Mua hàng trực tuyến tiện lợi, nhanh chóng nhưng cũng đầy rủi ro
Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, hiện nay người tiêu dùng chỉ cần ngồi ở nhà, lên mạng tìm món đồ mình thích, sau đó đặt mua và chờ người vận chuyển hàng đến tận nơi. Tiện lợi là thế nhưng người mua hàng lại không thể kiểm tra chất lượng hàng hóa, việc tiếp cận các thông tin về an toàn, cảnh báo của sản phẩm cũng khó khăn hơn so với hình thức mua sắm truyền thống, đặc biệt khi người tiêu dùng xem sản phẩm qua các thiết bị như điện thoại, laptop...
Không chỉ vậy, có nhiều trường hợp người tiêu dùng thậm chí bỏ qua phần điều kiện và điều khoản vì màn hình quá nhỏ, trong khi đây lại là những nội dung rất quan trọng, liên quan đến chính sách đổi - trả sản phẩm, giao nhận, bảo hành…
|
|
Sản phẩm đặt hàng qua mạng nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt. |
Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng gặp không ít những rủi ro về dịch vụ chuyển phát như thời gian giao hàng (hàng đến chậm), hàng nhận được bị hỏng, đổ vỡ, chỉ được xem hàng khi đã thanh toán…. Thực tế có nhiều trường hợp người tiêu dùng khiếu nại hàng nhận bị vỡ hoặc hư hỏng, không giống như quảng cáo nhưng các tổ chức, cá nhân bán hàng lại từ chối, đổ lỗi cho người tiêu dùng hay đơn vị vận chuyển.
Mặc dù muốn được cấp phép hoạt động, các sàn thương mại điện tử phải cung cấp rất nhiều thông tin cá nhân để chứng thực tính hợp pháp của hoạt động. Nhưng những người kinh doanh trên mạng hoàn toàn có thể dùng danh tính giả, địa điểm kinh doanh không rõ ràng, khiến khách hàng khó đòi được quyền lợi trong trường hợp xảy ra rủi ro.
Điển hình, khi vào xem một gian hàng tại TikTok shop, chị Mỹ Hạnh (ngụ TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) có đặt mua 2 lọ nước hoa với giá hơn 1 triệu đồng. Sản phẩm được người bán quảng cáo là hàng xịn, giúp lưu hương lâu và thơm. Chị Hạnh đã chuyển tiền mua hàng, nhưng khi sử dụng chị mới phát hiện hàng không được như quảng cáo, hương thơm không giữ được lâu, mùi rất nồng. Lúc này chị Hạnh mới biết mình mua phải hàng nhái, hàng kém chất lượng.
|
|
Sản phẩm tai nghe Bluetooth được rao bán trên mạng với nhiều mức giá khác nhau. |
Anh Đ.Tiếu Kỳ (ngụ phường Thành Nhất, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) cho hay tháng trước có mua một tai nghe Bluetooth không dây với giá 299.000. Nhân viên bán hàng tư vấn tai nghe này có khả năng chống nước và có sạc dự phòng.
Sau khi mua hàng, anh phát hiện trên shop hàng điện tử khác cũng có sản phẩm tai nghe Bluetooth tương tự, nhưng được chào bán với giá 175.000 đồng. Không chỉ mua giá cao hơn, khi sử dụng, anh Kỳ còn thấy tình trạng tai nghe không ổn định, thương xuyên mất kết nối Bluetooth khiến nhiều cuộc gọi bị gián đoạn.
Có thể thấy, mua sắm trực tuyến đang là xu hướng tất yếu của thời kỳ bùng nổ công nghệ, cách mạng công nghiệp 4.0. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích thiết thực thì giao dịch qua kênh thương mại điện tử hay mua sắm trực tuyến vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, như bị lợi dụng thông tin cá nhân để chiếm đoạt tài sản, bị lừa đảo, hoặc mua phải hàng giả, hàng nhái.… khiến người tiêu dùng hoang mang, lo lắng.
Tăng cường kiểm tra giám sát và xử lý vi phạm
Thực tế, việc kiểm soát và quản lý của các cơ quan chức năng đối với các cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh vi phạm pháp luật gặp không ít khó khăn. Đặc biệt là kinh doanh trên lĩnh vực không gian mạng.
Qua trao đổi, ông Mai Mạnh Toàn - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Đắk Lắk cho biết: “Nhiều người kinh doanh trên sàn thương mại điện tử (TMĐT) không sử dụng cửa hàng, hoặc không treo biển hiệu để trốn tránh lực lượng chức năng kiểm tra. Không chỉ che dấu địa điểm kinh doanh của mình, các đối tượng còn cố tình chống chế và không thừa nhận mình là chủ sở hữu của website, cho đến khi phải dùng biện pháp nghiệp vụ”.
Được biết, các lực lượng chức năng luôn chủ động tăng cường theo dõi, thu thập thông tin về những dấu hiệu vi phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử để kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm nhằm bảo vệ người tiêu dùng.
|
|
Lực lượng Quản lý thị trường phát hiện nhiều sản phẩm không có nguồn gốc xuất xứ. |
Ông Toàn nhấn mạnh do công nghệ thay đổi nhanh chóng, các quy định pháp luật ở lĩnh vực này cần được nghiên cứu kĩ hơn nữa để phù hợp với thực tế nhằm hạn chế mức thấp nhất tình hình vi phạm trên thị trường. Mặc dù đạt được một số hiệu quả nhất định trong bước đầu kiểm tra, xử lý vi phạm trên môi trường mạng, tuy nhiên tình hình vi phạm trong lĩnh vực này tương đối nhức nhối. Thực tế đã xuất hiện nhiều chiêu trò mới với các phương thức thủ đoạn tinh vi, gây khó khăn trong công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý.
Trong khi đó, vì là lĩnh vực mới nên lực lượng QLTT cũng phải mất thời gian để tìm hiểu, nghiên cứu thông tin và theo dõi hoạt động bán hàng qua mạng. Việc nghiên cứu để có công cụ pháp lý phù hợp hơn với loại hình của hoạt động này là rất cần thiết, giúp làm sạch môi trường kinh doanh tránh thất thu thuế của nhà nước và gây dựng niềm tin với người tiêu dùng.
Theo khuyến cáo, người tiêu dùng chỉ nên mua hàng online trên những website đã được xác thực bởi Bộ Công Thương. Còn khi mua hàng trên trang mạng xã hội, hãy tìm kiếm xem người bán có website thương mại điện tử hoặc website doanh nghiệp nào không. Những đơn vị đã kinh doanh online bài bản sẽ luôn cung cấp thông tin cụ thể, chính xác, đầy đủ trên website doanh nghiệp, mạng xã hội chỉ được xem như là kênh bán hàng phụ, hoặc công cụ marketing để quảng bá thương hiệu sản phẩm, tiếp cận khách hàng.
Ngoài sự cố gắng đấu tranh của các lực lượng chức năng trong việc xử lý gian lận thương mại, người dân cũng cần đề cao cảnh giác, kiểm tra kỹ lưỡng thông tin sản phẩm của mình nhằm tránh mua phải sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng. Người tiêu dùng cần tự bảo vệ quyền lợi của mình khi tham gia thực hiện các giao dịch trực tuyến.