Giá thiết bị càng cao – giá “đội” lên càng nhiều

Ở các kỳ trước, Tạp chí Đời sống và Pháp luật đã phản ánh về những bất thường trong các gói thầu mua sắm TBYT tại Bắc Giang, điển hình là tình trạng “đội” giá thiết bị từ hàng trăm triệu lên cả tỷ đồng.

Đơn cử như Hệ thống xử lý nước RO, xuất xứ HCOM (Việt Nam), Model: 6600 được TTYT huyện Sơn Động, TTYT huyện Lục Nam mua sắm với giá gần 1,15 tỷ đồng. Tuy nhiên, cùng mẫu mã và model nhưng TTYT huyện Lương Tài (Bắc Ninh) lại mua với giá chỉ 490 triệu đồng.

Tình trạng “đội” giá có vẻ như trở thành “điệp khúc” khi PV phát hiện thêm một gói thầu mua sắm có sự chênh lệch giá thiết bị rất lớn.

Theo đó, tại Quyết định số 362/QĐ- TTYT do Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Lục Ngạn – Đỗ Văn Sinh ký ngày 26/5/2020, về việc phê duyệt lựa chọn gói thầu “Mua sắm vật tư trang thiết bị y tế giai đoạn 2 năm 2020” cho Công ty TNHH Accutech Việt Nam và công ty liên danh. Giá dự toán gói thầu là 10,65 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước là 9 tỷ đồng, 1,65 tỷ đồng còn lại được huy động từ nguồn thu hoạt động của đơn vị. Giá trúng thầu của liên danh nhà thầu là 10.6 tỷ đồng, tiết kiệm đúng 50 triệu đồng cho ngân sách Nhà nước.

leftcenterrightdel
TTYT huyện Lục Ngạn – nơi mua sắm Máy tán sỏi Laser OMNIPULSE MAX ® có giá lên tới 10,6 tỷ đồng 

Để triển khai gói thầu này, Liên danh hai công ty trên đã thực hiện mua Máy tán sỏi Laser OMNIPULSE MAX ® 80W (Hãng Trimedyn; Xuất xứ: Mỹ) . Đây là một hệ thống tán sỏi hiện đại với mức đầu tư không hề nhỏ. Chiếc máy sẽ đáng giá từng đồng khi giúp được hàng ngàn bệnh nhân khỏi bệnh, nhưng nếu đầu tư một cách không hợp lý, giá trị không đúng với thực tế thì những đồng thuế của nhân dân không biết sẽ đi về đâu?

Theo nguồn tin đáng tin cậy của PV, Máy tán sỏi Laser OMNIPULSE MAX ® 80W được Công ty TNHH Accutech Việt Nam nhập khẩu về Cảng hàng không Nội Bài ngày 7/8/2020 với đơn giá khai báo là 316.809,2 USD (tỷ giá quy đổi 23.110đ/USD), giá thuế GTGT (VAT 5%) là 366.073.031 đồng. Tổng giá giá trị nhập khẩu chiếc máy này về đến Việt Nam khoảng 7,7 tỷ đồng.

Như vậy, so với giá 10,6 tỷ đồng mà TTYT huyện Lục Ngạn chi ra từ nguồn vốn đầu tư công, con số chênh lệch lên tới gần 3 tỷ đồng.

leftcenterrightdel
Máy tán sỏi Laser OMNIPULSE MAX ® 80W(Trimedyne) mã 1210 - VHP 

Theo một chuyên gia kinh doanh thiết bị y tế, ngoài chi phí mua bán hàng hóa, các doanh nghiệp thường phải chịu thêm chi phí vận chuyển, lắp đặt và bảo hành, đào tạo nhân sự vận hành,... Tuy nhiên, hệ thống nguyên bộ của nước ngoài lắp đặt thường rất nhanh gọn và được hỗ trợ tối đa từ hãng nên chi phí phụ không nhiều.

Đơn vị tư vấn có “ngụy biện”?

Ngay sau khi đăng tải bài viết Bắc Giang: Bất thường từ những gói thầu tiền tỷ, Tòa soạn Đời sống và Pháp luật đã nhận được công văn số 460/CV-HKC của Công ty TNHH thương mại và dịch vụ bảo vệ HKC (Công ty HKC) cho rằng, việc phản ánh là vi phạm luật báo Luật báo chí; thông tin sai sự thật, xuyên tạc,…

Trong công văn của công ty này có nội dung cho rằng, việc so sánh giá Hệ thống lọc nước RO, model:6600, do HCOM/Việt Nam sản xuất trúng thầu tại gói thầu Mua sắm trang TBYT lần 1 năm 2020 của TTYT huyện Sơn Động với Hệ thống lọc nước cho máy xét nghiệm, modem:6600, HCOM, Việt Nam sản xuất do TTYT huyện Lương Tài mua là thông tin sai sự thật.

Theo Công ty HKC, Hệ thống lọc nước RO tại gói thầu ở huyện Sơn Động dùng để chạy thận nhân tạo nên yêu cầu nghiêm ngặt về tiêu chuẩn chất lượng cũng như kỹ thuật, vì ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, sinh mạng của người bệnh. Còn Hệ thống lọc nước ở huyện Lương Tài chỉ dùng cho máy xét nghiệm, hoàn toàn khác nhau về cấu hình tính năng sử dụng.

Thế nhưng, sự thật đã được phơi bày khi phóng viên tìm về tận nơi sản xuất thiết bị này. Và, chính ông Nguyễn Mạnh Chinh - “cha đẻ” của Hệ thống lọc nước mang thương hiệu HCOM (Công ty TNHH MTV Hà Châu) cho biết, giá của chiếc máy RO, model:6600 do HCOM/Việt Nam sản xuất giá hơn 400 triệu đồng (báo giá 435 triệu).

Ông Chinh cũng khẳng định, cả 3 cơ sở y tế (Sơn Động, Lương Tài, Lục Nam) đang sử dụng chung hệ thống này, duy chỉ chiếc máy ở TTYT huyện Sơn Động được nhà thầu yêu cầu lắp thêm bình than để tặng cho bệnh viện nên chi phí tăng thêm hơn hai chục triệu đồng.

leftcenterrightdel
Hệ thống lọc nước RO, model:6600, do HCOM/Việt Nam sản xuất được TTYT huyện Sơn Động mua với giá 1,148 tỷ đồng 

Rõ ràng dấu hiệu “đội” giá đã thể hiện rất rõ tại gói thầu Mua sắm năm 2020 TTYT huyện Sơn Động, khi Hệ thống xử lý nước RO, model 6600, HCOM/Việt Nam được mua với giá 1,148 tỷ đồng. Trong khi, thực tế giá ‘gốc” chỉ hơn 400 triệu. Uớc tính sơ bộ, một chiếc máy RO 6600 gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước lên tới gần 700 triệu đồng.

Từ những dẫn chứng trên, có thể thấy Công ty HKC đã có nhưng lời lẽ mang tính chủ quan và không hề có căn cứ. Có dấu hiệu vu khống, xúc phạm danh dự của cơ quan ngôn luận, thể hiện sự ngụy biện cho hành vi của mình.

Hàng năm, nguồn ngân sách Nhà nước đang phải “gồng mình” đầu tư vào các dự án công, trong đó lĩnh vực Y tế luôn được ưu tiên hàng đầu với niềm tin sức khỏe của nhân dân ngày càng được cải thiện. Tuy nhiên, thực trạng những gói thầu mua sắm TBYT ở Bắc Giang với con số “đội” giá lên đến hàng tỷ đồng thì mới xót xa làm sao!

Đã đến lúc, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03)- Bộ Công an; UBND tỉnh Bắc Giang; Sở Y tế tỉnh Bắc Giang; Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Giang; Sở Tài chính tỉnh Bắc Giang vào cuộc làm rõ những dấu hiệu báo chí đã phản ánh.

 

Theo Đời sống pháp luật
Nguồn
Link bài gốc

https://www.doisongphapluat.com/kinh-doanh/bat-thuong-tu-nhung-goi-thau-tien-ty-o-bac-giang-bai-3-diep-khuc-doi-gia-a337052.html