“Lách luật” huy động vốn trái phép?
Dự án Thịnh Gia Tower được giới thiệu do Công ty Thương mại và Tư vấn Ngọc Điền (Ruby Land) làm chủ đầu tư có địa chỉ tại quốc lộ 13, phường Tân Định, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương.
Theo giới thiệu, dự án có quy mô khoảng 1.000 căn hộ, với diện tích từ 43,2m2 - 67m2 với giá giao động từ 790 triệu đồng đến 1,2 tỷ đồng/căn hộ tương đương với giá từ 16 - 18 triệu đồng/m2.
Dự án Thịnh Gia Tower nằm sâu bên trong Khu đô thị Thịnh Gia, cách mặt tiền đường quốc lộ 13 khoảng 1km. Khu đất xây dựng dự án Thịnh Gia Tower thuộc giai đoạn 3 của dự án khu đô thị Thịnh Gia mở rộng.
|
|
Dự án Thịnh Gia Tower đến thời điểm giữa tháng 3/2020 vẫn là bãi đất trống. (Ảnh: Dân Việt). |
Chủ đầu tư dự án Thịnh Gia Tower là Ruby Land cùng các đơn vị phân được cho là đã tổ chức rao bán, huy động vốn, ký hợp đồng thu tiền từ hàng trăm khách hàng từ năm 2019. Thế nhưng, thời điểm giữa tháng 3/2020 tại khu vực dự án Thịnh Gia Tower vẫn chỉ là bãi đất trống.
Hơn nữa, dư luận càng ngỡ ngàng khi mới đây, Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương khẳng định với báo chí, Ruby Land mới chỉ được UBND tỉnh Bình Dương chấp thuận làm chủ đầu tư dự án tại văn bản số 2515/UBND-KTN ngày 8/6/2018 và được UBND thị xã Bến Cát phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 theo quy định.
Theo đó, tính đến ngày 3/8/2020, Công ty Ngọc Điền chưa được cấp có thẩm quyền chấp thuận đầu tư theo quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt, thẩm định công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình nhà ở, cấp phép xây dựng công trình,… theo quy định.
Ngoài ra, Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương cũng chưa có văn bản xác nhận chủ đầu tư dự án được huy động vốn cho phát triển nhà ở thương mại theo quy định.
Như vậy, việc chủ đầu tư và các đơn vị phân phối rao bán, huy động vốn tại dự án Thịnh Gia Tower giai đoạn 3 là trái với quy định.
|
|
Ruby Land cùng các đơn vị phân phối dự án Thịnh Gia Tower đã lách luật huy động vốn bằng hình thức "yêu cầu tư vấn" từ tháng 9/2019. (Ảnh: Dân Việt). |
Khách hàng đối mặt với nguy cơ rủi ro
Trong diễn biến liên quan, phản ánh đến báo Tiền Phong và các cơ quan chức năng, bà N.T.T.T (ngụ Bình Dương), là một trong số nạn nhân tại dự án Thịnh Gia giai đoạn 2 cho biết, bà mua căn nhà J3-14 thuộc dự án này với diện tích sàn xây dựng 62.8m2, diện tích sử dụng đất: 66m2; giá bán là 990 triệu đồng.
Từ ngày 16/3/2019 đến 29/7/2019, bà T. đóng tiền 400 triệu đồng theo quy định từng giai đoạn. Tuy nhiên, đến nay bà T. vẫn chưa được nhận nhà theo thỏa thuận với lý do chủ đầu tư đưa ra là Lock J13 ngừng xây dựng.
|
|
Dự án Thịnh Gia Tower nằm trong Khu đô thị Thịnh Gia. |
Từ đó, chủ đầu tư đưa ra 2 phương án giải quyết cho khách hàng. Phương án 1: Chủ đầu tư chuyển căn nhà J13-L4 (thuộc giai đoạn 2) sang giai đoạn 3 (ở nơi khác cũng chưa đủ pháp lý). Tuy nhiên, khách hàng phải đóng thêm tiền 300 triệu đồng vì cho rằng đất ở dự án giai đoạn 3 giá cao hơn giai đoạn 2.
Phương án 2: Chủ đầu tư trả lại tiền nhưng thanh toán thành nhiều đợt. “Cả hai phương án tôi đều không chấp nhận vì tôi không chịu bỏ thêm tiền để đi mua một dự án khác. Tiền họ đòi trả lại thấp hơn lãi suất rất nhiều. Tôi chỉ cần họ trả lại tiền và lãi theo ngân hàng nhưng họ không chịu”, bà T. nói.
Tương tự, ông T.N (một khách hàng mua đất tại dự án Thịnh Gia giai đoạn 2), cho biết nhận thấy dự án lùm xùm nên ông đến đòi lại tiền. “Tôi đến lấy lại tiền và muốn nhận 1 lần (400 triệu đồng) đã đóng nhưng họ không chịu. Chủ đầu tư nói do quá nhiều người đến lấy lại tiền cùng lúc nên phải chia tiền ra thành nhiều đợt mới đủ chi”, ông N. nói.
Liên quan đến dự án này, Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương cũng cho biết, khu đô thị Thịnh Gia giai đoạn 2 đã được cấp phép xây dựng nhưng chưa nghiệm thu.
Như vậy, dư luận cho rằng: Có phải Công ty Ngọc Điền chỉ biết đến lợi nhuận, thu được tiền của khách rồi muốn đẩy khách từ dự án này qua dự án khác đều chưa có pháp lý, mặc kệ rủi ro mà họ phải đối mặt?
Trước đó Công an tỉnh Bình Dương từng khuyến cáo, theo quy định hiện hành, các thể loại hợp đồng giữ chỗ, hợp đồng góp vốn, hợp đồng nguyên tắc, hợp đồng đặt chỗ… đều không có giá trị pháp lý và khi xảy ra sự cố như dự án không thể triển khai được thì người chịu thiệt hại chính là khách hàng.
Theo Công an tỉnh Bình Dương, có những chủ đầu tư huy động vốn trái phép bằng cách ký hợp đồng giữ chỗ, hợp đồng góp vốn với khách hàng để lấy kinh phí làm dự án. Tuy nhiên, khi dự án không được cơ quan chức năng cấp phép do chưa xây dựng cơ sở hạ tầng thì các chủ đầu tư này tìm đủ mọi cách để né tránh, thậm chí ôm tiền bỏ chạy khiến nhiều khách hàng lao đao.