Quản lý kiểu “thầy bói xem voi”

Dọc sông Đồng Nai theo tỉnh lộ 721, đoạn qua huyện Cát Tiên (Lâm Đồng) và và tỉnh lộ 755 đi qua huyện Bù Đăng (Bình Phước) mới thấy rợn người trước hiểm họa hút cát lậu nơi đây. Dưới sông, ngay dưới chân cầu treo Phước Cát (nối Lâm Đồng với huyện Bù Đăng – Bình Phước) là hàng chục xà lan lớn nhỏ nằm kín bãi hai bên. Dọc đoạn sông dài hàng chục cây số, không ít ghe vẫn nhởn nhơ mò hút.

leftcenterrightdel
 Hàng chục bãi cát nằm sát tỉnh lộ 721 và 755 như thách thức dư luận.

leftcenterrightdel
 

leftcenterrightdel
 

leftcenterrightdel
 

Hai bên bờ sông cảnh tượng mới kinh hoàng, hàng chục điểm sạt sở, không chỗ nào mà màu đất đỏ không phơi ra. Có những đoạn hàng chục mét, dòng nước khoét sâu vào đất. Trên bờ, hàng chục bãi cát lậu bên bờ phía Bình Phước (ĐT 755 qua hai xã Đăng Hà, Thống Nhất, huyện Bù Đăng) nhiều bãi cát lậu rộng như sân vận động.

Dễ dàng điểm danh hàng chục xã nơi con sông chảy qua 3 tỉnh có nạn khai thác cát hoành hành: các xã Núi Tượng, Tà Lài, Đắc Lua (huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai) các huyện Đạ Tẻh, Phước Cát 1 – 2 (huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng) và các xã Đăng Hà, Thống Nhất (huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước).

Ngày 6/8/2020, Báo Pháp luật Việt Nam (PLVN) có đăng bài phản ánh việc Bí thư xã Núi Tượng (huyện Tân Phú) cho thuê đất làm bãi cát không phép. Sau khi báo đăng, các cơ quan chức năng, trong đó có Phòng Tài nguyên và môi trường mới vào cuộc đi kiểm tra. Kết quả phát hiện bãi tập kết cát khoảng 200m3, vì thuận tiện giao thông nên đơn vị khai thác thuê luôn đất trống nhà Bí thư xã làm bãi bơm cát từ sông lên. Một điều khó hiểu là một bãi cát có dấu hiệu “lậu” tồn tại nhiều ngày và nằm ngay tại ngã ba trung tâm xã nhưng không ai thấy. Báo đăng xong, chính quyền mới vội vã đi “khắc phục sai sót” bằng cách xử phạt, buộc đóng cửa…

Rộng hơn, trên đoạn sông Đồng Nai đi qua huyện Tân Phú, theo tìm hiểu của chúng tôi, các điểm khai thác cát lậu đếm trên mười đầu ngón tay không đủ, nhưng dường như, chính quyền địa phương cũng không biết. Điều này chỉ thể lý giải: cơ quan quản lý thiếu trách nhiệm nên đã bị cát lậu “qua mặt”; hoặc biết nhưng làm ngơ cho những kẻ phạm pháp vì lợi ích. Nó giống như chuyện ông Bí thư xã Núi Tượng bất chấp pháp luật, khi cho thuê đất bơm cát trái phép.

Lỗ hổng cấp phép

Một thực tế bấy lâu nay, mạnh tỉnh nào, tỉnh nấy cấp phép khai thác cát. Con sông Đồng Nai là địa giới hành chính các tỉnh. Thành thử, Lâm Đồng cấp phép nửa sông phía mình, Đồng Nai cũng vậy. Thực tế, khúc sông thượng nguồn dài hàng chục km nhỏ hẹp, nước chảy siết, lòng sông như lòng chảo nên việc cấp phép – khai thác nửa dòng sông chẳng khác nào làm trò đùa cho thiên hạ.

Với những đối tượng khai thác cát, tàu hút đứng phía Đồng Nai vẫn thoải mái chọc sào qua Lâm Đồng hút mà chẳng ai có thể kiểm soát. Các ghe cát lậu, khi phát hiện có lực lượng kiểm tra, phía Lâm Đồng, chỉ cần đẩy tàu sang phần đất Bình Phước là an toàn. Cộng với địa hình hiểm trở, phương tiện đường thủy thiếu thốn nên địa phương nào dù muốn “kiên quyết” “triệt để” với cát lậu cũng lực bất tòng tâm.

Chính việc cấp phép cứng nhắc, bất cập vô hình chung là mảnh đất dung dưỡng cho nạn cát tặc. Theo thống kê, chỉ 4/44 phương tiện bơm hút cát có đăng ký. Vậy, hầu hết là tàu ghe hút cát lậu. Một cán bộ xã ven dòng sông kể, đêm khuya nghe tin báo có ghe cát đang hút, vội vàng chạy đến nơi cũng chỉ đứng trên bờ dọa, hy vọng kẻ hút trộm sợ mà kéo tàu sang bờ bên kia (tỉnh khác). Quản lý nhà nước ở đây hệt như chơi trò cút bắt!

leftcenterrightdel
Chỉ 4 trên hàng chục ghe hút cát đủ điều kiện hoạt động trên sông Đồng Nai. 

Theo một thống kê, chỉ tính riêng 2 xã Đăng Hà và Thống Nhất (huyện Bù Đăng) có 29 bãi cát. Nơi đây, người dân vẫn ví von là “thành phố cát lậu”, bởi dọc ven con sông thuộc địa phận Bình Phước cát lậu vô tư lập bãi, bơm hút và neo đậu mỗi khi “bị động” ở phía bên kia bờ (thuộc Lâm Đồng). Để tránh việc thưa kiện, nhiều chủ khai thác cát lậu mua luôn đất của dân ở bờ sông làm bãi chứa. 

Hiệu lực trên giấy

Cho dù sau nhiều phản ánh, lo ngại về môi trường và tiếng kêu cứu của hàng chục hộ dân bao năm qua, vào tháng 8/2019, ba tỉnh đã cùng ngồi lại thống nhất dẹp cát lậu triệt để và tạm ngưng 2 dự án có phép. Tuy nhiên, các biện pháp cứng rắn này dường như vô hiệu ở phía tỉnh Bình Phước.  

Mặt khác, ngay sau khi cho khi các tỉnh thượng nguồn sông Đồng Nai cho phép các dự án khai thác cát đã được cấp phép nhưng tạm ngưng thời gian qua được hoạt động trở lại, sự lo ngại của cư dân đã hiển hiện: cát tặc tiếp tục lộng hành và con sông lở lói khắp nơi vào mùa mưa này.

Trong thời gian gần đây, theo chúng tôi, UBND huyện Cát Tiên có lẽ là địa phương mạnh tay nhất trong chỉ đạo các cơ quan liên quan kiểm tra xử phạt các hành vi trong khai thác cát. Tuy nhiên, vẫn không thể dẹp triệt để nạn khai thác cát lậu. Ngoài việc các đối tượng bơm hút cát tổ chức đối phó với nhà quản lý (khai thác đêm, đứng bên này hút bên kia…), điều quan trọng nhất vẫn là sự lẻ loi của chính quyền Cát Tiên trong việc dẹp cát lậu.

Sau nhiều lần sắp xếp, mặc dù UBND ba tỉnh (Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Phước) đã thống nhất trong công tác quản lý hoạt động khai thác cát trên sông Đồng Nai bằng văn bản liên tỉnh 4914 vào giữa năm 2019, nhưng sự thật, ở phía Bình Phước, UBND huyện Bù Đăng đã phớt lờ chỉ đạo này. Nói cách khác, huyện Bù Đăng đã buông lỏng quản lý hoạt động khai thác cát. Cụ thể, trong năm 2019, khi phía Lâm Đồng và Đồng Nai tạm ngưng mọi hoạt động khai thác, ngược lại, cát lậu bên phía Bình Phước vẫn nhộn nhịp. Con số 29 bãi chứa cát bơm hút ngày đêm nằm dọc huyện Bù Đăng cho thấy sức hủy hoại con sông lớn như thế nào.

Ai cũng hiểu, nếu chỉ một mình Cát Tiên hay Đạ Tẻh, sẽ chẳng bao giờ dẹp xong nạn cát lậu, ở đây phải cần sự phối kết hợp giữa các bên, đặc biệt vùng giáp ranh. Không ít lần các huyện lân cận chủ động đề nghị Bù Đăng cùng phối hợp ngăn chặn cát lậu, tuy nhiên những đề nghị cấp thiết trên dường như chỉ nhận được sự im lặng khó hiểu.

Chỉ ít ngày qua, một chiến sĩ cảnh sát đã bỏ mình dưới dòng sông Đồng Nai (đoạn đi qua Bình Dương) khi cùng đồng đội dẹp nạn cát lậu. Hơn ai hết, trước cái chết đáng lẽ không xảy ra này, chính quyền địa phương phải coi đó là một nỗi nhức nhối, một sự thất bại trong quản lý Nhà nước. Đừng để một ngày, hàng chục nóc nhà, nơi sinh sống của bao con người lương thiện, hiền hòa ven sông Đồng Nai rơi vào miệng thủy thần bởi những bất cập từ nhà quản lý.

Theo phapluatplus.vn
Nguồn
Link bài gốc

https://www.phapluatplus.vn/dieu-tra-ban-doc/quan-ly-khoang-san-o-thuong-nguon-song-dong-nai-nhung-cuoc-ruot-duoi-hut-hoi-d132891.html