Như Tạp chí Trẻ em Việt Nam đã đưa tin, hôm qua (9/3), Hội Bảo vệ quyền Trẻ em Việt Nam (BVQTEVN) đã tổ chức lấy ý kiến tham gia của gần 80 học sinh tại điểm trường THCS Lương Yên (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) vào dự thảo Luật đất đai (sửa đổi). Sự kiện đã thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận.

Về vấn đề này, nhiều độc giả thắc mắc tại sao lại lấy ý kiến của trẻ em về một vấn đề mang tính vĩ mô, liệu các em đã đủ hiểu biết để tham gia ý kiến vào một dự thảo lớn như vậy?

Bên cạnh đó, một số ý kiến đồng thuận với việc lấy ý kiến trẻ em vào dự thảo Luật đất đai (sửa đổi), cho rằng: "Trẻ em là những chủ nhân tương lai của đất nước, lớn lên sẽ tự hào khi còn nhỏ đã được góp ý kiến xây dựng, sửa đổi Luật đất đai lần này".
leftcenterrightdel
Ông Hà Đình Bốn - Phó Chủ tịch Hội BVQTEVN, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Lao động -Thương binh & Xã hội) (Ảnh: Hoài Linh). 

Để làm rõ vấn đề trên, PV Tạp chí Trẻ em Việt Nam đã trao đổi với ông Hà Đình Bốn - Phó Chủ tịch Hội BVQTEVN, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội). Ông Hà Đình Bốn nhấn mạnh, việc tổ chức lấy ý kiến tham gia của trẻ em vào dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) là hoàn toàn đúng quy định pháp luật, cụ thể như sau:

"Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (Luật đã được Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam thông qua vào ngày 22/6/2015) tại Điều 76. Trình tự xem xét, thông qua dự án luật tại ba kỳ họp Quốc hội.

Quốc hội xem xét, thông qua dự án luật tại ba kỳ họp theo trình tự sau đây:

Khoản 2: Trong thời gian giữa kỳ họp thứ nhất và kỳ họp thứ hai của Quốc hội, việc nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật được thực hiện theo trình tự sau đây:

Điểm b) Tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về dự án luật theo quyết định của Ủy ban thường vụ Quốc hội (nếu có);

Khoản 3. Tại kỳ họp thứ hai:

Điểm a) Đại diện cơ quan, tổ chức, đại diện Quốc hội trình dự án luật trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, kết quả lấy ý kiến Nhân dân về dự án luật (nếu có)".

Phân tích thêm, Phó Chủ tịch Hội BVQTEVN cho biết, việc tổ chức lấy ý kiến tham gia của trẻ em vào dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) được thực hiện theo nghị quyết của Quốc hội về việc lấy ý kiến toàn dân về dự thảo Luật đất đai (sửa đổi).
leftcenterrightdel
Học sinh khối lớp 9 trường THCS Lương Yên tham gia buổi lấy ý kiến vào dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) ngày 9/3 (Ảnh: Hoài Linh). 

Căn cứ Luật Trẻ em 2016, Điều 34 quyền được bày tỏ ý kiến và hội họp có nêu rõ: "Trẻ em có quyền được bày tỏ ý kiến, nguyện vọng về các vấn đề liên quan đến trẻ em; được tự do hội họp theo quy định của pháp luật phù hợp với độ tuổi, mức độ trưởng thành và sự phát triển của trẻ em; được cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân lắng nghe, tiếp thu, phản hồi ý kiến, nguyện vọng chính đáng".

Điều 74, Luật Trẻ em 2016 nêu rõ:

"Điều 74. Phạm vi, hình thức trẻ em tham gia vào các vấn đề về trẻ em

Khoản 1. Các vấn đề sau đây về trẻ em hoặc liên quan đến trẻ em phải có sự tham gia của trẻ em hoặc tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em tùy theo độ tuổi của trẻ em:

Điểm a) Xây dựng và triển khai chương trình, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội".

Điều 76. Bảo đảm sự tham gia của trẻ em trong nhà trường và cơ sở giáo dục khác

"Nhà trường, cơ sở giáo dục khác có trách nhiệm sau đây:

Khoản 1. Tổ chức và tạo Điều kiện để trẻ em được tham gia các hoạt động Đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, câu lạc bộ, đội, nhóm của trẻ em trong nhà trường và cơ sở giáo dục khác; các hoạt động ngoại khóa, hoạt động xã hội;

Khoản 2. Cung cấp thông tin chính sách, pháp luật và quy định về giáo dục có liên quan đến học sinh; công khai thông tin về kế hoạch học tập và rèn luyện, chế độ nuôi dưỡng và các Khoản đóng góp theo quy định;

Khoản 3. Tạo Điều kiện để trẻ em được kiến nghị, bày tỏ ý kiến, nguyện vọng về chất lượng dạy và học; quyền, lợi ích chính đáng của trẻ em trong môi trường giáo dục và những vấn đề trẻ em quan tâm;

Khoản 4. Tiếp nhận ý kiến, kiến nghị, nguyện vọng của trẻ em, giải quyết theo phạm vi trách nhiệm được giao hoặc chuyển đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền để xem xét, giải quyết và thông báo kết quả giải quyết đến trẻ em.

Thực hiện quyền tham gia lấy ý kiến nguyện vọng của toàn dân, trong đó trẻ em cũng là một công dân, do đó không loại trừ đối tượng này, trẻ em cũng có quyền tham gia".

Tại Điều 92, Luật Trẻ em 2016 nêu rõ: "Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, ngoài việc thực hiện quy định tại Điều này có trách nhiệm tổ chức việc kết nối, thu thập thông tin, kiến nghị của các tổ chức xã hội và của trẻ em chuyển đến các cơ quan nhà nước để góp ý, tư vấn cho việc xây dựng và thực hiện chính sách, pháp luật về quyền trẻ em; tham gia giám sát thực hiện quyền trẻ em; phát biểu chính kiến và kiến nghị của Hội đối với các cơ quan nhà nước có liên quan về các vấn đề về trẻ em và việc vi phạm pháp luật về trẻ em".

“Do đó, Hội BVQTEVN đã phối hợp với Ban Giám hiệu trường THCS Lương Yên (Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), để tổ chức lấy ý kiến của trẻ em về những vấn đề có liên quan đến trẻ em là đúng theo các quy định của pháp luật và có sự đồng ý tổ chức, tham gia của BGH nhà trường cùng các cán bộ của Hội một cách công khai và minh bạch”, ông Hà Đình Bốn nhấn mạnh.
leftcenterrightdel
 Các em học sinh tham gia góp ý kiến vào dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) (Ảnh: Hoài Linh).

Phó Chủ tịch Hội BVQTEVN nói thêm: “Pháp luật đã quy định rất rõ ràng, tuy nhiên rất đáng tiếc, hiện nay, một số cá nhân trong đó có cả cán bộ, công chức vẫn hiểu chưa đầy đủ về quyền trẻ em. Họ vẫn nghĩ rằng, trẻ em biết gì mà tham gia. Căn cứ vào các bộ luật, quy phạm pháp luật, nếu không tổ chức lấy ý kiến của trẻ em là trái quy định của pháp luật, tước đi quyền tham gia của trẻ em.

Tuy nhiên, việc tham gia lấy ý kiến tùy theo lứa tuổi, các em học sinh được lấy ý kiến tham gia vào dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) sáng 9/3 tại trường THCS Lương Yên hiện là học sinh khối lớp 8, 9 đã có nhận thức, các câu hỏi cũng rất đơn giản, dễ hiểu. Do đó, việc thực hiện tổ chức lấy ý kiến tham gia của trẻ em vào dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) là đúng quy định pháp luật, phù hợp với chỉ đạo lấy ý kiến toàn dân, không trừ trường hợp nào của Quốc hội và Chính phủ”.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 16 chương, 236 điều được đưa ra lấy ý kiến nhân dân từ ngày 3/1/2023 kéo dài cho đến ngày 15/3/2023.

Đối tượng lấy ý kiến về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bao gồm: Các tầng lớp nhân dân ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài; các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương; Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội thành viên của MTTQ, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và các tổ chức kinh tế khác; các viện nghiên cứu, trường đại học và chuyên gia, nhà khoa học.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có nội dung liên quan đến nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội đó là trẻ em. Nhằm tạo điều kiện hơn nữa cho trẻ em đóng góp ý kiến của mình vào việc xây dựng các quy định về đất đai, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam tổ chức lấy ý kiến trẻ em về một số nội dung liên quan. Những ý kiến của các em sẽ được tổng hợp và gửi Ban soạn thảo Luật Đất đai…

Tuệ Anh
Nguồn Trẻ em Việt Nam
Link bài gốc

https://treemvietnam.net.vn/vi-sao-phai-lay-y-kien-tham-gia-cua-tre-em-ve-du-thao-luat-dat-dai-sua-doi-d2042.html