Từ bỏ dự án Dự án Riverine Cần Thơ City?
Tập đoàn CEO sẽ thoái toàn bộ phần vốn góp tại CTCP Đầu tư và Phát triển Nam Cần Thơ, chủ đầu tư khu đô thị mới Nam Cần Thơ, việc thực hiện sẽ diễn ra trước ngày 28/2/2021.
Ngày 24/12, HĐQT của Công ty Cổ phần Tập đoàn C.E.O (CEO Group, Mã: CEO) vừa có nghị quyết thông qua việc chuyển nhượng cổ phần tại Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Nam Cần Thơ.
Theo đó, CEO Group sẽ chuyển nhượng toàn bộ 9,9 triệu cổ phần tại CTCP Đầu tư và Phát triển Nam Cần Thơ, tương đương 99% vốn điều lệ của doanh nghiệp. Thời gian chuyển nhượng trước ngày 28/2/2021.
|
|
Theo Nghị quyết vừa được HĐQT thông qua, CEO Group sẽ thoái toàn bộ phần vốn góp tại CTCP Đầu tư và Phát triển Nam Cần Thơ. |
Việc CEO Group dự kiến sẽ thoái vốn khỏi Công ty Nam Cần Thơ cũng khiến nhiều người quan tâm đến dự án đặt câu hỏi, liệu có phải doanh nghiệp này sẽ từ bỏ dự có quy mô 2.655 tỷ này?
CTCP Đầu tư và Phát triển Nam Cần Thơ được thành lập ngày 19/7/2018, với số vốn điều lệ 100 tỷ đồng, Tổng Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của Công ty Nam Cần Thơ là ông Tạ Văn Tố. Doanh nghiệp có trụ sở tại khu đô thị mới Hưng Phú, phường Hưng Thạnh, quận Cái Răng, TP Cần Thơ.
Theo thông tin công bố trên Cổng thông tin điện tử TP Cần Thơ, vào tháng 12/2018, Công ty Nam Cần Thơ đã được UBND TP Cần Thơ duyệt chủ trương đầu tư dự án khu đô thị mới Nam Cần Thơ (Riverine Can Tho City) tại quận Cái Răng với quy mô gần 100 ha.
Theo đó, Khu đô thị mới Nam Cần Thơ được xây dựng với quy mô khu dân cư cao cấp, khu phức hợp văn phòng, thương mại, nghỉ dưỡng, giải trí đạt chuẩn quốc tế. Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 2.655 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2019 đến năm 2024.
Dự án Riverine Cần Thơ City khi hoàn thành được kỳ vọng sẽ xác lập hình ảnh khu đô thị hiện đại, năng động, hài hòa với cảnh quan tự nhiên và có cơ sở hạ tầng xã hội đạt tiêu chuẩn quốc tế, góp phần phát triển đô thị thành phố Cần Thơ xứng tầm là đô thị cửa ngõ vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Trên website của CEO Group, Riverine Cần Thơ City được giới thiệu có vị trí nằm bên dòng sông Hậu, bao gồm các sản phẩm khách sạn, Resort, Shophouse, Biệt thự, Liền kề, Nhà ở xã hội, tòa nhà hỗn hợp… Riverine Can Tho City không chỉ là khu đô thị hiện đại mà còn phát triển trở thành điểm đến nghỉ dưỡng cao cấp tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long…
Doanh thu sụt giảm mạnh, doanh nghiệp lỗ nặng
Báo cáo tài chính quý 3/2020 của CEO Group cho thấy, tại thời điểm ngày 30/9/2020, doanh nghiệp này đang nắm giữ 99% vốn điều lệ của Công ty Nam Cần Thơ.
Theo báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất quý 3, doanh thu thuần của CEO trong quý đạt 264 tỷ đồng, giảm 59% so với cùng kỳ. Doanh thu mảng kinh doanh chủ đạo là bất động sản ghi nhận giảm 60% thu về hơn 191 tỷ đồng. Doanh thu cung cấp dịch vụ cũng giảm 45% xuống hơn 72 tỷ đồng. Quý này, công ty không có doanh thu từ hoạt động thương mại.
Kết quả trong quý 3, lợi nhuận sau thuế của CEO Group giảm mạnh 86% so với cùng kỳ, ghi nhận hơn 7 tỷ đồng. Trong đó, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ là gần 16 tỷ đồng, giảm 59%. Theo giải trình của doanh nghiệp, LNST quy 3 giảm mạnh là do ảnh hưởng hưởng của dịch COVID-19, kéo theo doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ giảm.
Lũy kế từ đầu năm đến nay, CEO Group lỗ gần 103 tỉ đồng, trong khi cùng kì năm ngoái lãi hơn 435 tỉ đồng. Hết 9 tháng, doanh nghiệp chỉ tạo ra 682 tỉ đồng doanh thu, trong khi cùng kì ghi nhận hơn 3.166 tỉ đồng.
Được biết, theo như kế hoạch mà CEO Group đặt ra là đạt được doanh thu năm nay 3.000 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế 200 tỉ đồng.
|
|
Phối cảnh dự án khu đô thị mới Nam Cần Thơ. |
Đáng chú ý, tại ngày 30/9/2020, tổng tài sản giảm 6% so với thời điểm đầu năm, ghi nhận gần 7.543 tỷ đồng. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền giảm 16% so với hồi đầu năm, ghi nhận gần 170 tỷ đồng, chỉ chiếm 2,3% tổng tài sản. Khoản phải thu ngắn hạn cũng tăng lên 1.057 tỷ đồng.
Nợ phải trả của CEO Group đạt gần 3.999 tỷ đồng, chiếm tới 53% tổng tài sản và chiếm 113% vốn chủ sở hữu. Mặc dù nợ ngắn hạn giảm 22% so với đầu năm nhưng nợ dài hạn của công ty lại tăng hơn 200 tỷ, ở mức 1.934 tỷ đồng, cho thấy áp lực trả nợ rất căng thẳng nếu công ty không cân đối được nguồn tài chính kịp thời.
Trong khi đó, tính đến 30/9/2020, hàng tồn kho ở mức gần 795 tỷ đồng. Các công trình xây dựng cơ bản dở dang đang có số dư lớn nhất chính là dự án Sonasea Vân Đồn Harbor City (hơn 1.893 tỷ đồng), tiếp theo là chi phí xây dựng nhà tiện ích tại dự án Sonasea Villas& Resort 2 ( hơn 124 tỷ đồng). Kết thúc 9 tháng qua, chi phí xây dựng cơ bản dở dang tăng 20% so với hồi đầu năm, ghi nhận 2.094 tỷ đồng.
Ngoài ra, vay và nợ thuê tà chính của CEO Group cũng ghi nhận gần 2.280 tỷ đồng. Trong đó, chủ nợ lớn nhất của CEO Group là BIDV với hơn 1.385 tỷ đồng, bao gồm cả vay ngắn hạn và dài hạn.
Mặt khác, doanh nghiệp cũng đẩy mạnh phát hành trái phiếu để huy động vốn. Cụ thể, tháng 6/2020, CEO Vân Đồn (công ty con của CEO Group) huy động 220 tỷ đồng qua phát hành trái phiếu với lãi suất được áp dụng cho kỳ tính lãi đầu tiên là 10,5%/năm, các kỳ tiếp theo được tính theo lãi suất thả nổi và bằng lãi suất tham chiếu cộng 3,7%/năm. Đây là mức lãi suất được đánh giá rất cao trong bối cảnh công ty mẹ làm ăn thua lỗ.
Được biết, số tiền huy động này sẽ được CEO Vân Đồn sử dụng để thực hiện dự án đầu tư tại Khu liền kề 3 thuộc Dự án Khu tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng Sonasea Vân Đồn Harbor City - Phân khu 1 tại xã Hạ Long, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh.
Tập đoàn đã sử dụng thửa đất số 245 có diện tích 3,29 ha với giá trị định giá hơn 342 tỷ đồng (tương ứng hơn 10,4 triệu đồng/m2) để đảm bảo cho lô trái phiếu này.
Trước đó, năm 2019, đơn vị này đã phát hành 1.029 tỉ đồng trái phiếu. Tập đoàn cho biết đã sử dụng 20,4 tỉ đồng để góp vốn vào CTCP Xây dựng C.E.O và 405 tỉ đồng góp vốn vào CTCP Đầu tư & Phát triển du lịch Vân Đồn (chủ đầu tư Khu tổ hợp nghỉ dưỡng Sonasea Vân Đồn Harbour City.