Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2/2021, lãnh đạo Bộ Tài Chính đã lên tiếng về các gói hỗ trợ miễn giảm thuế, phí cho doanh nghiệp do ảnh hưởng dịch COVID-19.

leftcenterrightdel
 Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về kiến nghị của một số doanh nghiệp được miễn, giảm một số loại thuế, phí thay vì "giãn, hoãn" việc đóng thuế, Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn cho biết, năm 2020, trước ảnh hưởng của dịch bệnh, để thực hiện mục tiêu kép, Bộ Tài chính đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành trình Chính phủ thực hiện nhiều chính sách tài khóa, trong đó có các chính sách về thuế, phí như gia hạn, miễn, giảm các loại thuế để hỗ trợ các doanh nghiệp.

Cụ thể, năm 2020, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 5 nghị định, 1 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, trình Chính phủ để trình Quốc hội, UBTVQH ban hành 2 nghị quyết của Quốc hội, 2 nghị quyết của UBTVQH.

Đồng thời, theo thẩm quyền, Bộ Tài chính đã sửa đổi 31 thông tư về thuế, phí, lệ phí theo hướng gia hạn, miễn giảm các mức thu của nhiều khoản thuế, phí, lệ phí có hiệu lực đến hết năm 2020.

Cuối năm 2020, trước tình hình dịch COVID-19 có những diễn biến phức tạp, Bộ Tài chính đã chủ động đề xuất gia hạn và điều chỉnh giảm mức thu của 29 loại thuế, phí, lệ phí với mức giảm từ 50% đến 100% đến hết ngày 30/6/2021, đồng thời cũng đã trình UBTVQH tiếp tục giảm 30% thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay trong năm 2021 để hỗ trợ các doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng không.

Trong năm 2021, Bộ Tài chính cũng đã ban hành Thông tư 12/2021/TT-BTC quy định mức thu, khai, nộp phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt để giảm 50% phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

"Bộ cũng trình Chính phủ cho phép tính vào chi phí khấu trừ của doanh nghiệp đối với các chi phí ủng hộ, hỗ trợ theo hoạt động phòng chống dịch COVID-19 để xác định thuế thu nhập doanh nghiệp" - Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết.

Trong giai đoạn hiện nay, Bộ đang chủ động tổng kết, đánh giá việc thực hiện các giải pháp đã ban hành trong thời gian vừa qua để tiếp tục có những đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền các giải pháp về thuế, phí, chính sách tài khóa để thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ, đảm bảo các cân đối vĩ mô của nền kinh tế.

Được biết, trong báo cáo hôm 1/3, Bộ Tài chính đang trình thông qua chính sách giãn, hoãn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Dự kiến số tiền thuế, tiền thuê đất được gia hạn khoảng 115.000 tỷ đồng. Cụ thể, gia hạn thuế giá trị gia tăng (GTGT) trong 05 tháng đối với số thuế GTGT phải nộp từ tháng 1 đến tháng 6/2021 khoảng 68.800 tỷ đồng; gia hạn thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) tạm nộp quý 1, quý 2 của kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2021 trong 03 tháng khoảng 40.500 tỷ đồng; gia hạn thuế GTGT và thuế thu nhập cá nhân (TNCN) của hộ, cá nhân kinh doanh đến trước ngày 31/12/2021 khoảng 1.300 tỷ đồng; gia hạn tiền thuê đất phải nộp kỳ đầu năm 2021 trong 06 tháng khoảng 4.400 tỷ đồng. Bộ Tài chính đã trình Chính phủ giao cho Bộ Tài chính xây dựng Nghị định theo trình tự thủ tục rút gọn, theo đó Nghị định sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Hay như quy định cho phép được tính vào chi phí được trừ của doanh nghiệp, tổ chức các khoản chi ủng hộ, tài trợ cho các hoạt động phòng, chống dịch bệnh COVID-19 khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định tại khoản 8, Điều 3, Nghị quyết số 128/2020/QH14 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2021.

Theo quan điểm của chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung, 'khó khăn chồng khó khăn", "thiệt hại chồng thiệt hại" là tình cảnh mà rất nhiều doanh nghiệp đang phải đối mặt khi đợt dịch COVID-19 bùng phát trở lại.

"Đối với chính sách miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, ở thời điểm này, tôi nghĩ sẽ không có nhiều ý nghĩa như năm 2020 bởi thực tế là doanh nghiệp đã không có thu nhập sau 1 năm khó khăn vì COVID-19.

Tuy nhiên, giảm thuế VAT có thể sẽ có tác động trong việc kích thích tiêu dùng, từ đó gia tăng tổng cầu cho nền kinh tế, thúc đẩy hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Song vấn đề cần cân nhắc là sức chịu đựng của ngân sách nhà nước khi nguồn thu từ VAT vốn chiếm tỷ trọng khá cao trong cơ cấu thu ngân sách của chúng ta bao năm qua sẽ sụt giảm đáng kể", vị chuyên gia đề xuất.

Cúc Phương

Nguồn Đất Việt
Link bài gốc

https://datviet.trithuccuocsong.vn/kinh-te/doanh-nghiep/se-mien-giam-thue-phi-them-cho-doanh-nghiep-3428434/