
Link bài gốc

https://sohuutritue.net.vn/bo-y-te-len-tieng-ve-vu-be-boi-sua-bot-nhiem-khuan-tai-phap-d156455.html