Dự án đầu tư xây dựng công trình Khu neo đậu tránh trú bão Lạch Thơi được triển khai tại các xã Sơn Hải, Quỳnh Ngọc và Quỳnh Thọ, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) với tổng giá trị đầu tiên lên đến hơn 115 tỷ đồng, sau đó hạ xuống còn 95,83 tỷ đồng.

UBND huyện Quỳnh Lưu là chủ đầu tư dự án với các hạng mục: Nạo vét lòng lạch; xây dựng biển báo tín hiệu; đê bao bãi thải và sửa chữa bến neo đậu tàu.

Dự án có tổng chiều dài nạo vét trên 4,3km (điểm đầu từ cửa lạch và điểm cuối là nhà thờ Song Ngọc); chiều rộng từ 15 - 45m, đáy luồng sâu từ 3,5 - 4m. Dự án còn bao gồm hai tuyến kè dài gần 1.000m để neo đậu tàu thuyền.

Được biết, Khu neo đậu tránh trú bão Lạch Thơi do Công ty TNHH Minh Quang có địa chỉ tại thị trấn Cầu Giát, huyện Quỳnh Lưu thi công và dự kiến hoàn thành vào tháng 12/2016. Nhưng đến ngày 10/1/2017, UBND tỉnh Nghệ An ký quyết định điều chỉnh, bổ sung một số hạng mục và gia hạn tiến độ, đến tháng 12/2017 dự án chính thức hoàn thành.

Ngày 18/11/2019, lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An đã ký quyết định phê duyệt quyết toán hạng mục dự án hoàn thành với tổng số tiền hơn 93 tỷ đồng. Trong khi đó, ông Lê Quang Huy, Giám đốc Công ty TNHH Minh Quang cho biết, hiện đơn vị đã được chủ đầu tư thanh toán hơn 58 tỷ đồng.

Khơi thông luồng lạch, nơi neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền là mục tiêu của dự án. Tuy nhiên, mới hoàn thành đưa vào sử dụng chưa lâu, nay tàu thuyền lớn ra vào Lạch Thơi tiếp tục "mắc cạn" như ban đầu.

leftcenterrightdel
 Tàu thuyền ra vào khu vực Lạch Thơi vẫn gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí mắc cạn (Ảnh: Quang Phong)

Theo phản ánh của ngư dân, tình trạng tàu thuyền mắc cạn mỗi khi ra vào Lạch Thơi vẫn diễn ra thường xuyên, khiến nhiều người không khỏi bức xúc, nghi ngờ quá trình thực hiện, nghiệm thu dự án!?

"Tháng 12/2017, dự án công bố hoàn thành, vậy nhưng tàu thuyền của chúng tôi ra vào lạch vẫn phải có thuyền nhỏ lai dắt, giá của mỗi lần như vậy khoảng 100.000 - 600.000 đồng. Riêng cửa lạch sau đợt mưa bão năm 2018 bị bồi lấp hoàn toàn nên hiệu quả dự án là một con số không", một ngư dân ở xã Sơn Hải cho biết.

Thực tế tại dự án này, trong 4 hạng mục được phê duyệt, chỉ có 2 hạng mục là nạo vét và xây dựng hệ thống biển báo được triển khai, 2 hạng mục còn lại không có vốn để thực hiện. Trong 2 hạng mục nói trên, hạng mục nạo vét chiếm phần lớn số vốn của dự án. Vậy nhưng, gần 1km cửa lạch đã bị cát, bùn, đất bồi lắp. Thậm chí, trong quá trình nạo vét đáy lạch, bùn đất được nhà thầu móc lên và đổ ngay vào 2 bên bờ.

Riêng hạng mục xây dựng hệ thống biển báo được chủ đầu tư triển khai thành 2 hàng, mỗi bên 27 cái với tổng 54 phao báo hiệu. Tuy nhiên, hiện tại trên thực tế chỉ còn gần 10 phao báo hiệu, trong đó có nhiều phao đã “mắc cạn”, hư hỏng và hết tác dụng.

leftcenterrightdel
 Lạch Thơi - Nơi triển khai dự án nạo vét "khủng" nhưng không phát huy hiệu quả (Ảnh: CANA)

Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Khanh, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Thọ cho biết: Do không hiệu quả trong khai thác, nên hiện nay số lượng tàu cá của xã đã giảm từ 15 xuống còn 10 chiếc với công suất khoảng 90CV.

"Riêng về tính hiệu quả của dự án này, tôi thấy không thực tế, bởi thời gian đầu thì được, nhưng sau một thời gian, lạch bị khỏa lấp một cách nhanh chóng. Nạo vét một đường nhưng giờ nó lại hình thành đường khác. Giờ, tàu muốn vào phải lai dắt hoặc phải đợi thủy triều lên mới vào được", báo Đại Đoàn Kết dẫn lời ông Khanh.

Còn ông Nguyễn Xuân Dinh, Giám đốc Ban QLDA huyện Quỳnh Lưu, thừa nhận: Tại Dự án Lạch Thơi có một phần không hiệu quả. Nguyên nhân được xác định là do cơn bão số 4 vào tháng 8/2018 đã bồi lấp luồng Lạch Thơi trở lại nguyên trạng sau hơn 8 tháng được nạo vét.

Một nguyên nhân nữa là đơn vị tư vấn thiết kế thiếu năng lực, không lường và nắm hết quá trình hình thành, biến đổi của dòng chảy ở Lạch Thơi.
Theo Hoàng Nhi/ An ninh tiền tệ & Truyền thông
Nguồn
Link bài gốc

http://antt.nguoiduatin.vn/don-vi-thi-cong-chiec-banh-ve-tram-ty-dong-o-nghe-an-la-ai-298869.htm