Thời gian gần đây, Tạp chí Kinh tế Môi trường nhận được thông tin phản ánh của nhiều hộ dân sinh sống xung quanh hồ Đá Dựng (xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội) về việc hồ này đang bị "bức tử", ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống của người dân địa phương.
Theo bà M. - một hộ dân sống cạnh hồ Đá Dựng, vấn đề ô nhiễm tại hồ đã tồn tại từ rất lâu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cũng như sinh hoạt của người dân. Thế nhưng dù nhiều lần phản ánh, cơ quan chức năng vẫn chưa có phương án xử lý triệt để.
"Chúng tôi rời thành phố về đây sinh sống, những tưởng sẽ được hưởng chút không khí trong lành của vùng quê, an dưỡng sức khỏe tuổi già, thế nhưng ngày ngày phải chịu mùi hôi thối bốc lên từ hồ", bà M. bức xúc.
Bà M. cho biết thêm, trước đây hồ Đá Dựng rất trong xanh, sạch sẽ, người dân còn có thể lấy nước để sinh hoạt và tưới tiêu nông nghiệp. Thế nhưng, từ khi xuất hiện trang trại chăn nuôi quy mô lớn, xả thải trực tiếp ra hồ mà không qua xử lý đã khiến hồ Đá Dựng bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự, ông H. - một hộ dân sinh sống bên hồ Đá Dựng cho hay, không chỉ hệ sinh thái hồ Đá Dựng bị "bức tử", trang trại chăn nuôi nói trên còn khiến không khí xung quanh bị ỗ nhiễm.
"Mỗi lần trang trại chăn nuôi bật quạt thông gió (khoảng 17 - 19h) là cả một khu vực rộng lớn xung quanh phải hứng chịu mùi hôi thối đến ngạt thở. Chúng tôi đã có ý kiến lên chính quyền địa phương nhưng tình trạng này vẫn tái diễn", ông H. nói.
Ông Đinh Hồng Quân - Trưởng thôn 6, xã Tiến Xuân cho biết, nguyên nhân hồ Đá Dựng bị ô nhiễm chủ yếu là do quá trình chăn nuôi của hộ gia đình ông Đinh Văn Hiệu.
Cụ thể, ông Hiệu sở hữu 2 trang trại chăn nuôi vịt có diện tích khoảng 1ha. Trước đây, ông Hiệu chăn nuôi vịt kết hợp với một công ty nên dùng cám của doanh nghiệp này. Hiện tại, ông Đinh Văn Hiệu ủ thêm cá để làm thức ăn cho vịt. Chính hộ ông Hiệu đã xả thải trong quá trình chăn nuôi qua một cái ao nối trực tiếp với hồ Đá Dựng, khiến hồ chuyển màu đen và bốc mùi.
Đem theo những bức xúc của người dân, Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường đã có buổi làm việc với ông Đinh Công Tuân - Chủ tịch UBND xã Tiến Xuân.
Tại buổi làm việc, ông Tuân cho biết: "Chưa có cơ sở xác định trang trại của ông Đinh Văn Hiệu gây ô nhiễm môi trường".
TS. Đào Trọng Tứ, Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và Thích nghi biến đổi khí hậu cho rằng, giải pháp căn cơ cho vấn đề ô nhiễm sông, hồ ở Hà Nội là phải xử lý được nguồn nước thải. "Hầu hết các sông, hồ ở Hà Nội ô nhiễm là do nguồn nước thải đổ thẳng vào, nếu chính quyền quyết tâm xử lý ô nhiễm thì phải xử lý được nguồn nước thải, nếu không sẽ không có cách nào giải quyết triệt để được", TS. Đào Trọng Tứ khẳng định.
Theo ông Tứ, nhiều nước trên thế giới đặt nặng vấn đề xử lý nước thải đầu nguồn. Các gia đình đều có hệ thống xử lý nước thải, sau đó mới đổ ra sông, hồ. Chính quyền đặt vấn đề đô thị lên hàng đầu, nếu công trình nào không có hệ thống xử lý nước đạt tiêu chuẩn thì sẽ không được xây dựng. “Nếu Hà Nội đặt quyết tâm xử lý ô nhiễm thì về lâu dài phải áp dụng các biện pháp "cứng rắn" như nhiều nước trên thế giới đã thực hiện, như xử lý nước thải từ đầu nguồn các gia đình, công ty…”, TS. Đào Trọng Tứ nhấn mạnh.
|