Đồng thời, hãng này kiến nghị bộ GTVT xem xét điều chỉnh giá trần áp dụng từ 1/4/2022, cũng như chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất phương án cho phép hãng hàng không được thu phụ thu nhiên liệu cho các chặng bay nội địa.

Theo lý giải của Vietnam Airlines, mạng bay quốc tế thường lệ đi/đến Việt Nam "đóng băng" trong cả năm 2021, chỉ còn đối tượng khách chuyên gia hoặc công dân hồi hương. Tính chung cả năm, tổng thị trường quốc tế chỉ đạt gần 500 nghìn khách, bằng 1,4% so với trước đại dịch (2019).
leftcenterrightdel
 Vietnam Airlines kiến nghị miễn 100% thuế môi trường với nhiên liệu bay, nâng trần giá vé. Ảnh minh họa

Trong khi đó, tại thị trường nội địa, dịch bệnh bùng phát ở Việt Nam vào cao điểm Tết và cao điểm hè, nhu cầu đi lại của hành khách giảm mạnh. Tổng thị trường nội địa đạt khoảng 14,6 triệu khách, giảm 61% so với năm 2019.

Cùng với sự hồi phục của nền kinh tế, trong thời gian vừa qua, giá dầu không ngừng tăng nhanh, tương ứng với giá nhiên liệu bay Jet Al tăng từ mức trung bình khoảng gần 73 USD/thùng năm 2021 lên mức khoảng hơn 100 USD/thùng, tương ứng mức tăng 37%.

Trong bối cảnh hiện nay, “nhiều nguy cơ giá nhiên liệu bay Jet A1 sẽ tăng lên mức hơn 160 USD/thùng và không loại trừ những kịch bản xấu giá có thể còn tăng cao hơn nữa lên đến 200 USD/thùng”, văn bản Vietnam Airlines chỉ rõ.

Việc giá nhiên liệu này trung bình đầu tháng 3 đạt trên 130 USD/thùng đang khiến chi phí nhiên liệu của Vietnam Airlines tăng mạnh.

Vì vậy, lãnh đạo Vietnam Airlines kiến nghị miễn thuế bảo vệ môi trường, đồng thời khẳng định việc áp dụng miễn giảm 100% thuế bảo vệ môi trường cho các hãng hàng không trong năm 2022 là cần thiết. Trong trường hợp áp dụng chính sách này, Vietnam Airlines sẽ tiết giảm thêm được 600 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Vietnam Airlines cũng cho rằng, việc miễn thuế bảo vệ môi trường cần có thời gian nghiên cứu, đánh giá, đặc biệt là xác định và quy định các mức phụ thu theo các mức giá dầu để đảm bảo tính phù hợp, đúng nghĩa góp phần bù đắp kịp thời chi phí cho các hãng khi giá dầu tăng.

Vì vậy, hãng đề nghị, trước mắt, phương án sửa đổi quy định về giá trần sẽ khả thi và kịp thời hơn.

Phía Vietnam Airlines cho rằng, mức giá trần khung giá dịch vụ vận chuyển hàng không quy định tại Thông tư 17 áp dụng từ năm 2015 không còn phù hợp với tình hình đường bay nội địa.

Tổng cục Thống kê xác định việc điều chỉnh khung giá vận chuyển hàng không gần như không có tác động đến chỉ số giá tiêu dùng năm 2020. Trong trường hợp áp dụng chính sách này, Vietnam Airlines dự kiến năm 2022, hãng sẽ giảm lỗ được khoảng 170 tỷ đồng.

Việc điều chỉnh khung giá dịch vụ hành khách không có nghĩa là các hãng hàng không tăng giá vé bất hợp lý, mà sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hãng tiếp tục thực hiện chính sách giá vé linh hoạt.

"Từ đó, một mặt, có thể bù đắp chi phí tăng thêm do giá dầu tăng, mặt khác, có điều kiện cải thiện chất lượng dịch vụ tương xứng với giá vé cho đối tượng khách có khả năng chi trả cao, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng, đồng thời đảm bảo các quy định về giá bán hiện hành", văn bản kiến nghị của Vietnam Airlines nêu rõ.

Bạch Hiền
Nguồn Đời sống & Pháp luật
Link bài gốc

https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vietnam-airlines-xin-mien-100-thue-moi-truong-voi-xang-nang-tran-gia-ve-de-tiet-giam-khoang-770-ty-a531233.html