leftcenterrightdel
Góc phía Nam của dự án nằm tại nút giao giữa đường Xuân La và ngõ 28 Xuân La. (Ảnh: Hoàng Huy). 

Ngày 4/7/2008, dự án Trung tâm thương mại, chợ, siêu thị, văn phòng cho thuê Xuân La (Chợ Xuân La) được UBND quận Tây Hồ phê duyệt kết quả đấu thầu đối với CTCP Xây dựng Sông Hồng (incomex, Mã: ICG).

Dự án Chợ Xuân La nằm tại phường Xuân La, Tây Hồ, thuộc qui hoạch phân khu A6 của TP Hà Nội. Phía đông của dự án tiếp giáp ngõ 28 Xuân La, phía Tây Nam giáp mặt đường Xuân La. Theo qui hoạch, khu đất này có chức năng đất công cộng đô thị.

Theo thông tin từ chủ đầu tư, dự án Chợ Xuân La có diện tích hơn hơn 0,2 ha, tổng mức đầu tư dự kiến 380 tỉ đồng.

Khu vực phường Xuân La hiện nay có nhiều khu dân cư. Riêng ngõ 28 Xuân La đã có đến ba tòa chung cư gồm tòa CT36 BQP, tòa nhà tái định cư C10 và chung cư nhà F Xuân La. Do đó, việc xây dựng Chợ Xuân La nhằm phục vụ người dân là điều cần thiết.

Tuy nhiên, sau hơn hơn một thập kỉ, dự án Chợ Xuân La vẫn chỉ là khu đất trống với hàng rào vây quanh.

Theo quan sát của người viết, hiện nay vỉa hè trên đường Xuân La đoạn mặt tiền dự án trở thành nơi đỗ xe và bãi tập kết rác thải. Về phía người dân phường Xuân La, để đáp ứng nhu cầu hàng ngày, UBND quận Tây Hồ đã bố trí cho các hộ kinh doanh họp chợ tạm tại ngõ 28 Xuân La.

leftcenterrightdel
Vỉa hè trên đường Xuân La đoạn mặt tiền dự án trở thành nơi đỗ xe và bãi tập kết rác thải. (Ảnh: Hoàng Huy). 


Từng muốn xin chuyển sang xây nhà ở xã hội

Việc dự án bị "treo" suốt hơn một thập kỉ đã ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống của người dân phường Xuân La. Trong các kì họp HĐND, cử tri quận Tây Hồ không ít lần phản ánh về sự việc này.

Nhìn vào các báo cáo thường niên của incomex từ năm 2012 đến 2019, có thể thấy dự án Chợ Xuân La đã trải qua khá nhiều thăng trầm.

Cụ thể, vào năm 2013, incomex từng có ý định xin giãn tiến độ nộp tiền sử dụng đất và đề nghị UBND TP Hà Nội cho chuyển đổi dự án Chợ Xuân La sang nhà ở xã hội.

Vào ngày 20/5/2013, UBND quận Tây Hồ đã đề nghị UBND TP Hà Nội xem xét hủy kết quả đấu thầu thực hiện dự án Chợ Xuân La do incomex chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính.

Trước tình hình này, vào năm 2014, công ty đã đề nghị thành phố cho phép chuyển đổi dự án sang mô hình chợ dân sinh (không xây dựng trung tâm thương mại, văn phòng, siêu thị), đồng thời xin quĩ đất đối ứng để bù đắp chi phí đầu tư ban đầu.

Dự án Chợ Xuân La 'treo' hơn chục năm, chủ đầu tư từng muốn xin xây nhà ở xã hội - Ảnh 3.
UBND quận Tây Hồ đã phải bố trí cho các hộ kinh doanh họp chợ tạm bên trong ngõ 28 Xuân La. (Ảnh: Hoàng Huy).

Từ năm 2014 đến 2016, incomex bắt đầu có ý định xem xét tái cơ cấu, chuyển nhượng dự án.

Đến năm 2017, UBND TP Hà Nội đã chấp thuận đề nghị của incomex, phê duyệt điều chỉnh qui mô của dự án Chợ Xuân La thành mô hình chợ dân sinh.

Mặc dù vậy, từ đó đến nay dự án vẫn chưa được triển khai do chưa được chấp thuận chủ trương đầu tư của thành phố.

Theo báo cáo mới đây của Sở Tài nguyên Môi trường TP Hà Nội, nguyên nhân đến nay dự án vẫn chưa được triển khai là do chủ đầu tư incomex chưa nộp nghĩa vụ tài chính khi trúng đấu giá là hơn 33 tỉ đồng và nghĩa vụ tài chính bổ sung là 20,6 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, một số dự án trên địa bàn TP Hà Nội có mô hình tương tự dự án Chợ Xuân La như Chợ Hàng Da, Chợ Cửa Nam... hiện nay không còn phù hợp. Chủ đầu tư đã xin điều chỉnh mục tiêu đầu tư dự án sang thành chợ dân sinh và đã được UBND TP Hà Nội chấp thuận.

Được biết, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội cũng đã có văn bản đề nghị chủ đầu tư hoàn thiện nghĩa vụ tài chính, đồng thời hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư, trình UBND TP Hà Nội phê duyệt, sớm thực hiện triển khai dự án.

leftcenterrightdel
 Bãi rác ngay mặt tiền dự án gây mất mĩ quan đô thị, ảnh hưởng môi trường khu vực. (Ảnh: Hoàng Huy).

Loạt dự án kéo dài của incomex
Về chủ đầu tư, CTCP Xây dựng Sông Hồng tiền thân là Chi nhánh tại Hà Nội của Tổng Công ty Xây dựng Sông Hồng, được thành lập ngày 14/6/1997, có trụ sở tại số 164 Lò Đúc, Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Tính đến ngày 30/6/2020, vốn điều lệ của công ty là 200 tỉ đồng. Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị của incomex là ông Phạm Hùng. Ngày 11/3/2009, công ty được niêm yết tại Trung tâm Giao dịch chứng khoán Hà Nội.

Về hoạt động kinh doanh, trong 6 tháng đầu năm nay, công ty chỉ đạt doanh thu 4 tỉ đồng, giảm 95% so với cùng kì năm trước. Dù vậy, công ty vẫn thu về khoản lãi 2,7 tỉ đồng, giảm 74% nhờ khoản thu nhập tài chính 10,5 tỉ đồng.

incomex cho biết, trong 6 tháng đầu năm đã chuyển nhượng một phần vốn của Công ty Cổ phần Xây dựng Sông Hồng tại Công ty Cổ phần Sản xuất và Thương mại Sao Mai từ sở hữu 79% vốn xuống 49% vốn và chuyển nhượng toàn bộ cổ phần vốn góp tại Công ty Cổ phần Điện lực Dầu khí Bắc Kạn.

Theo tìm hiểu, các dự án bất động sản của incomex tập trung ở địa bàn TP Hà Nội.

Bên cạnh dự án Chợ Xuân La, công ty này còn tham gia đầu tư dự án chung cư Northern Diamond ở Vĩnh Tuy; dự án cải tạo khu B Kim Liên; dự án cải tạo chung cư 135 Nguyễn Văn Cừ, Long Biên; chung cư Biển Bắc ở Ba Đình...

Điều đáng nói, một số dự án của công ty này cũng gặp phải tình cảnh ì ạch nhiều năm tương tự như Chợ Xuân La.

leftcenterrightdel
Bãi rác ngay mặt tiền dự án gây mất mĩ quan đô thị, ảnh hưởng môi trường khu vực. (Ảnh: Hoàng Huy). 

Đầu tiên là dự án tòa nhà hỗn hợp văn phòng và chung cư 1283 Giải Phóng, Hoàng Mai, được hợp tác đầu tư giữa incomex và CTCP Bao bì Việt Nam, qui mô 0,36 ha, tổng mức 430 tỉ đồng.

Được UBND TP Hà Nội chấp thuận đầu tư từ năm 2012, song tính đến ngày 30/6/2020, dự án 1283 Giải Phóng vẫn ở trong danh mục tài sản dở dang dài hạn với giá trị chỉ vỏn vẹn 20 triệu đồng.

Một dự án khác là dự án cải tạo khu B tập thể Kim Liên giai đoạn 2, tổng mức đầu tư 1.940 tỉ đồng. Tại báo cáo thường niên năm 2019, incomex cho biết dự án đang chờ UBND TP Hà Nội phê duyệt qui hoạch.

Tại báo cáo bán niên năm 2020, tổng tài sản dở dang dài hạn của incomex tính đến ngày 30/6 là hơn 19,8 tỉ đồng, trong đó chiếm tỉ trọng lớn nhất là dự án Chợ Xuân La (19,5 tỉ đồng).

Danh sách còn lại bao gồm dự án ở Hà Đông, dự án Kim Liên giai đoạn 2, dự án ở Đông Anh và dự án 1283 Giải Phóng.

Mới đây, Văn phòng Chính phủ vừa có công văn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu kiểm tra, xử lí thông tin phản ánh về hơn 300 dự án bỏ hoang ở Hà Nội.

Theo phản ánh, hiện Hà Nội có tới hơn 300 dự án "treo", "bỏ hoang" ở các địa bàn quận, huyện TP Hà Nội, khiến người dân sống trong vùng qui hoạch dự án gặp khó khăn, đặc biệt là gây lãng phí tài nguyên đất.

 

 

 


Theo Kinh tế & tiêu dùng
Nguồn
Link bài gốc

https://kinhtetieudung.phapluatxahoi.vn/du-an-cho-xuan-la-treo-hon-chuc-nam-van-la-khu-dat-trong-20200709115128593.htm