|
|
Để người thu nhập thấp có thể sở hữu nhà, cần phải tạo ra các mô hình phát triển nhà ở tại các khu đô thị mới, các khu dân cư quy mô lớn tại các tỉnh giáp ranh. (Ảnh: Int) |
Vấn đề phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp tại những đô thị lớn như TP.HCM đã được đề cập rất nhiều, song đến thời điểm này vẫn là một "bài toán chưa tìm ra lời giải".
Cung không đủ cầu
Sau 3 năm đi làm, gom góp tiết kiệm được 600 triệu đồng, anh Nguyễn Văn Hùng, đang trọ tại quận Tân Bình, TP. HCM chạy đôn đáo khắp các quận huyện ven đô để tìm những dự án chung cư có giá dưới 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, anh không tìm được dự án nào còn nhà giá rẻ.
Anh Hùng "ngao ngán" khi số tiền tiết kiệm được ngày càng xa vời với giá trị căn nhà hợp túi tiền. Bởi hầu hết các dự án mà anh tìm đến giá thấp nhất cũng tầm 1,8-2 tỷ đồng trở lên.
Đây chỉ là một trong số hàng chục nghìn trường hợp người lao động có thu nhập thấp ở cả nước nói chung và TP.HCM nói riêng chưa sở hữu được căn nhà giá rẻ. Thậm chí, có người đã sinh sống và làm việc tại TP.HCM cả chục năm vẫn không đủ tiền tích lũy để mua nhà.
Theo số liệu nghiên cứu của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, mỗi năm TP.HCM tiếp nhận hàng trăm nghìn người nhập cư từ các địa phương khác tới làm việc và sinh sống, đa số là những người trẻ trong độ tuổi lao động.
Trong đó, trung bình mỗi năm có thêm khoảng 50.000 người trẻ trong độ tuổi 25 - 35 có nhu cầu về nhà ở. Một khảo sát của Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM cho thấy, có khoảng 81.000 hộ gia đình, cá nhân đang sinh sống tại TP.HCM có nhu cầu mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội (NƠXH) giai đoạn 2016-2020. Trong các đối tượng khảo sát, thì 65-94% có nhu cầu thuê mua (mua trả góp dài hạn) NƠXH.
Trong khi đó, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, trong 2 năm qua, căn hộ có giá khoảng 2 tỷ đồng trở xuống và NƠXH hầu như vắng bóng trên thị trường TP.HCM. Một căn hộ trung cấp (2 phòng) cũng có giá khoảng 2,5 tỷ đồng (35 triệu đồng/m2) trở lên.
“Mức giá trên cao hơn khoảng 20 lần so với thu nhập trung bình của các hộ gia đình, cá nhân - vào khoảng 8-12 triệu đồng/tháng”, ông Châu nói.
Là một trong những nhà phát triển bất động sản hướng đến đối tượng khách hàng là người trẻ, ông Ngô Quang Phúc, CEO Phú Đông Group, chia sẻ việc mua được nhà đối với người trẻ lúc này thực sự rất khó. Do nguồn cung mới khan hiếm, nên tại nhiều dự án căn hộ trên thị trường thứ cấp, đặc biệt là với các dự án đã hoàn thiện hoặc sắp hoàn thành, giá không ngừng tăng.
Tháo gỡ những "nút thắt"
Thực tế, trong các năm vừa qua, lãnh đạo TP.HCM cũng đã có nhiều chính sách trong việc xây dựng các khu NƠXH, nhà ở cho người có thu nhập thấp. Tuy nhiên, với hàng loạt những bất cập còn tồn tại trong thời gian gần đây thì số lượng nhà ở được có thể đáp ứng được cho nhu cầu người lao động không khác gì “muối bỏ biển”.
Các chuyên gia cho rằng, nút thắt lớn nhất hiện nay chính là sự thiếu nhất quán trong chính sách phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp, các thủ tục hành chính còn chồng chéo rườm rà khiến cho nhiều dự án nhà ở vẫn còn “nằm trên giấy”. Bởi, hầu hết các dự án có vốn đầu tư lớn nhưng lại không dễ tiếp cận được nguồn vốn tín dụng, yếu tố rủi ro cao đã khiến các nhà đầu tư không mấy mặn mà.
Đồng quan điểm, theo ông Đỗ Viết Chiến, Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, điểm nghẽn lớn nhất là Nhà nước gần như chưa bố trí được nguồn ngân sách làm vốn mồi để thực hiện chính sách phát triển NƠXH. Tiếp đó là bất cập về việc chưa có quy hoạch khu vực riêng để lập dự án đầu tư xây dựng NƠXH cho thuê.
Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Lê Thành cho biết, xu hướng các gia đình trẻ, gia đình tách hộ... ngày càng tăng. Hơn nữa, Việt Nam có tốc độ đô thị hoá nhanh, ước tính khoảng 1 triệu dân cư đô thị mới tăng lên mỗi năm. Thế nhưng với các chủ đầu tư, việc thúc đẩy phát triển các dự án nhà ở giá rẻ hiện nay rất khó khăn, đặc biệt là loại hình NƠXH phục vụ nhu cầu của công nhân, cán bộ lao động có thu nhập thấp.
Để giải quyết bài toán cho người có thu nhập thấp được sở hữu nhà, ông Vũ Văn Phấn, nguyên Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho rằng, Nhà nước cần phải tạo ra các mô hình phát triển nhà ở tại các khu đô thị mới, các khu dân cư quy mô lớn tại các tỉnh giáp ranh TP.HCM.
Chính phủ đang triển khai Đề án phát triển nhà ở thương mại giá thấp với các cơ chế, chính sách ưu đãi, có mức giá căn hộ không quá 20 triệu đồng/m2 ở các tỉnh và không quá 22-25 triệu đồng/m2 ở các đô thị loại I, đô thị đặc biệt.
"Để có cơ chế mới cho nhà ở giá rẻ cần phải sửa luật và điều này đòi hỏi sẽ phải thông qua Quốc hội, nên trước mắt có thể sẽ chỉ xây dựng được ở mức hỗ trợ không quá nhiều. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa Nhà nước sẽ không triển khai, mà sẽ chỉ lùi lại thời hạn một chút", ông Phấn cho hay.