leftcenterrightdel
 

Theo nhà bình luận David Ignatius của tờ Washington Post, báo cáo mà 1 ủy ban lưỡng đảng về trí tuệ nhân tạo công bố tuần trước chính là dấu hiệu đầu tiên của 1 sự thay đổi lớn trong chiến lược phát triển kinh tế của Mỹ. Dù không có những cuộc tranh luận nảy lửa công khai, Mỹ vẫn đang âm thầm chuyển hướng sang 1 chính sách công nghiệp mới hướng đến mục tiêu cạnh tranh với Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ.

Thượng nghị sĩ Marco Rubio của đảng Cộng hòa, một trong những nhân vật chủ chốt của ủy ban nói trên, đã từng chia sẻ ngắn gọn về tầm nhìn mới trong 1 bài phát biểu hồi tháng 12 năm 2019. Ông cho rằng đã đến lúc nhận ra "sự nguy hiểm của thị trường tự do" khi đối đầu với Trung Quốc và thay vào đó hãy đi theo "chính sách công nghiệp thân Mỹ của thế kỷ 21". Giờ đây lối suy nghĩ này đang trở nên phổ biến trong chính quyền Biden, các thành viên cấp cao của Quốc hội Mỹ và một số lãnh đạo công nghệ hàng đầu.

Giống như các làn sóng dịch chuyển lớn khác, sự thay đổi đang trở nên rõ ràng hơn khi nó bắt đầu dần thay thế cho phương thức tiếp cận cũ với Trung Quốc. Đằng sau đó là sự ủng hộ nhiệt tình từ các đảng: 19 trong số các khuyến nghị mà ủy ban đề xuất đã âm thầm được đưa vào đạo luật ủy quyền quốc phòng mà Mỹ thông qua hồi tháng 1, mà theo đó hàng tỷ USD sẽ được chi cho các nhà máy sản xuất chip mới ở Mỹ.

Trí tuệ nhân tạo sẽ đem đến những thay đổi tác động đến mọi thứ, và đó cũng chính là lý do giải thích tại sao các thành viên của ủy ban và những người hiểu rõ về vấn đề này cho rằng Mỹ nhất thiết phải nỗ lực nhiều hơn nữa. Theo họ, tương lai của nước Mỹ đang lâm nguy, cả về quân sự, kinh tế và thậm chí là chính trị.

Điều khiến Mỹ chuyển sang mô hình chính phủ dẫn dắt đầu tư trong lĩnh vực công nghệ là nỗi lo sợ rằng mô hình lai giữa quân sự và dân sự của Trung Quốc sẽ đe dọa các nỗ lực của Mỹ, trừ khi Mỹ cũng có 1 mô hình tương tự. Tháng trước, Eric Schmidt, cựu CEO của Google và cũng nằm trong ủy ban nói trên, đã phát biểu trong 1 phiên điều trần trước quốc hội rằng "nguy cơ Trung Quốc dẫn đầu trong một số lĩnh vực công nghệ chủ chốt chính là 1 cuộc khủng hoảng quốc gia". Theo ông, thay vì để các doanh nghiệp tư nhân tự tìm ra giải pháp đối phó, Mỹ cần 1 cách tiếp cận "lai" mà trong đó nhà nước và tư nhân sẽ cùng phối hợp để chiến thắng.

Những khuyến nghị của ủy ban này là rất quan trọng bởi vì ủy ban bao gồm nhiều nhân vật kỳ cựu trong làng công nghệ, ví dụ như Safra Catz, CEO của Oracle; Eric Horvitz, giám đốc khoa học của Microsoft; Andy Jassy, giám đốc Amazon Web Services và là người sẽ trở thành CEO của Amazon trong vài tháng nữa; Andrew Moore, giám đốc bộ phận AI của Google. Báo cáo nhận định đến năm 2026, nước Mỹ cần chi 22 tỷ USD cho hoạt động R&D trong mảng AI.

Trong quá khứ, vai trò của chính phủ trong việc tài trợ cho các công nghệ mang tính đột phá là khá rõ ràng. Ví dụ rõ nét nhất là dự án phát triển vũ khí hạt nhân Manhattan Project. Tiền của chính phủ cũng thúc đẩy các chương trình khám phá không gian, phát triển mạng lưới Internet và xây dựng cơ sở hạ tầng cho thương mại toàn cầu.

Quy mô của dự án lần này cũng tương tự như Manhattan Project. Dự án đề xuất thành lập 1 ủy ban mới chuyên về cạnh tranh công nghệ, 1 ủy ban khác về các công nghệ mới nổi để thúc đẩy các thay đổi tại Lầu năm góc và các cơ quan tình báo, đồng thời đề xuất những thay đổi lớn trong chính sách nhập cư và giáo dục để giải quyết vấn đề mà họ gọi là "thâm hụt nhân tài ở mức đáng báo động" với Trung Quốc.

Theo nguồn tin thân cận, chính quyền Biden đồng tình với đa số các vấn đề được nêu trong báo cáo nhưng cũng bất đồng ở một vài chi tiết. Nhà Trắng muốn triển khai các sáng kiến mới thông qua cơ chế hiện tại là Ủy ban an ninh quốc gia và Ủy ban kinh tế quốc gia thay vì thành lập những cơ quan mới. Tuy nhiên, nhìn chung thì tân Tổng thống ủng hộ nhiều khuyến nghị chuyến sách quan trọng mà báo cáo dài 756 trang đưa ra.

Báo cũng cũng nêu ý tưởng về "liên minh các quốc gia cùng chung chí hướng" để thúc đẩy phát triển và ứng dụng các công nghệ mới "phù hợp với các giá trị dân chủ". Liên minh này sẽ hoạt động thông qua những tổ chức có sẵn, ví dụ như G7 hay nhóm bộ tứ Quad và các mối quan hệ song phương giữa Mỹ và EU.

Quan điểm chủ chốt là giữ cho nền kinh tế Mỹ đủ mở để có thể tiếp tục thu hút những nhân tài xuất sắc nhất thế giới, đảm bảo bảo vệ vị thế dẫn đầu của Mỹ trong những công nghệ chủ chốt.

Tham khảo Washington Post
Thu Hương

Nguồn Doanhnghieptiepthi
Link bài gốc

https://doanhnghieptiepthi.vn/my-dang-am-tham-thuc-hien-1-thay-doi-cuc-lon-huy-dong-nguon-luc-kinh-te-de-doi-pho-voi-trung-quoc-161210903091006617.htm