leftcenterrightdel
Bà Giáp Thị Sông Hương và cơ sở Mái ấm Hoa Hồng. 

Ngày 04/9, bài viết “Tội ác trong một mái ấm” của Báo Thanh Niên được đăng tải phản ánh tình trạng ngược đãi, bạo hành trẻ em xảy ra tại Mái ấm Hoa Hồng (quận 12, TP.HCM) khiến người dân phải bất ngờ. Điều bất ngờ nhất, nơi đây là nơi nuôi dạy trẻ nổi tiếng và được nhiều người biết đến, được dư luận quan tâm.

Đặc biệt hơn, Mái ấm Hoa Hồng được hàng chục cơ quan thông tấn, báo chí từng tuyên dương, ca ngợi bà Giáp Thị Sông Hương (chủ cơ sở mái ấm) như một người mẫu mực, cống hiến tuổi thanh xuân, trọn đời cho trẻ em mồ côi.

Nhưng đằng sau những sự ca ngợi tung hô đó, Báo Thanh Niên đã bóc trần một tội ác ngược đãi trẻ em ở chính nơi các em phải được thương yêu, bù đắp những mất mát của tuổi thơ.

Kiểu nuôi dạy trẻ em tàn nhẫn ở mái ấm Hoa Hồng


Hàng ngày, Mái ấm Hoa Hồng mở cửa từ 8h đến 20h để cho khách đến tham quan. Nhiều chuyến đến thăm của các nhà hảo tâm đã đóng góp quà và tiền cho mái ấm nuôi dạy các em có hoàn cảnh đặc biệt. Trái với những hình ảnh yêu thương, vỗ về các em vào buổi sáng là khi đêm về, các em lại bị bạo hành.

Thường như kiểu, khi ăn món gì, “khuất mặt khuất mày” thì dễ ăn, dễ nuốt hơn ra sau bếp xem quán chế biến. Các nhà hảo tâm chỉ thấy được “bề nổi của tảng băng chìm” ở cơ sở Mái ấm Hoa Hồng.

Tại mái ấm, các bé được chia thành 3 nhóm độ tuổi để nuôi dưỡng. Theo hình ảnh các clip ghi lại của báo chí và mạng xã hội, các bé thường xuyên bị xách một tay, bị ném xuống nệm, bị đánh liên tục vào đầu.

Nhiều bé còn bị tát vào mặt, nhéo vào đùi đau đớn và khóc thét. Khi các bé khóc, bảo mẫu thường dùng cách úp mặt các cháu xuống nệm để các bé… ngừng khóc quấy. Cá biệt, bảo mẫu của Mái ấm Hoa Hồng còn dùng phương pháp dỗ trẻ bằng cách, nếu trẻ nào càng khóc lớn thì đánh càng đau. Đánh đau quá đến khi các bé hết khóc nổi, mệt lả người thì im.

Trong những lần bạo hành, có một bé trai chưa đầy 12 tháng tuổi đã bị thương, chảy máu miệng. Hình ảnh trên báo chí và mạng xã hội còn diễn tả những giọt máu đỏ tươi tràn từ khóe miệng của bé trai.

Chưa hết, một trong những cách cho các bé nhỏ uống sữa, uống thuốc vào ban đêm là cứ bóp miệng để đổ vào. Từ miệng, sữa và thuốc mặc nhiên trôi vào thực quản. Nhiều bé bị sặc thì được bảo mẫu lật úp lại rồi vỗ mạnh vào lưng để hết sặc. Những bé không chịu nổi thì sữa và thuốc ọc ra ngoài liền bị bảo mẫu đánh đến khi các bé hết khóc nổi thì… im lặng.

“Mặt nạ” cuộc đời của bà chủ mái ấm Hoa Hồng

Bà Giáp Thị Sông Hương (SN 1970), được xác định chủ cơ sở mái ấm ngoài công lập nuôi dưỡng trẻ em cơ nhỡ, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em mồ côi và sống lang thang. Để có thể xây dựng hình tượng “một mẹ hiền”, bà Hương đã có nhiều phát biểu trên báo chí, để lại nhiều cảm xúc cho các nhà hảo tâm.

Cụ thể nhất, năm 2022, bà Hương từng phát biểu trong phóng sự Truyền hình P. TP.HCM, bà đã bán nhà và xe để nuôi dạy hàng trăm đứa trẻ mồ côi. Bà đã dành 35 “tuổi xuân”, không lấy chồng, không con của đời mình để nuôi dạy các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Năm 2023, bà Hương còn xuất hiện tại chương trình lớn của Đài truyền hình V.L khiến hàng chục ngàn trăm ngàn người xem đoạn clip về cuộc đời bà phải rơi nước mắt. Bà Hương cho rằng, đời mình sinh ra, duyên số đã gắn với hành trình nuôi dưỡng các bé có hoàn cảnh kém may mắn.

leftcenterrightdel
Các bé được nuôi dưỡng tại Mái ấm Sông Hương. 

Một chuỗi lo-gic về cuộc đời bà Hương được xây dựng và tái hiện tinh vi. Bà kể hoàn cảnh xuất thân từ làm nghề nhặt ve chai từ năm 17 tuổi. Trong một lần nhặt ve chai thì bà phát hiện bé gái bị bỏ rơi ở bãi rác và cuộc đời bà gắn với các bé bị bỏ rơi từ đây.

Mọi người không biết, dư luận không biết về những việc làm, những gì mà bà Giáp Thị Sông Hương dành cho các em bị bỏ rơi từ khi nào. Nhưng bắt đầu từ năm 2021, bà Hương như có vẻ nằm trong một “chiến dịch” được truyền thông được chú ý một cách mạnh mẽ. Bà Hương đã bắt đầu nổi lên bởi hàng chục bài viết của nhiều cơ quan, báo chí có uy tín liên tiếp đăng tải.

Từ một cơ sở nuôi dạy trẻ có hoàn cảnh kém may mắn không giấy phép, nhiều bảo mẫu vẫn đang được cơ quan chức năng làm rõ có qua lớp đào tạo nghề bảo mẫu hay chưa đã "hóa thân" thành một cơ sở nuôi dạy trẻ khang trang. Tất cả cũng đều nhờ vào tiền của… bá tánh. Có thể suy diễn theo cách kể chuyện của bà Hương, từ một người phụ nữ lượm ve chai, nhờ biết “nhắm” vào lòng thương người của các nhà hảo tâm đã trở thành một bà chủ cơ sở nuôi dạy trẻ mồ côi.

Tất nhiên, phàm ở đời “không ai cho không ai cái gì”, bà Hương cũng không cho không các bé bằng tình thương, bằng 35 tuổi xuân xanh của mình. Một bà chủ nuôi dạy trẻ mồ côi đã biết lợi dụng hình ảnh đáng thương của đứa trẻ để lấy được tiền của các nhà hảo tâm.

Buổi sáng, Mái ấm Hoa Hồng đã biến thành nơi nuôi dạy trẻ tử tế; để đến khi đêm về, những người bảo mẫu “lột mặt nạ” để biến thành nơi bạo hành trẻ em gây rúng động dư luận xã hội. Để đến tận ngày hôm nay, mọi người đều bẽ bàng với lời “trần tình” rằng, bà Hương từng làm nhiều nghề như “chạy xe ôm, giúp việc, rồi kinh doanh” để có tiền nuôi dạy các bé.

Bên trong mái ấm có gì?

Theo báo cáo nhanh của Phòng Bảo trợ xã hội thuộc Sở Lao động – Thương binh và xã hội TP.HCM, cơ sở mái ấm Hoa Hồng được Phòng Lao động – Thương binh và xã hội cấp giấy phép hoạt động từ ngày 07/7/2023. Mái ấm Hoa Hồng có chức năng và nhiệm vụ là trợ giúp, nuôi dưỡng trẻ em cơ nhỡ, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em mồ côi và sống lang thang. Quy mô của cơ sở chỉ tiếp nhận không quá 39 trẻ. Người đại diện theo pháp luật là bà Giáp Thị Sông Hương (SN 1974).

Tại thời điểm tổ công tác kiểm tra, Mái ấm Hoa Hồng có 15 nhân viên đang làm việc và có 86 trẻ được nuôi dưỡng (có 85 trẻ thuộc diện có hoàn cảnh đặc biệt và 1 trẻ còn lại là con của nhân viên mái ấm). Trong đó, có 15 trẻ dưới 12 tháng tuổi, 36 trẻ từ đủ 12 tháng đến dưới 36 tháng tuổi, 30 trẻ từ đủ 36 tháng tuổi đến dưới 72 tháng tuổi. 3 trẻ từ đủ 6 tuổi đến 12 tuổi và 1 trẻ đang điều trị tại bệnh viện.

leftcenterrightdel
 Bà Giáp Thị Sông Hương trong một chiến dịch truyền thông.

Nhận được thông tin từ các cơ quan báo chí về các em bị bạo hành, Sở Lao động – Thương binh và xã hội TP.HCM đã di chuyển 85 trẻ về đến 3 cơ sở bảo trợ xã hội công lập tại TP.HCM, gồm: Trung tâm Bảo trợ trẻ em Tam Bình, Làng Thiếu niên Thủ Đức và Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Gò Vấp.

Đó là tội ác!

Luật sư Nguyễn Thị Thúy Hường – Văn phòng Luật sư Nguyễn Văn Hậu và Cộng sự chia sẻ, vụ việc các trẻ em tại Mái ấm Hoa Hồng bị bạo hành bởi chính những bảo mẫu tại mái ấm khiến nhiều người bất bình. Những bảo mẫu tại đây đã có những hành vi vô lương như đánh đập, hành hạ trẻ em được nuôi dưỡng tại “mái ấm“. Đáng nói là, có nhiều trẻ em chỉ trong độ tuổi 1-2 tuổi. Chắc chắn, những kẻ có hành vi bạo hành, xâm hại trẻ em sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Luật sư Hường phân tích, điều đáng lên án là, những kẻ miệng thì luôn nói thương trẻ em, tạo cho mình bề ngoài nhân từ, nói chuyện đạo lý nhưng lại không từ thủ đoạn nào để trục lợi, kiếm tiền từ chính những đứa trẻ ngây thơ, đáng thương. Đó là tội ác.

“Các con quá bé bỏng, không có sức chống cự bị dày vò, hành hạ bởi chính những con người có vỏ bọc đẹp đẽ, giả tạo. Tôi tin vào quy luật nhân quả. Gieo nhân nào thì gặt quả đấy. Đừng làm những chuyện trái đạo lý. Dù có che đậy cỡ nào thì bản chất xấu xa cũng sẽ bị phát giác, không sớm thì muộn…!”, luật sư Hường nhận định.

Hưng Long
Nguồn Ngày Nay
Link bài gốc

https://ngaynay.vn/mai-am-hoa-hong-phat-trien-nho-chien-dich-truyen-thong-post150605.html