Công ty CP Nước sạch Quảng Ninh là 1 trong 6 Công ty do UBND tỉnh Quảng Ninh làm đại diện chủ sở hữu đang thực hiện thoái vốn Nhà nước. Từ năm 1993, Công ty này được giao nhiệm vụ quản lý, vận hành, khai thác toàn bộ hệ thống công trình hồ chứa nước Cao Vân (xã Dương Huy, Cẩm Phả). Tuy nhiên, từ tháng 02/2018, UBND tỉnh Quảng Ninh có Quyết định số 125, giao việc quản lý, khai thác hồ Cao Vân cho Công ty TNHH 1 TV Thủy lợi Yên Lập.

Công ty CP Nước sạch Quảng Ninh đã hoàn thiện các hồ sơ liên quan đến công trình, bàn giao cho Công ty TNHH 1 TV Thủy lợi Yên Lập tiếp quản, vận hành, khai thác.

leftcenterrightdel
 Hồ chứa nước Cao Vân, đang thuộc quyền quản lý, vận hành, khai thác của Công ty TNHH 1 TV Thủy lợi Yên Lập. Ảnh: Hoàng Nguyên

Mặc dù không còn được giao quản lý, khai thác nước hồ Cao Vân nhưng từ 2018 đến giờ, Công ty CP Nước sạch Quảng Ninh hàng năm vẫn khai thác khoảng trên 20 triệu m3 khối nước tại đây bán cho Nhà máy Nhiệt điện Quảng Ninh, nhà máy xi măng và một số khu dân cư mà không đóng thủy lợi phí.

Trao đổi với PV Báo Nông nghiệp Việt Nam, một cán bộ của Công ty TNHH 1 TV Thủy lợi Yên Lập, cho biết giá thủy lợi phí theo quy định là 900 đồng/m3, tính cả thuế là 910 đồng. Trung bình mỗi ngày đêm Công ty CP Nước sạch Quảng Ninh khai thác khoảng 60.000 m3 nước hồ Cao Vân, nếu tính từ 02/2018 đến giờ, Công ty này đang chậm khoảng 50 tỷ đồng thủy lợi phí của Nhà nước.

Trong khi đó, hàng tháng Công ty TNHH 1 TV Thủy lợi Yên Lập vẫn phải trả lương cho các công nhân tham gia quản lý, bảo trì, vận hành, cấp nước cho Công ty CP Nước sạch Quảng Ninh.

leftcenterrightdel
 Trụ sở Công ty CP Nước sạch Quảng Ninh. Ảnh: CTV

Liên quan đến việc sử dụng nước ở hồ Cao Vân giữa Công ty TNHH MTV Thủy lợi Yên Lập và Công ty CP Nước sạch Quảng Ninh, ngày 07/01/2020, Tổng cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) có văn bản số 24 nêu rõ: "Từ ngày 01/02/2018, hồ nước Cao Vân được UBND tỉnh Quảng Ninh giao cho Công ty TNHH MTV Thủy lợi Yên Lập khai thác, quản lý. Do đó, Công ty có trách nhiệm ký hợp đồng sử dụng nước (Theo quy định Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi) hoặc hợp đồng cung cấp sản phẩm, dịch vụ thủy lợi (theo quy định của Luật Thủy lợi) với các tổ chức, cá nhân trong đó bao gồm cả Công ty Cổ phần nước Sạch Quảng Ninh… Đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Quảng Ninh kiểm tra, đôn đốc các đơn vị cung cấp và sử dụng dịch vụ sản phẩm, dịch vụ thủy lợi thực hiện đúng quy định của Luật Thủy lợi".

Qua những nội dung nêu trên, cho thấy "lỗ hổng" trong công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên nước tại hồ Cao Vân, tỉnh Quảng Ninh. Nếu như việc này không sớm được xử lý, mỗi năm tỉnh Quảng Ninh có nguy cơ thất thu hàng chục tỷ đồng thủy lợi phí. Khi nguồn thu thủy lợi thấp sẽ ảnh hưởng đến hoạt động quản lý khai thác công trình thủy lợi, hậu quả công trình càng nhanh xuống cấp.

Và câu hỏi được đặt ra, những ai hưởng lợi khi phí sử dụng dịch vụ thủy lợi bị thất thu? Việc không phải mua tài nguyên nước (không có hóa đơn đầu vào) thì khi bán ra đơn vị sử dụng dịch vụ có phải nộp thuế giá trị gia tăng hay không?

 

Nguồn Theo Nông Nghiệp
Link bài gốc

https://nongnghiep.vn/nguy-co-that-thu-hang-chuc-ty-dong-tai-cong-ty-cp-nuoc-sach-quang-ninh-d271994.html?utm_source=zalo&utm_medium=zalo&utm_campaign=zalo&zarsrc=30