ChatGPT với tên đầu đủ Chat Generative Pre-training Transformer là một công cụ tương tác với người dùng (chatbot) được tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) do công ty công nghệ OpenAI phát triển. Hiểu một cách cơ bản, ChatGPT được xây dựng để thực hiện trò chuyện với con người tương tự như người thật. Nội dung có thể bao hàm nhiều chủ đến như: cuộc sống, khoa học, lịch sử,…
Nguyên nhân chính khiến ChatGPT tạo thành cơn sốt trên toàn cầu do nó được đánh giá là rất thông minh, vượt trội mội chatbot từng được đưa ra sử dụng phổ biến từ trước tới nay. Không chỉ có thể thực hiện các cuộc trò chuyện với con người dưới dạng hỏi đáp thông thường, ChatGPT còn có thể thực hiện nhiều nội dung phức tạp hơn. Có thể kể đến như: viết thơ, biên tập một bài báo, làm luận văn hoặc thậm chí là lập trình cho máy tính …
Đáng chú ý, ChatGPT còn có khả năng tự học hỏi. Điều này có nghĩa nếu người dùng phản hồi rằng nội dung ChatGPT trả lời là sai thì nó tự sửa chữa những lỗ hổng này để đưa ra câu trả lời đúng cho các lần giao tiếp tới. Bên cạnh đó, với kho dữ liệu lên tới 750GB, tập hợp từ hàng loạt bài viết trên internet, báo chí, sách online cho đến tài liệu học thuật được nghiên cứu có chiều sâu và liên tục được bổ xung khiến “kiến thức” của ChatGPT ngày càng được tăng cường theo cấp số nhân.
Tuy nhiên hiện tại ChatGPT mới chỉ cho phép người dùng tại một số quốc gia (Mỹ, Anh...) đăng ký sử dụng. Vì vậy người dùng tại Việt Nam đã phải nhờ đến các thủ thuật công nghệ hay đơn giản hơn là mua tài khoản tạo sẵn hoặc nhờ người khác tạo giúp có tính phí.
Trên các diễn đàn của người dùng Việt Nam, những thông tin xoay quanh ChatGPT luôn được bàn tán sôi nổi. Và một trong những dịch vụ được quan tâm nhất chính là dịch vụ hỗ trợ tạo mới hoặc kích hoạt tài khoản ChatGPT để có thể sử dụng được tại Việt Nam.
Chỉ cần vào Facebook và tìm kiếm cụm từ "tài khoản ChatGPT", người dùng sẽ dễ dàng tìm thấy hàng trăm bài đăng quảng cáo dịch vụ tạo tài khoản xuất hiện khắp "cõi" thế giới ảo này. Với thị trường đầy nhốn nháo này, người dùng dễ dàng rơi vào những bẫy lừa đảo mới.
Các chuyên gia an ninh mạng cũng đã cảnh báo về những chiêu thức lừa đảo liên quan đến dịch vụ mua bán tài khoản ChatGPT. Cụ thể, các đối tượng có thể lừa tiền trực tiếp người dùng bằng cách dụ người dùng gửi tiền trước nhưng không cung cấp tài khoản hoặc cho tài khoản sai, hoặc bán một tài khoản cho nhiều người dùng khác nhau...
Người dùng cũng có thể bị dụ cung cấp các thông tin tài khoản email và mật khẩu đang sử dụng, từ đó bị kẻ xấu chiếm đoạt và tấn công sang nhiều tài khoản liên quan khác...
Ông Nguyễn Minh Đức, CEO CyRadar đã lên tiếng cảnh báo: "Hiện nay một bước quan trọng để đăng ký sử dụng ChatGPT là cần một số điện thoại nước ngoài (một số quốc gia) để nhận SMS OTP.
Do đó, người sử dụng ở Việt Nam cần phải nhờ người quen ở nước ngoài, hoặc thuê/mua các dịch vụ cung cấp số điện thoại ảo. Việc này có thể dẫn tới các nguy cơ có kẻ xấu lợi dụng lừa đảo trực tuyến, lấy mất thông tin hoặc tiền trong tài khoản.
Bên cạnh đó, nếu sau này ChatGPT cho phép thiết lập lại mật khẩu qua SMS thì có thể sẽ bị cướp mất tài khoản do chúng ta không sở hữu số điện thoại dùng để đăng ký".
Liên quan đến vấn đề này, chuyên gia bảo mật Vũ Ngọc Sơn, giám đốc công nghệ Công ty Công nghệ an ninh mạng Việt Nam NCS cũng cho rằng việc mua các tài khoản có sẵn hoặc tạo tài khoản với số điện thoại của người nước ngoài có thể dẫn tới tình huống bị theo dõi, đọc trộm thông tin.
Cụ thể khi sử dụng các tài khoản này chat nội dung gì với ChatGPT thì người tạo tài khoản ban đầu cũng có thể xem, theo dõi được nếu họ cũng đăng nhập vào bằng tài khoản đó. Vì về bản chất người tạo sẽ là người sở hữu toàn quyền với tài khoản.
Ngoài ra, việc thử nghiệm mở dịch vụ ở các nước sẽ tuân theo lộ trình và tính toán của nhà cung cấp. "Nếu quá nhiều người sử dụng ở một nước chưa có dịch vụ có thể dẫn tới sai lệch tính toán của nhà sản xuất, hệ quả cũng sẽ khó lường", ông Sơn nhận định thêm.