Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hoạt động sản xuất kinh doanh đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch Covid-19.
Trong 7 tháng đầu năm 2021, có tới 79.673 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm trước. Đáng lưu ý, nhiều doanh nghiệp lớn cũng đang rút lui khỏi thị trường. Trong đó, doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh có quy mô vốn 20-50 tỷ đồng tăng 45,3%, quy mô vốn 50-100 tỷ đồng tăng 23,4%, quy mô vốn trên 100 tỷ đồng tăng 32,3%.
Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 5 khó khăn lớn các doanh nghiệp đang phải đối mặt, đó là: thiếu hụt dòng tiền; chi phí đầu vào, chi phí vận chuyển tăng; lưu thông hàng hóa bị cản trở; tạm dừng sản xuất tại các khu công nghiệp; khó tiếp cận các gói hỗ trợ của Chính phủ.
Số liệu của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho thấy, tính từ ngày 10/6/2020 đến nay, tại 14 tổ chức tín dụng lớn, có khoảng 600.000 tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Nếu tính trên toàn hệ thống, số dư nợ còn lớn hơn rất nhiều. Nhiều khoản nợ giải ngân từ thời điểm đó đến nay có khả năng bị chuyển thành nợ xấu.
Theo các hiệp hội ngành hàng, nhiều doanh nghiệp trong tình trạng thiếu trầm trọng nguồn tiền để chi trả lương, bảo hiểm, vốn vay, chi phí thuê mặt bằng,... Trong khi doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động thì không có nguồn thu, còn doanh nghiệp vẫn hoạt động thì đối mặt với các chi phí đầu vào, chi phí vận chuyển tăng, giá bán giảm. Ngoài ra, lưu thông hàng hóa giữa các địa phương rất khó khăn, nhất là các tuyến ra cảng biển, do phương án kiểm soát phòng dịch không thống nhất trên cả nước.
Trước tình hình này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đã trình Thủ tướng Chính phủ, đề nghị thành lập tổ công tác đặc biệt về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Tổ công tác đặc biệt sẽ tập trung giải quyết các vấn đề thiếu hụt dòng tiền, giá thành sản xuất hàng hóa tăng, lưu thông hàng hóa khó khăn, tình trạng dịch bùng phát tại các khu công nghiệp và việc tiếp cận chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Viết Dinh