leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa

Theo báo cáo, công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật năm 2020 của thành phố Hà Nội đạt được nhiều kết quả nổi bật. Đáng chú ý, UBND thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị quan tâm công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND thành phố đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền theo quy định. Nội dung văn bản phù hợp với Hiến pháp, pháp luật và thực tiễn của địa phương. Tính đến 30-10-2020, thành phố đã ban hành 33 văn bản quy phạm pháp luật.

Các cơ quan, tổ chức cá nhân trên địa bàn thành phố cũng đã thực hiện việc tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Ý thức của cán bộ, công chức, người thực thi công vụ, người dân, doanh nghiệp trên địa bàn về công tác bảo vệ môi trường có nhiều chuyển biến.

Công tác quản lý nhà nước về theo dõi thi hành pháp luật được quan tâm, chú trọng. Nhiều dự án áp dụng công nghệ tiên tiến về xử lý nước thải, chất thải rắn, chất thải y tế, chất thải tại các làng nghề, các dự án cải tạo, xử lý ô nhiễm môi trường đã được thành phố quan tâm triển khai có hiệu quả. Tỷ lệ thu gom chất thải sinh hoạt khu vực nội thành, chất thải y tế đạt 100%; chất lượng môi trường của thành phố Hà Nội đã từng bước được cải thiện…

Từ thực tiễn công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật, UBND thành phố Hà Nội đã đề xuất, kiến nghị các bộ, ngành liên quan những vấn đề cụ thể. Trong đó, đề nghị Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương trình Chính phủ xây dựng trình Quốc hội xem xét ban hành luật tổ chức thi hành pháp luật; tiếp tục rà soát các quy định của Nghị định 59/2012/NĐ-CP về theo dõi tình hình thi hành pháp luật và Nghị định 32/2020/NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 59/2012/NĐ-CP về theo dõi tình hình thi hành pháp luật để kịp thời phát hiện và sửa đổi các quy định chưa phù hợp với tình hình thực tiễn thi hành.

Cùng với đó, Bộ Tư pháp xem xét ban hành quy trình thực hiện công tác điều tra, khảo sát và mẫu điều tra, khảo sát tình hình thi hành pháp luật các lĩnh vực trọng tâm hằng năm. Kịp thời ban hành thông tư quy định chi tiết việc xem xét, đánh giá tình hình thi hành pháp luật quy định tại Điều 8, Điều 9, Điều 10 Nghị định số 59/2012/NĐ-CP của Chính phủ; ban hành bộ chỉ tiêu thống kê theo quy định tại Khoản 2 Điều 16 Nghị định số 59/2012/NĐ-CP của Chính phủ. Tăng cường tập huấn cho các địa phương nâng cao năng lực, trình độ cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật. Mục tiêu là xây dựng được đội ngũ có năng lực chuyên môn và phẩm chất chính trị, nghề nghiệp để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

UBND thành phố Hà Nội cũng đề nghị Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp xây dựng kế hoạch đào tạo, xây dựng khung chương trình đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ, công chức làm công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật; đồng thời, cần có chính sách thỏa đáng về cơ chế, chế độ ưu tiên, thu hút đối với những người làm công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật…

 


Theo Pháp luật xã hội
Nguồn
Link bài gốc

https://phapluatxahoi.vn/nam-2020-ha-noi-ban-hanh-33-van-ban-quy-pham-phap-luat-222102.html