|
|
Các căn biệt thự được giới thiệu mang phong cách Nhật Bản tại dự án Ohara Villas & Resort. |
Báo Xây dựng vừa nhận được đơn của bà Nguyễn Thị Tình (thường trú tại tòa N01T2 chung cư Ngoại Giao Đoàn, phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) phản ánh việc Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư nghỉ dưỡng Việt Nhật (trụ sở công ty tại tầng 3 nhà D, khu Vinaconex 1, số 289A Khuất Duy Tiến, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) có nhiều khuất tất trong hoạt động kinh doanh.
Theo nội dung đơn thư, bà Tình cho biết: Trong vòng 15 năm, ông Nguyễn Thành Nam - Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư nghỉ dưỡng Việt Nhật tự mua gom đất của một số hộ cá nhân thuộc xóm Gò Bùi, xã Dân Hòa, huyện Kỳ Sơn, nay là xã Mông Hóa, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình để “vẽ” ra dự án với tên gọi Ohara Villas & Resort.
Từ năm 2017 đến năm 2019, ông Nam đã tổ chức nhiều cuộc Hội thảo bán các căn biệt thự Dự án Ohara Villas & Resort tại Khách sạn Marriott số 8 đường Đỗ Đức Dục, Mễ Trì, Từ Liêm, Hà Nội. Sau các buổi Hội thảo, Công ty đã ký hợp đồng dịch vụ với hàng trăm nhà đầu tư với tổng diện tích 10ha cùng 200 biệt thự từ 150m2 đến 300m2. Giá bán chia theo từng giai đoạn với mức giá từ 2 tỷ đến gần 3 tỷ đồng/căn. Với cam kết của chủ đầu tư là lợi nhuận 180 triệu đồng/năm cùng kế hoạch tặng thưởng tiền, vàng khi ký hợp đồng, ông Nam đã bán và thu lời hàng trăm tỷ đồng từ các khách hàng.
|
|
Hình ảnh Lễ ra mắt khu nghỉ dưỡng Ohara Villas & Resort. |
Dù đã thu tiền của các nhà đầu tư, nhưng đến nay Công ty Cổ phần đầu tư nghỉ dưỡng Việt Nhật vẫn chưa thực hiện được hợp đồng ký kết với khách hàng vì khu đất này chưa được cấp phép quy hoạch xây dựng khu nghỉ dưỡng.
Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Tình cho biết: Ông Nam không thể thi công xây dựng và cũng không thể xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các khách hàng được vì đất ông Nam mua phần lớn là đất trồng cây lâu năm, đất ở chỉ chiếm diện tích 50m2/căn và số diện tích đất ở ông Nam mua cũng chỉ được khoảng chục căn nhưng ông Nam đã cho bán số lượng khoảng trên 100 căn.
Ông Nam nói với các khách hàng rằng, ông dự tính sẽ xin chuyển đổi đất trồng cây lâu năm thành đất ở vì vậy việc làm của ông Nam đã bị kéo dài. Đã có hợp đồng chậm đến gần 1 năm và hơn 1 năm, nhưng ông Nam cũng không thể hoàn tất thủ tục cho các nhà đầu tư xây dựng, hoàn thiện và bàn giao sổ đỏ. Sau nhiều lần trao đổi với ông Nam, tôi đã xem lại hợp đồng dịch vụ mà ông Nam đã ký với các nhà đầu tư, trong hợp đồng ông Nam đã soạn thảo các điều khoản căn cứ theo luật hợp đồng số, các điều khoản, điều luật rất chung chung. Hợp đồng không đưa ra cho khách hàng là dự án được phê duyệt và cấp phép số bao nhiêu của cơ quan quản lý. Trong hợp đồng chỉ thể hiện rõ thông tin, địa chỉ cá nhân của khách hàng, nhưng không thể hiện đúng, đủ địa chỉ, thông tin cá nhân người đại diện công ty. Hợp đồng đưa ra những trách nhiệm cho nhà đầu tư, về phương thức thanh toán tài chính mà ông Nam đưa ra chỉ định thì nhà đầu tư không có quyền bàn bạc, hoặc thay đổi hình thức thanh toán. Ông Nam cho ký cam kết với khách hàng sẽ công chứng và bàn giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhà đầu tư chậm nhất vào tháng 12/2019. Nhưng đến nay đã bước sang tháng 12/2020, dự án Ohara Villas & Resort của ông Nam vẫn không làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các nhà đầu tư, chưa hoàn thiện xong nhà để giao cho khách hàng.
Trên thực tế, tôi được biết ông Nam mới thi công được 10 căn biệt thự song lập và đi vào thử nghiệm nhằm “che mắt” các nhà đầu tư là đã xong và sẽ sớm bàn giao cho khách hàng. Thời kỳ đầu, ông Nam thuê người làm Giám đốc ký dịch vụ với khách, xong đến tháng 8/2017 ông Nam đã chính thức nhận bàn giao công ty từ vị Giám đốc mà ông Nam đã thuê. Cũng từ đó, ông Nam đã ký và thu tiền dịch vụ của khách hàng, có khách mua thì ông Nam ký hợp đồng dịch vụ thu tiền, số sổ bán ra lại nhiều hơn so với số sổ mà ông Nam mua được từ các hộ cá nhân tại địa chỉ xóm Gò Bùi, xã Dân Hòa, huyện Kỳ Sơn, nay là xã Mông Hóa, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình. Tôi thiết nghĩ số tiền nhà đầu tư ký và đã nộp tiền cho ông Nam tại địa chỉ trên, dự án Ohara Villas & Resort bị chênh lệch diện tích mua vào thì ít bán ra thì nhiều hơn.
Tôi đã nhiều lần trao đổi với ông Nam, với số tiền ông Nam thu của khách hàng như vậy, tại sao ông Nam không xây dựng tiếp để trả hàng cho khách, thì ông Nam thẳng thắn trả lời không xây dựng được vì không xin được giấy phép chuyển đổi?
Tôi là khách hàng đã từng làm việc với ông Nam sau khi tôi được người thân ký hợp đồng ủy quyền cho tôi ngày 25/09/2019 số chứng thực: 00576.19 quyển số 01 – SCT/CK, CĐ tại phòng công chứng Vạn Xuân. Trong thời gian làm việc cung cấp lời khai với Công an quận Ba Đình, ông Nam biết không thể lừa dối hợp đồng dịch vụ căn của tôi nên đã khắc phục hoàn trả số tiền gốc mà chúng tôi đầu tư vào dự án. Sau thời gian đó, tôi được biết một số khách hàng khác cũng đầu tư vào dự án này và đã nộp số tiền từ 1 tỷ 300 triệu đồng - 1 tỷ 600 triệu đồng. Tổng số đã đầu tư trên 10 căn hộ, nhưng đến nay họ cũng chưa được nhận được nhà và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, bà Nguyễn Thị Tình chia sẻ: Các nhà đầu tư chúng tôi rất bức xúc khi ông Nguyễn Thành Nam – Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư nghỉ dưỡng Việt Nhật không thực hiện hợp đồng, né tránh, trây ì, có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư vào dự án. Chúng tôi đề nghị ông Nam phải trả lại toàn bộ số tiền hơn 100 tỷ đồng cho các khách hàng mà ông Nam đã ký hợp đồng.
Trước những phản ánh của người dân, đề nghị các cơ quan chức năng liên quan nhanh chóng điều tra, làm rõ dấu hiệu chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư tại dự án Ohara Villas & Resort.
Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục tìm hiểu và thông tin tới bạn đọc.