|
|
Đất vùng quê "sốt ảo", các nhà đầu tư đổ xô đến tìm mua. |
Đầu tư kiểu phong trào, chôn vốn hơn thập kỷ
Nhiều khu vực vùng ven Hà Nội đã trải qua các đợt sốt và tăng giá. Khi rót tiền vào các khu vực này, đa phần nhà đầu tư kỳ vọng “ăn theo” hạ tầng hoặc dự án lớn.
Không ít người giàu lên nhờ đất. Tuy nhiên cũng khá nhiều cuộc “sa lầy” đến cả chục năm nay chưa rút được chân vì đầu tư kiểu phong trào.
Kể lại câu chuyện mua đất cách đây hơn 10 năm, chị Miên - một nhà đầu tư bất động sản (BĐS) nhớ lại: Thời điểm đó, khi có thông tin Hà Đông lên quận, giới đầu tư càn quét khắp nơi, đất đai tăng giá chóng mặt.
“Lúc đó tôi gom góp được ít tiền nên rủ người bạn gom mua mảnh đất hơn 60m2 khu vực Đồng Mai với giá 20 triệu đồng/m2. Chỗ đó xa xôi, ô tô không có lối vào, hạ tầng, tiện ích không có gì nhưng nghe môi giới giục “không mua nhanh là hết cơ hội” nên chúng tôi vội vàng xuống tiền. Quả thực thời điểm đó sốt nóng, giao dịch ầm ầm. Nhưng không mấy lâu sau đó thị trường bình ổn, cơn sốt đi qua, những khu vực thực sự có tiềm năng thì còn đỡ mất giá, riêng mảnh đất tôi mua lúc đó người ta chỉ trả vài triệu triệu đồng/m2”, chị Miên nhớ lại.
Cho đến thời điểm này, miếng đất khu vực chị Miên mua vẫn chỉ loanh quanh mức hơn 12-14 triệu đồng/m2. Chị và người bạn quyết định không bán, đến thời điểm này, lô đất vẫn chỉ là bãi cỏ hoang.
Gần đây, thị trường bất động sản một số khu vực có quy hoạch hay được doanh nghiệp bất động sản “nhắm” tới làm dự án cũng lên cơn sốt. Đầu tư theo kiểu phong trào vẫn nở rộ.
Báo cáo vừa công bố của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết: 9 tháng qua, do khan hiếm nguồn hàng chính thống, giá căn hộ các phân khúc đều đang ở ngưỡng trần nên nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ tìm và khai phá những thị trường mới ở vùng nông thôn như Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Hòa Lạc…
Việc các nhà đầu tư xuất hiện tại các vùng nông thôn theo Hội Môi giới, đã làm cho đất đai làng trên xóm dưới sôi động, nhộn nhịp. Giá đất được đẩy lên cao nhanh chóng mặt. Theo đó, có những nơi vài năm trước ngưỡng giá trong làng chỉ vài trăm nghìn đồng, nay đã lên đến vài triệu, vài chục triệu đồng/m2.
Theo báo cáo thị trường quý 3/2020 của Batdongsan.com.vn, mức độ quan tâm bất động sản thổ cư tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc tăng trung bình 10% so với quý 2. Đáng chú ý, các khu vực thuộc tỉnh lân cận Hà Nội, đặc biệt là những nơi có khu công nghiệp hoặc hạ tầng phát triển ghi nhận mức độ quan tâm tăng nổi bật: Vân Đồn (Quảng Ninh) tăng 111% theo quý; Thuận Thành (Bắc Ninh) tăng 52% theo quý; Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) tăng 30% theo quý...
Chuyên gia cảnh báo gì?
Thực tế, bên cạnh các nhà đầu tư lướt sóng thành công thì nhiều nhà đầu tư thứ cấp vẫn phải ngậm ngùi chôn vốn tại các thị trường đã từng sốt nóng hầm hập. Không ít nhà đầu tư chấp nhận bán lỗ vẫn khó tìm khách mua lại nếu mảnh đất đó nằm ở khu vực xa xôi, hẻo lánh, hạ tầng, tiện ích, giá trị thương mại đều không có.
Một chuyên gia bất động sản cho biết, nhìn chung cơ hội với bất động sản ven đô còn nhiều nhưng không “dễ xơi”. Chưa kể, ở thời điểm hiện nay, hầu hết các địa bàn vùng ven Hà Nội đã có giá tăng cao, nhiều khu vực trải qua các đợt sốt đất, tăng giá, một số nơi thậm chí vượt cả giá trị thực nên cơ hội tăng giá là một bài toán khó giải.
Ông Nguyễn Thành Dũng, lãnh đạo một công ty bất động sản cho biết, đầu tư bất động sản thổ cư theo lãi vốn cần xác định tối thiểu 2-3 năm, không có chuyện kiếm được lợi nhuận gấp 2-3 lần chỉ trong vài tháng.
“Nếu muốn kiếm lợi nhuận cao trong ngắn hạn chỉ có ăn theo cơn sốt, còn đầu tư thuần túy theo đúng giá trị cần phải có thời gian. Tuy nhiên, việc vội vàng rót tiền vào những nơi đang nóng sốt có thể sẽ khiến nhà đầu tư mua phải tài sản ở đỉnh sóng, dễ mắc kẹt”, ông Dũng nói.
Ngoài ra theo ông Dũng, nhà đầu tư cũng không nên mạo hiểm dùng đòn bẩy tài chính dù lãi suất ngân hàng đang hấp dẫn. Chỉ những nhà đầu tư chủ động về dòng vốn mới nên tham gia thị trường lúc này.
Chia sẻ với Dân trí, ông Đặng Văn Quang - chuyên gia bất động sản đồng thời cũng là giám đốc công ty chuyên nghiên cứu BĐS cũng nhấn mạnh: Bài học đất Ba Vì, Alibaba... còn đó. Nhà đầu tư “liều ăn nhiều” nhưng cũng có thể sẽ mắc cạn, ngậm trái đắng.
Vị chuyên gia cũng lưu ý, việc kiếm lợi từ các giao dịch mua bán khiến nhiều “cò đất” đưa ra những thông tin không chính xác. “Họ thường có xu hướng đưa ra những tin quá lạc quan, màu hồng. Hãy cẩn trọng trong đầu tư, đừng nghe tin đồn, bởi có những tin đồn tinh vi tới mức đúng 50%, khiến người mua vội vã xuống tiền ngay không sợ mất cơ hội rồi sau đó nhận trái đắng”, ông Quang nói.