Theo Tiến sĩ Maria Neira, Giám đốc Văn phòng Môi trường, Biến đổi khí hậu và Sức khỏe của WHO, tiêm chủng vaccine vẫn là yếu tố tiên quyết giúp thế giới kiểm soát đại dịch COVID-19. Đợt bùng phát COVID-19 hiện tại có thể được kiểm soát khi phần lớn dân số toàn cầu, khoảng 90-95%, đạt miễn dịch nhờ tiêm chủng hoặc từng nhiễm bệnh.
Tiến sĩ Maria Neira khẳng định, hai năm là khoảng thời gian đặt ra để kiểm soát đại dịch, tức vào khoảng tháng 3/2022, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát vào cuối năm 2019, đây được coi là một dấu mốc hợp lý.
Bên cạnh đó, Michael Osterholm, Giám đốc Trung tâm Chính sách và Nghiên cứu Bệnh truyền nhiễm tại Đại học Minnesota ở Minneapolis đánh giá, nếu thế giới bắt đầu tiêm chủng với tốc độ như hiện nay, chúng ta thậm chí có thể thoát đại dịch sớm hơn.
Jagpreet Chhatwal, nhà khoa học tại Viện Đánh giá Công nghệ thuộc bệnh viện đa khoa Massachusetts cho biết, nếu chúng ta có thể giảm số ca tử vong xuống một mức nào đó và trở lại cuộc sống bình thường, thì có thể coi như đại dịch đã kết thúc.
Chuyên gia Osterholm chỉ ra, các nước đạt tỷ lệ tiêm chủng lớn như Mỹ, Canada và nhiều quốc gia châu Âu có thể đã đạt được miễn dịch cộng đồng nếu họ chỉ đối mặt với virus SARS-CoV-2 chủng gốc.
Nhưng việc chậm trễ trong triển khai tiêm vaccine diện rộng, cho tất cả người dân trên toàn thế giới, đã kéo theo hàng loạt biến chủng mới xuất hiện, trong đó có biến thể Delta đã ngăn cản miễn dịch cộng đồng ở các quốc gia này, họ lại phải đối mặt với làn sóng dịch bệnh kéo dài.
Trước đó, theo Tiến sĩ Mike Ryan, Giám đốc điều hành Chương trình y tế khẩn cấp của WHO, nếu các quốc gia đảm bảo vaccine phòng COVID-19 được phân phối công bằng cho các nước nghèo hơn, thực hiện giãn cách xã hội và tài trợ đầy đủ cho các bệnh viện, thì đại dịch có thể sẽ kết thúc sớm.
Hiện nay, Mỹ và một vài quốc gia vẫn đang tăng cường nguồn viện trợ vaccine COVID-19 cho các nước nghèo, kém phát triển thông qua cơ chế COVAX. Ngoài ra, giới khoa học toàn cầu đang nhanh chóng triển khai phê duyệt đầy đủ các loại vaccine, thay vì cho phép sử dụng khẩn cấp, xem xét tiêm chủng cho trẻ vị thành niên và trẻ em dưới 12 tuổi, cũng như thúc đẩy nghiên cứu các loại thuốc chữa COVID-19.
Theo thống kê của Our World in Data, khoảng 5,76 tỷ liều vaccine đã được tiêm trên toàn cầu, với 42,3% dân số thế giới được tiêm ít nhất một liều. Điều đó có nghĩa là gần 4 tỷ người trên toàn cầu vẫn chưa được tiêm bất cứ liều vaccine nào. Trong khi tỷ lệ tiêm chủng ở các nước giàu đều trên 60%, nhưng tỷ lệ người dân ở nước thu nhập thấp được tiêm ít nhất một mũi còn chưa đạt 1,9%.
Hồng Nhuận