Cha mẹ lo lắng về nguồn gốc thực phẩm tại trường học

Khi thông tin về vụ việc hàng trăm học sinh tại trường Ischool Nha Trang bị ngộ độc được đăng tải, trên truyền thông, mạng xã hội, đã ghi nhận nhiều ý kiến từ phía phụ huynh. Hầu hết các bậc cha mẹ đều thể hiện sự bức xúc trước thực trạng đó.

Một phụ huynh có tài khoản Facebook Thanh Trinh bức xúc: “Nhiều năm nay tôi thấy không ít ngôi trường trong ngành giáo dục coi chuyện “bữa ăn của trẻ” không khác gì chuyện "thâm cung bí sử", bí mật. Hiếm thấy nơi nào công khai hình ảnh, chất lượng món ăn của trẻ lên website trường. Các trường đó phải thế nào, bữa ăn phải ra sao thì mới thậm thụt, thụt thò tảng lờ như thế”.

Vấn nạn thực phẩm bẩn tại trường học đã khiến nhiều bậc phụ huynh không dám tin tưởng gửi gắm con mình sử dụng bữa trưa tại trường.

Đảm bảo quy trình nghiêm ngặt theo quy định của Bộ Y tế

Liên quan đến vấn đề này, trong quá trình thực hiện chuyên đề Bếp ăn học đường, PV Tạp chí Trẻ em Việt Nam đã có những trao đổi với cô Nguyễn Thị Hường - Hiệu trưởng trường mầm non STEAMe GARTEN (Hào Nam, Hà Nội) về nguồn cung cấp thực phẩm của trường.

Cô cho biết, nhà trường lấy nguồn cung cấp thực phẩm sạch của công ty TNHH Nông nghiệp Thủ Đô. Đơn vị cung cấp này đảm bảo về hồ sơ pháp lý, có nguồn gốc thực phẩm rõ ràng, đặc biệt là đã được sự kiểm tra phê duyệt của các cơ quan chức năng.
leftcenterrightdel
 Các em học sinh xếp hàng, tự nhận suất ăn của mình.

Bên cạnh đó, trong quá trình sử dụng chất lượng sản phẩm đảm bảo yêu cầu, thực phẩm tươi ngon, đầy đủ, trường hợp đổi trả thực phẩm hỏng do quá trình vận chuyển không xảy ra quá nhiều, quy trình giao nhận thực phẩm phải đảm bảo theo đúng yêu cầu.

Trả lời PV về vấn đề kiểm soát, quản lý các nguyên liệu đầu vào, cô chia sẻ: “Nhà trường chúng tôi có đầy đủ sổ ghi chép việc nhập các nguyên liệu thực phẩm: Sổ kiểm thực ba bước, sổ nhập kho, sổ xuất kho, các hóa đơn mua hàng, bản công khai tài chính.

Đặc biệt, nhà trường thực hiện công tác lưu mẫu thực phẩm 24h theo đúng quy trình của Bộ Y tế”.
leftcenterrightdel
 Hình ảnh các em học sinh ăn trưa tại trường (Ảnh: Nhà trường cung cấp).

Đào tạo định kỳ để nâng cao tay nghề chuyên môn cho đội ngũ bếp

Hiện nay, nhà trường sử dụng hệ thống bếp từ an toàn phòng chống cháy nổ, có hệ thống tủ nấu cơm, tủ hấp sấy chuyên dụng, tủ cấp đông để đảm bảo thực phẩm được bảo quản trong điều kiện tốt nhất.

Khu vực chế biến của trường thực hiện đúng theo nguyên tắc một chiều nhất định. Tất cả các hoạt động diễn ra theo đúng thứ tự: Nguyên liệu đầu vào, sơ chế, lưu trữ, nấu nướng, chia đồ, phục vụ, dọn rửa vệ sinh phải tuân theo một chiều. Thực phẩm sống và chín không được lẫn lộn với nhau.

Bên cạnh đó, trường sẽ có một bộ phận giám sát của toàn hệ thống các trường theo dõi toàn bộ quy trình nấu ăn qua camera trong bếp.

Ngoài ra, khi thực phẩm được đưa xuống cửa mỗi lớp học, cô giáo phải theo dõi, giám sát quá trình xem tất cả các đồ ăn đã đủ nắp đậy chưa, có đảm bảo quy trình an toàn thực phẩm không, có đảm bảo độ nóng không, phụ bếp khi mang đồ ăn xuống sẽ cân lại định lượng thức ăn xem đã đúng với sĩ số học sinh hôm đó chưa. Khi đạt đủ các yêu cầu trên thì giáo viên mới nhận và ký vào sổ ghi chép.
leftcenterrightdel
 Phụ bếp, giáo viên đều phải đảm bảo có đầy đủ khẩu trang trong quá trình giao nhận thực phẩm thực hiện trước cửa mỗi lớp học (Ảnh: Nhà trường cung cấp).

Đối với đội ngũ bếp phải được đào tạo trực tiếp định kỳ để nâng cao tay nghề chuyên môn và thường xuyên cập nhật những kiến thức mới về an toàn thực phẩm.

Ngoài ra, các đầu bếp khi đứng bếp phải trang bị đồ bảo hộ, đồng phục, mũ, găng tay khẩu trang có màn chắn trong quá trình chế biến.

Nhà trường có bản cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm và chứng nhận kiến thức an toàn thực phẩm cho cán bộ, giáo viên, nhân viên. Thêm nữa, trường cũng tổ chức họp chuyên môn bếp một tháng 2 lần và tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho nhân viên tổ nuôi và toàn bộ cán bộ, giáo viên, nhân viên hằng năm.

Bữa ăn được tính khẩu phần cân đối dinh dưỡng theo từng độ tuổi

Tại đây, học sinh ăn bán trú sẽ được ăn 5 bữa: Bữa sáng, bữa phụ sáng, bữa trưa, bữa chính chiều, bữa phụ chiều.

Bên cạnh đó, phụ huynh của nhà trường rất quan tâm đến những bữa ăn của trẻ, do đó thực đơn sẽ được giáo viên gửi công khai trong nhóm phụ huynh của lớp hàng tuần, và phụ huynh có thể góp ý xây dựng cho thực đơn của nhà trường.

Trên thực tế, trường cũng đã nhận được những góp ý thay đổi thực đơn làm sao cho phù hợp với các con hơn.
leftcenterrightdel
 Thực đơn của các bé luôn được dán ở mục "Thông tin phụ huynh" ở trước cửa mỗi lớp học và ghi rõ bữa ăn sẽ cung cấp bao nhiêu chất đạm, chất béo, chất bột để phụ huynh khi đưa đón con em mình có thể theo dõi (Ảnh: Hương Giang).

Chia sẻ về bữa ăn hàng ngày của các em nhỏ, cô cho biết, thực đơn có sự thay đổi theo từng ngày, từng tuần, theo tháng và theo mùa.

Với mùa hè nóng thì cần cung cấp thực phẩm có tính hàn, mát, nhiều nước, các loại nước ép trái cây. Mùa đông lạnh tăng cường các thực phẩm ấm, nóng, xào, nấu. Khi chế biến thức ăn nên băm nhỏ thái miếng đối với các nhóm lớp lớn, và xay nhỏ với lứa tuổi nhỏ.
leftcenterrightdel
 Trên thực đơn ghi rõ sẽ cung cấp bao nhiêu chất đạm, chất béo, chất bột để bố mẹ nào quan tâm đến dinh dưỡng của con có thể theo dõi (Ảnh: Hương Giang).

Các bữa ăn được tính khẩu phần cân đối dinh dưỡng theo từng độ tuổi và được xây dựng dựa trên nguyên tắc làm thế nào để đảm bảo đủ các nhóm chất dinh dưỡng cho trẻ.

Ngoài ra, trường cũng có thực đơn ăn kiêng sẽ do các y tá trong phòng Y tế phụ trách. Các lưu ý về việc con mình bị dị ứng với thức ăn nào, ngày hôm đó con bị lạnh bụng không ăn được đồ tanh, hay con đang bị tiêu chảy,... sẽ được các phụ huynh điền vào danh sách đó mỗi buổi sáng khi đưa đón con đến trường.

Từ đó, các cô giáo sẽ đặc biệt theo dõi đến các em nhỏ hơn và phòng bếp sẽ chuẩn bị những món ăn riêng phù hợp với các bé để đảm bảo sức khoẻ.

Khi xây dựng thực đơn, nhà trường dựa trên những nguyên tắc sau:

Đảm bảo khẩu phần đáp ứng đủ nhu cầu về năng lượng và các chất dinh dưỡng cần thiết.

Đảm bảo tỉ lệ cân đối giữa các chất sinh năng lượng. Cân đối giữa tỉ lệ đạm động vật và thực vật, mỡ động vật và thực vật, cân đối các loại vitamin và chất khoáng.

Đảm bảo khẩu phần của trẻ ở trường mầm non chiếm 60-70% khẩu phần ăn cả ngày, mẫu giáo chiếm 50-60% khẩu phần cả ngày. Trong đó: Bữa trưa 30-35%, bữa chiều 25- 30% bữa phụ bằng ½ bữa chính.

Ngoài ra để thực đơn được phong phú và hấp dẫn đối với trẻ, trường xây dựng thay đổi với những món ăn theo vùng miền, hội nhập quốc tế những món Á, Âu. Tất cả các món đều được trang trí và trình bày hấp dẫn để thu hút trẻ.

Việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm bếp ăn bán trú cũng như bữa ăn cung cấp đầy đủ dinh dưỡng và an toàn cho trẻ tại trường luôn được các bậc phụ huynh quan tâm.

Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn số 6141/BGDĐT-GDTC gửi Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường chỉ đạo công tác bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục.

Với định hướng trao gửi giá trị nhân văn, mang đến những bài viết có ý nghĩa tích cực, Tạp chí Trẻ em Việt Nam đã triển khai chuyên đề đặc biệt Bếp ăn học đường với mục tiêu phản ánh công khai, minh bạch chất lượng những bữa ăn của con trẻ, tôn vinh các điển hình, mô hình tốt, sáng tạo về bữa ăn cho trẻ em, học sinh.

Tạp chí Trẻ em Việt Nam kính mong Quý đơn vị phối hợp cung cấp thông tin với nội dung bao gồm: Nguồn cung cấp thực phẩm; Tên các nhà cung cấp thực phẩm; Sổ ghi chép khi tiếp nhận thực phẩm; Điều kiện bếp ăn của trường (giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm; giấy khám sức khỏe định kỳ theo quy định pháp luật của các nhân viên cấp dưỡng,…); Hình ảnh bữa ăn học đường...

Hương Giang
Nguồn Trẻ em Việt Nam
Link bài gốc

https://treemvietnam.net.vn/truong-mam-non-o-ha-noi-dan-thuc-don-cong-khai-truoc-cua-lop-hoc-d1382.html