Tại Việt Nam, các cá nhân, doanh nghiệp sở hữu kênh YouTube có lượt đăng ký khủng thu về hàng trăm triệu, thậm chí hàng chục tỷ đồng mỗi năm

Ai quản lý nội dung trên YouTube?

Vừa qua, hàng loạt YouTuber chuyên “bóc phốt” đã bị các cơ quan mời làm việc, điều tra về các hành vi sai phạm. Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy việc ngăn chặn nội dung độc hại phải bắt nguồn từ việc chấn chỉnh chủ các kênh.

Không phải mới đây, từ năm 2018, cơ quan chức năng phát hiện hàng nghìn video có nội dung nhảm, phản cảm, cổ súy tệ nạn xã hội, vi phạm thuần phong mỹ tục Việt Nam.

Theo Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05) Bộ Công an, nhiều video trong số này phản ánh cuộc sống giang hồ, xã hội đen nhưng trở thành hiện tượng mạng, được hàng triệu người dùng mạng theo dõi. Điển hình như trang cá nhân của Ngô Bá Khá (tức Khá "Bảnh") với 4 kênh YouTube hơn 2 triệu người theo dõi, hay trang cá nhân của Nguyễn Văn Dũng (tức Dũng "Trọc"). Trong hơn 2 năm, A05 đã yêu cầu Google gỡ bỏ, vô hiệu hóa hơn 6.300 clip, 3 kênh Youtube (gồm 2 kênh của Khá "Bảnh" và 1 kênh của “Dũng Trọc").

Một số kênh YouTube khác thu hút lượng người theo dõi lớn nhưng thường xuyên sản xuất các video mang nội dung nhảm nhí, phản cảm, như kênh YouTube Hưng Vlog với hơn 3 triệu người theo dõi.

Vào tháng 6/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Bộ quy tắc nhấn mạnh người dùng phải chia sẻ những thông tin có nguồn chính thống, đáng tin cậy; có các hành vi, ứng xử phù hợp với những giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống của dân tộc Việt Nam; không sử dụng từ ngữ gây thù hận, kích động bạo lực, phân biệt vùng miền, giới tính, tôn giáo.

Đối chiếu với các sai phạm nổi cộm từ khi bộ quy tắc này được đặt ra, rất nhiều cá nhân, đội ngũ làm YouTube bị xử phạt vì các hành vi sai phạm như trên. Điển hình, bà Nguyễn Phương Hằng cũng từng bị Thanh tra Sở Thông tin và truyền thông TP.HCM xử phạt 7,5 triệu đồng vì nội dung sai sự thật.

Thế nhưng việc này cũng cho thấy thực trạng YouTuber sau khi đăng tải các video độc hại, cơ quan chức năng mới có căn cứ xử lý. Trong khi đó, nội dung đã được phổ biến rộng rãi trên nền tảng trực tuyến và được nhiều người tiếp nhận.

Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử có hiệu lực từ ngày 15 tháng 4 năm 2020 (đã được sửa đổi bởi Nghị định số 14/2022/NĐ-CP). Cụ thể đối với vấn đề này, Điều 101 NĐ số 15/2020/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung bởi NĐ số 14/2022/NĐ-CP) đã quy định rõ ràng các hành vi vi phạm và mức xử phạt hành chính tương ứng. Theo đó, chủ thể vi phạm có thể bị xử phạt hành chính từ 10 triệu đồng đến 30 triệu đồng.

Hơn nữa, trong quá trình "tác nghiệp", các YouTuber có thể vô tình hoặc cố ý ghi hình người khác mà chưa có sự đồng ý của họ tức là sử dụng trái phép hình ảnh của người khác. Như vậy đã xâm phạm quyền nhân thân đối với hình ảnh cá nhân của người khác theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành.

Các chế tài xử phạt người lợi dụng mạng xã hội thực hiện hành vi sai trái đã được quy định với sự phối hợp từ nhiều ban ngành. Vấn đề là cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm phát hiện dấu hiệu của nội dung tiêu cực để tiến hành ngăn chặn kịp thời?
leftcenterrightdel
Nhiều YouTuber vì kiếm tiền mà bất chấp thuần phong mỹ tục, lao vào đám tang và chĩa máy quay vào nỗi đau của gia đình những nghệ sĩ đã mất. Ảnh: Cắt từ clip 

Việc xử phạt mới là các biện pháp trước mắt, trong khi quản lý nội dung là vấn đề nan giải, cần sự vào cuộc của nhiều bên. Có lẽ đã đến lúc cần xem YouTuber là một nghề và xây dựng cơ chế quản lý cũng như đào tạo bài bản.

Thách thức truy thu thuế

Theo thống kê, với 1.000 lượt xem, YouTuber có thể kiếm được từ 0,5 đến 6 USD dựa trên vị trí của người xem và đối tượng mục tiêu. Gần như các YouTuber đều kiếm được phần lớn thu nhập từ doanh thu quảng cáo tạo ra từ kênh của họ. Thêm vào đó, YouTuber còn có thể nhận được rất nhiều tiền từ các thương hiệu lớn khi tài trợ hoặc quảng cáo trên các video cụ thể.

Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) chỉ ra rằng ở Việt Nam tính đến cuối năm 2020 có khoảng 15.000 kênh YouTube bật nút kiếm tiền. Tuy nhiên, chỉ 30% trong số đó chịu sự quản lý từ các công ty mạng của YouTube tại Việt Nam. Dẫn đến cơ quan thuế chỉ nắm được thông tin của khoảng 5.000 kênh để yêu cầu đóng thuế hoặc các cá nhân tự chủ động đóng thuế.

YouTuber, Streamer Độ Mixi (kênh Mixi Gaming) từng cho biết từ năm 2017 anh luôn chấp hành đầy đủ việc nộp thuế theo quy định của Nhà nước. Mỗi năm, anh đóng thuế tổng tất cả các khoản gần 1 tỷ đồng. Hay như kênh Sơn Zim chia sẻ nội dung hướng dẫn về kê khai thuế, nộp thuế YouTube như thế nào?... thu hút nhiều người vào bình luận đặt câu hỏi.

Tuy nhiên, những cá nhân tự nguyện nộp thuế là rất ít. Số khác dù tự nguyện nộp nhưng số thuế đã nộp lại đang thấp hơn rất nhiều so với tổng số thuế theo nghĩa vụ phải nộp. Cục Thuế TP.HCM từng phát hiện một YouTuber có thu nhập 19 tỷ đồng từ năm 2016 - 2018; một trường hợp khác thu nhập 41 tỷ đồng từ Google, Facebook, YouTube chỉ trong 2 năm 2016 – 2017 nhưng “quên” đóng thuế.
leftcenterrightdel
 Với lượt view khủng nhờ cách khai thác triệt để những sự kiện hot, các YouTuber có thể thu về thu nhập khổng lồ. Ảnh chụp màn hình.

Luật sư Trần Minh Cường (đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết theo quy định các ngân hàng thương mại có trách nhiệm cung cấp thông tin giao dịch qua tài khoản, số dư tài khoản, số liệu giao dịch theo đề nghị của Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế để phục vụ cho mục đích thanh tra, kiểm tra. Trường hợp YouTuber không tự giác kê khai nộp thuế hay cố tình chậm nộp thuế thì sẽ bị thanh tra, kiểm tra và xử phạt hành chính hành vi trốn thuế, gian lận thuế theo quy định của pháp luật. Thậm chí, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Trốn thuế" theo quy định của Bộ luật hình sự hiện hành.

Như vậy, để có thể quản lý, truy thu thuế hiệu quả, cơ quan chức năng cần tăng cường các biện pháp quản lý kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh qua mạng với sự phối hợp của các cơ quan quản lý Nhà nước, từ Tổng Cục thuế đến các nhà mạng và hệ thống ngân hàng.

Điển hình, tại nhiều quốc gia, khi một người dân có tài khoản tăng lên khoảng 1.000 USD, ngay lập tức các ngân hàng sẽ phải kiểm tra nguồn tiền từ đâu, người dân có phải đóng thuế hay không. Vì vậy người dân luôn luôn phải hoàn thành trách nhiệm nộp thuế rất nghiêm chỉnh

Tại Việt Nam, mới đây Tổng cục Thuế mở Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp ở nước ngoài “Etaxvn.gdt.gov.vn” và triển khai ứng dụng thuế điện tử trên thiết bị di động “eTax Mobile”. Từ bây giờ, ngoài YouTube, còn có Google, Facebook, … có thể thực hiện nộp thuế trực tuyến tại Việt Nam.

Quy định về việc đóng thuế thu nhập từ Youtube, Facebook, Google tại Việt Nam

Cá nhân có thu nhập từ YouTube, Facebook, Google,… dưới 100 triệu/năm thì không phải nộp thuế thu nhập cá nhân (TNCN), thuế giá trị gia tăng (GTGT).

Các cá nhân có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm thì phải nộp thuế với mức thuế suất 5% thuế GTGT/doanh thu tính thuế và 2% thuế TNCN/Doanh thu tính thuế. Trong đó, doanh thu tính thuế là số tiền nhận trực tiếp từ YouTube hoặc số tiền nhận từ đối tác là các mạng đa kênh (đối tác của Youtube tại Việt Nam) mà không được trừ chi phí trước khi tính thuế do không phải là doanh nghiệp.

Nguyễn Huệ
Nguồn Sở hữu trí tuệ
Link bài gốc

https://sohuutritue.net.vn/kiem-tien-tu-youtube-lam-sao-de-quan-ly-va-truy-thu-thue-hieu-qua-d137917.html