Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận vừa cho biết tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận dự kiến sẽ chính thức thu phí vào ngày 1/7 tới đây. Tuy nhiên, tuyến cao tốc này sẽ được thử nghiệm thu phí nhưng chưa thu tiền vào ngày 16/6, nhằm giúp các tài xế quen với cách vận hành trước khi thu phí chính thức.
leftcenterrightdel
 

Theo đó, mức đề xuất thu phí đường bộ tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 1 cao nhất lên đến 8.400 đồng/xe/km. Như vậy, phí cho xe đi toàn tuyến là từ 108.000 đồng đến 432.000 đồng tuỳ loại xe.

Dự kiến với chiều dài tuyến là 51,5 km, giá vé đối với xe ô tô dưới 12 ghế ngồi, xe tải dưới 2 tấn và các loại xe buýt vận tải khách công cộng là 2.100 đồng/xe/km. Với mức thu này, xe đi toàn tuyến là khoảng 108.000 đồng.

Xe ô tô từ 12 đến 30 ghế ngồi, xe tải từ 2 đến dưới 4 tấn là 3.000 đồng/xe/km. Xe đi toàn tuyến là 154.000 đồng/xe.

Đối với xe khách từ 31 ghế ngồi trở lên, xe tải từ 4 đến dưới 10 tấn có giá 3.700 đồng/xe/km. Xe đi toàn tuyến là 190.000 đồng/xe. Xe tải có tải trọng từ 10 đến dưới 18 tấn, xe chở hàng bằng container 20 feet là 6.000 đồng/xe/km cho xe đi toàn tuyến là 309.000 đồng/xe.

Đối với xe có tải trọng từ 18 tấn trở lên, xe chở hàng bằng container 40 feet có giá vé là 8.400 đồng/xe/km. Xe đi toàn tuyến là 432.000 đồng/xe.

Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận cũng cho biết tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận sẽ có thời gian thu phí hoàn vốn là 14 năm 8 tháng 12 ngày và cứ mỗi 3 năm sẽ được tăng giá vé thêm 15%.

Theo tìm hiểu của Phóng viên Tạp chí Sở hữu trí tuệ và Sáng tạo, dự án cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận chính thức được khởi công vào tháng 11/2009, ban đầu, dự án có quy mô mặt đường rộng 25,5 - 26,5m cho 4 làn xe chạy với vận tốc 120 km/h và có hai làn dừng xe khẩn cấp với tổng vốn đầu tư 19.000 tỷ đồng. Công trình dự kiến hoàn thành vào quý II/2013.

Tuy nhiên, do nhà đầu tư thiếu năng lực đã khiến dự án bị đình trệ, đến năm 2015, dự án được tái khởi động bởi liên danh 6 nhà đầu tư với mục tiêu hoàn thành vào quý II/2020. Lúc này dự án được thực hiện theo hình thức BOT, vốn đầu tư được điều chỉnh xuống 14.678 tỷ đồng. Đến năm 2017, tổng mức đầu tư dự án được điều chỉnh giảm còn 9.668 tỷ đồng.

Với việc dự án bị kéo dài, tính đến tháng 3/2019, khối lượng công việc mới chỉ được khoảng 10%. Để đẩy nhanh tiến độ, Thường trực Chính phủ giao cho UBND tỉnh Tiền Giang làm đại diện cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền dự án thay cho Bộ GTVT.

Đồng thời, Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả được liên danh các nhà đầu tư mời chủ trì giải quyết những tồn đọng và chịu trách nhiệm thi công dự án. Theo đó, tổng mức đầu tư dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận lúc này được điều chỉnh tăng lên 12.668 tỷ đồng và được đầu tư theo hình thức hợp tác công - tư (PPP), trong đó, vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ là 2.186 tỷ đồng, còn lại là vốn BOT.

Trước đó, ngày 27/4, tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận dài 51km cũng chính thức được khánh thành sau 13 năm khởi công. Tuyến đường đưa vào sử dụng giúp đường về miền Tây bớt kẹt xe, đặc biệt, rút ngắn thời gian TP.HCM đi Mỹ Thuận từ 3 tiếng xuống còn 1 tiếng 45 phút.

Lý Tuấn
Nguồn Sở hữu trí tuệ
Link bài gốc

https://sohuutritue.net.vn/tuyen-cao-toc-trung-luong-my-thuan-du-kien-thu-phi-cao-nhat-moi-luot-432000-dong-xe-d144030.html