Kỳ 1: Kem Tràng Tiền có thực sự sạch?
Cập nhật lúc 16:15, Thứ sáu, 23/04/2021 (GMT+7)
Thương hiệu kem Tràng Tiền đã gắn liền với mỗi người dân thủ đô từ những năm 1958. Đến năm 2013, thương hiệu này được chuyển nhượng cho Công ty Cổ phần Khách sạn và Dịch vụ Đại Dương nắm giữ. Những tưởng sau thương vụ trên, thương hiệu Kem Tràng Tiền sẽ được "cất cánh" để phát triển, tuy nhiên với tư liệu TC Thương hiệu và Sản phẩm có được thì e rằng đây là điều khó thực hiện khi mà khâu vệ sinh an toàn thực phẩm còn chưa được đơn vị này thực hiện một cách nghiêm túc.
LTS: Thực phẩm là nguồn cung cấp chất dinh dưỡng cho sự phát triển của cơ thể, đảm bảo sức khỏe con người nhưng đồng thời cũng là nguồn có thể gây bệnh nếu không đảm bảo vệ sinh. Không có thực phẩm nào được coi là có giá trị dinh dưỡng nếu nó không đảm bảo vệ sinh.
Về lâu dài thực phẩm không những có tác động thường xuyên đối với sức khỏe mỗi con người mà còn ảnh hưởng lâu dài đến nòi giống của dân tộc. Sử dụng các thực phẩm không đảm bảo vệ sinh trước mắt có thể bị ngộ độc cấp tính với các triệu chứng ồ ạt, dễ nhận thấy, nhưng vấn đề nguy hiểm hơn nữa là sự tích lũy dần các chất độc hại ở một số cơ quan trong cơ thể sau một thời gian mới phát bệnh hoặc có thể gây các dị tật, dị dạng cho thế hệ mai sau. Những ảnh hưởng tới sức khỏe đó phụ thuộc vào các tác nhân gây bệnh. Những trẻ suy dinh dưỡng, người già, người ốm càng nhạy cảm với các bệnh do thực phẩm không an toàn nên càng có nguy cơ suy dinh dưỡng và bệnh tật nhiều hơn.
Do vậy, vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm để phòng các bệnh gây ra từ thực phẩm có ý nghĩa thực tế rất quan trọng trong sự phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường sống của các nước đã và đang phát triển, cũng như nước ta. Mục tiêu đầu tiên của vệ sinh an toàn thực phẩm là đảm bảo cho người ăn tránh bị ngộ độc do ăn phải thức ăn bị ô nhiễm hoặc có chất độc; thực phẩm phải đảm bảo lành và sạch.
Chính vì vậy, Tạp chí điện tử Thương hiệu và Sản phẩm đã mở chuyên đề vệ sinh an toàn thực phẩm để tuyên truyền, hướng dẫn người tiêu dùng lựa chọn những sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình, đơn vị lần này chúng tôi lựa chọn tìm hiểu là Công ty Cổ phần Kem Tràng Tiền. |
“Phi thực kem Tràng Tiền, bất thành người Hà Nội” là câu nói đầy tự hào khi nhắc tới thương hiệu kem đã gắn liền với mỗi người dân thủ đô từ những năm 1958 cho đến nay. Kem Tràng Tiền đã trải qua biết bao nhiêu thăng trầm và có được những bước chuyển mình mạnh mẽ và trở thành thương hiệu kem “quốc dân” trên cả nước.
Sứ mệnh, tầm nhìn tuyên truyền là như vậy, nhưng theo tư liệu phóng viên Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm có được thì quy trình sản xuất bánh Mochi, kem của Công ty Cổ phần Kem Tràng Tiền tại địa chỉ Khu công nghiệp Vĩnh Tuy, phường Vĩnh Tuy, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội còn nhiều tồn tại về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.
Theo tài liệu, tại nhà máy sản xuất của Công ty Cổ phần Kem Tràng Tiền, nhiều người công nhân tại đây không hề sử dụng bao tay trong quá trình sản xuất.
|
|
Công nhân vô tư dùng tay không đong hương liệu |
Thậm chí, một số công nhân tại đây cũng “vô tư” sử dụng tay không để đổ hương liệu từ các can nhựa đã cũ kỹ và cáu cạnh do lâu ngày không được vệ sinh vào trong các chai lọ để đong trước khi đổ vào máy trộn làm kem.
Bên cạnh đó, trong khu vực sản xuất kem Mochi, công nhân cũng vô tư dùng tay không dính đầy bột kem bỏ vào khay đựng.
|
|
Các công nhân vô tư dùng tay không dính đầy bột kem bỏ vào khay đựng |
Liên quan đến nội dung trên, ông Trương Anh Tuấn - Giám đốc nhà máy sản xuất, Công ty Cổ phần Kem Tràng Tiền đã xác nhận những hình ảnh, tư liệu mà phóng viên cung cấp là nhân viên của nhà máy và cho rằng đó chỉ là trường hợp hy hữu.
Còn nhớ, cuối năm 2020, sự việc Pate Minh Chay khiến loạt bệnh nhân rơi vào trạng thái nguy hiểm đã khiến dư luận vô cùng phẫn nộ. Theo đó, 7 bệnh nhân phải nhập viện điều trị sau khi ăn phải sản phẩm “Pate Minh Chay” có chứa độc tố botulinum. Thông tin từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh cho biết, các bệnh nhân nhập viện cấp cứu trong tình trạng khó nuốt, không há miệng được. Tình trạng bệnh nhân trở xấu khi liệt cơ toàn thân (kể cả cơ hô hấp) và phải thở máy.
Liên quan tới sự việc trên, lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm cho biết, Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia khẳng định sản phẩm Pate Minh Chay nhiễm vi khuẩn trong quá trình sản xuất. Do đó, không chỉ thu hồi sản phẩm này, Cục An toàn thực đã yêu cầu thu hồi 13 sản phẩm khác do Công ty TNHH Hai thành viên Lối sống mới sản xuất vì có nguy cơ nhiễm khuẩn do điều kiện sản xuất không đảm bảo các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Có thể nói, vụ việc hàng loạt bệnh nhân đối mặt với tử thần sau khi dùng sản phẩm Pate Minh Chay là do sản xuất không đảm bảo các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Quay trở lại việc sản xuất của Công ty Cổ phần Kem Tràng Tiền, việc không mang khẩu trang khi làm việc, tay không nhào nặn bột bánh tươi rồi lại tay không mang bột đổ vào bồn phối trộn... Liệu những hoạt động này có đúng quy định pháp luật về an toàn thực phẩm? Trường hợp nếu xảy ra nhiễm khuẩn, lượng sản phẩm bán khắp nơi sẽ được xử lý ra sao?
Với tầm nhìn đưa thương hiệu “Việt Nam chỉ có một thương hiệu Kem Tràng Tiền chính hãng này, với vị thế hàng đầu trên thị trường” như ông Nguyễn Thế Vinh - Tổng giám đốc thương hiệu Kem Tràng Tiền từng nói. Tuy nhiên trong thực tiễn khâu sản xuất của công ty này dường như đang “bỏ quên” về vệ sinh an toàn thực phẩm thì sẽ rất khó cho vị thế hàng đầu trên thị trường mà đơn vị này hướng đến.
Tạp chí Thương hiệu và sản phẩm kính đề nghị UBND TP. Hà Nội, Sở Công Thương Hà Nội và các cơ quan liên quan nhanh chóng vào cuộc xác minh và xử lý sai phạm (nếu có) để người dân có thể yên tâm tiếp tục sử dụng thương hiệu "Kem quốc dân" này.
Năm 2013, báo cáo tài chính kiểm toán của Công ty Cổ phần Khách sạn và Dịch vụ Đại Dương (OCH) đã chi 117,6 tỷ đồng, cao gấp nhiều lần so với định giá ban đầu để sở hữu 78,4% vốn điều lệ của Công ty Cổ phần Kem Tràng Tiền. Cũng trong báo cáo kiểm toán năm 2010 của OCH ghi nhận ứng trước 500 tỷ đồng cho ông Hà Trọng Nam để thực hiện hợp đồng nhận chuyển nhượng 634.700 cổ phần của Công ty cổ phần Tràng Tiền.
Không những vậy, cổ phiếu OCH của Công ty cổ phần Khách sạn và Dịch vụ Đại Dương đã từng bị đưa vào diện bị kiểm soát và hạn chế giao dịch từ ngày 5/6/2015. Đến ngày 30/6/2015, nếu công ty không khắc phục tình trạng nêu trên, Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) sẽ xem xét đưa cổ phiếu OCH vào diện tạm ngừng giao dịch. |
Gia Hân - Tiến Ngọc