Sau 3 năm tiến hành nghiên cứu, Tiến sĩ Niloufar Sharif đã xây dựng thành công 1 hệ thống cảm biến từ các ống cacbon siêu nhỏ bằng công nghệ nano. Loại cảm biến này có khả năng nhận biết các dấu hiệu thực phẩm bị hỏng theo thời gian thực.
Các cảm biến được tích hợp vào bao bì thực phẩm và sẽ phản ứng khi thực phẩm không còn dùng được nữa. Sau đó, chúng sẽ chuyển hóa thông tin và hiển thị trên bao bì theo dạng dấu hiệu mà người tiêu dùng có thể đọc được.
Các loại thực phẩm khác nhau sẽ phân hủy theo những cách không giống nhau, với tỷ lệ khác nhau và trong các điều kiện khác nhau, chẳng hạn như ánh sáng và độ ẩm. Tiến sĩ Sharif tin rằng các cảm biến mà nhóm của bà đang nghiên cứu có thể phản ứng với một số loại khí trong quá trình vi khuẩn hoặc nấm hoạt động trên thực phẩm.
Một trong những cách mà cảm biến này hoạt động là đo nồng độ pH của thực phẩm để cảnh báo mức độ phân hủy của sản phẩm được tiếp xúc trực tiếp. Được biết, thực phẩm an toàn để sử dụng có độ pH là 7, nếu độ pH này thay đổi, cảm biến sẽ cảnh báo cho người quản lý hoặc các cửa hàng phân phối thực phẩm bằng các nhãn màu.
Nghiên cứu của Tiến sĩ Sharif đã được chọn là một phần của "Sáng kiến lương thực tương lai" - một phần trong chuỗi dự án mở rộng nghiên cứu và giáo duc trong lính vực thực phẩm và dinh dưỡng tại đất nước này.
Hiện Tiến sĩ Sharif đang thiết lập phòng thí nghiệm cho giai đoạn đầu tiên trong 3 giai đoạn của dự án: Thử nghiệm cảm biến với các loại khí khác nhau, tích hợp cảm biến vào vật liệu đóng gói và thử nghiệm trên thực phẩm thực tế.
Tương tự như nghiên cứu của Tiến sĩ Niloufar Sharif, giáo sư Cornelia Gabriela Palivan và giáo sư Ozana Fischer tại khoa hóa học của Đại học Basel (Thụy Sĩ) cũng đang phát triển các bề mặt thủy tinh nhỏ tích hợp trên đó những viên nang hình con nhộng siêu nhỏ giúp giám sát mức độ tươi mới của thực phẩm.
Tùy thuộc vào mục đích sử dụng, người ta có thể đổ vào những con nhộng này các hợp chất khác nhau. Với đường kính chỉ khoảng 100 nanomet, những con nhộng này mỏng hơn tóc người 1.000 lần.
Các bao bì dựa trên công nghệ con nhộng siêu nhỏ này sẽ có nhãn dán hình vuông kích thước khoảng 0,5cm, hoạt động như "tín hiệu đèn giao thông" để biểu thị độ tươi mới của thực phẩm. Khi nhãn dán này có màu xanh, nghĩa là thực phẩm bên trong chưa hỏng và ngược lại khi nhãn dán có màu đỏ, đó là sự cảnh báo đối với người tiêu dùng.
Karin Spori, giám đốc điều hành Foodwaste.ch, một tổ chức phi lợi nhuận tại Thụy Sĩ, tin rằng các nhà sản xuất có thể sẽ áp dụng các công nghệ trên nếu chính quyền yêu cầu. Tuy nhiên, người tiêu dùng có thể sẽ khá miễn cưỡng.
"Bao bì thông minh sẽ không giúp chúng ta trở nên thông minh hơn nếu chúng ta không biết cách sắp xếp thực phẩm cho hợp lý", bà Spori chia sẻ.