4 triệu đồng mua được xe gì?

Mới đây, sở TN&MT chủ trì soạn thảo trình UBND Thành phố Hà Nội chương trình “Nghiên cứu thí điểm đo kiểm khí thải và hỗ trợ đổi xe mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn thành phố”. Những chiếc xe máy cũ trên 18 năm tuổi tại Hà Nội nếu không đạt tiêu chuẩn về khí thải có thể được hỗ trợ bằng một khoản tiền để đổi sang xe mới.

Theo đó, Hà Nội sẽ lựa chọn 8 trạm đo khí thải và 30 đại lý hỗ trợ đổi xe máy cũ trên địa bàn 6 quận là: Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hà Đông. Người dân mang xe máy cũ đến các địa điểm này để đo khí thải, nếu xe không bảo đảm điều kiện, sẽ được hiệp hội Xe máy Việt Nam (VAMM) hỗ trợ kinh phí đổi xe máy mới với mức hỗ trợ 2 – 4 triệu đồng/trường hợp. Nguồn kinh phí này sẽ do VAMM chủ động cung cấp và do sở TN&MT trích từ nguồn ngân sách Nhà nước. Thời gian triển khai chương trình dự kiến trong 3 tháng từ tháng 9- 12/2020 với số lượng ước khoảng 5.000 mô tô, xe máy được đo kiểm khí thải.

Ghi nhận thực tế của PV tạp chí ĐS&PL từ những người dân được biết, hầu hết mọi người đều hoang mang về việc này. Ông Hoàng Văn Tuấn (làm nghề xe ôm, quê Nam Định) cho biết, xe ông mua lại từ năm 2008, được người chủ trước đó sử dụng hơn 6 năm. Tính đến hiện tại, tuổi đời xe máy của ông đã gần 20 năm. “Thông tin hỗ trợ đổi xe máy cũ lấy mới khiến chúng tôi khá hoang mang. Thứ nhất, quy trình đổi như thế nào chưa rõ ràng, những người tỉnh lẻ như tôi thì có được hỗ trợ hay không. Hơn nữa, hỗ trợ rồi chúng tôi có được giữ lại xe để bán đi góp thêm để mua xe mới hay không”, ông Tuấn trăn trở.

leftcenterrightdel
 Ông Hoàng Dương Tùng. Ảnh: Người Đưa Tin Pháp Luật

Hay như cô Nguyễn Thị Yến (Cầu Giấy, Hà Nội), gia đình cô mua xe Atila đời đầu năm 2002, đến nay xe mặc dù đã cũ nhưng do cô chỉ dùng đi chợ là chính, nên vẫn đảm bảo đi lại bình thường. Tuy nhiên, thông tin đổi xe cũ lấy xe mới khiến cô cũng khó hiểu, vì nếu được hỗ trợ 4 triệu đồng/xe thì cũng không thể đủ để mua được một chiếc xe mới đảm bảo chất lượng, hay đảm bảo khí thải như báo đài nói được.

“Thực ra 4 triệu hiện nay thì chỉ được 1/3 một chiếc xe gọi là đi được thôi. Mà như gia đình tôi thì việc đổi xe mới rất phí, bởi xe tôi chỉ phục vụ đi chợ rồi về nhà chứ cũng không đi đâu xa cả, nên việc này tôi thấy không hợp lý”, cô Yến bày tỏ.

Ngân sách liệu có tiêu hao lãng phí?

Trao đổi với PV tạp chí ĐS&PL về vấn đề này, nguyên ĐBQH Bùi Thị An - Ủy viên Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường khóa XIII nhận định, đề xuất của sở TN&MT Hà Nội là một sáng kiến hay. Tuy nhiên, việc hỗ trợ đổi xe cũ lấy xe mới xét về mặt thực tế cần phải xem xét nhiều mặt. Bởi số lượng người dân sử dụng xe máy khá lớn, kiểm soát, kiểm định như thế nào là một bài toán khó.

“Thêm nữa, việc đổi xe máy sẽ như thế nào? Có đa dạng loại xe cho người dân lựa chọn hay không? Việc kiểm định có chuẩn xác hay không? Nhiều người muốn giữ lại xe làm kỷ niệm có được không?”, bà An đưa ra các câu hỏi.

Đồng quan điểm, TS.Hoàng Dương Tùng - nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam- nói thêm, đây được xem là một biện pháp giúp làm giảm tải ô nhiễm môi trường, còn việc khả thi hay không thì thời gian này vẫn chưa thể khẳng định được, vì chúng ta còn cần bàn đến nhiều vấn đề. Có một số vấn đề bất cập như chẳng hạn, có nhiều xe cũ nhưng vẫn còn mới, vẫn chạy ổn định thì người dân chắc chắn không đổi để lấy 4 triệu đồng. Hoặc ngược lại, nhiều xe quá nát thì việc đổi 4 triệu đồng với chiếc xe đó liệu có đáng? Lãnh đạo Thủ đô cần nghiên cứu thật kỹ vấn đề này, cuối cùng của việc này mục đích là gì, liệu ngân sách Nhà nước có chịu được hay không? Ngân sách chi cho việc này liệu có đáng.

“Theo tôi ngân sách chi vào việc này không đáng, thà để sử dụng vào việc khác còn có ý nghĩa hơn. Vì tính trung bình mỗi xe hết đát là 3 triệu đồng, tại Hà Nội theo khảo sát có khoảng 5.000 xe dự kiến sẽ phải đổi, thì ít nhất hơn 1 tỷ tiền ngân sách sẽ phải chi cho việc này. Như vậy quá lãng phí. Đặc biệt, trong thời điểm hiện tại cả nước đang căng mình chiến đấu với dịch Covid-19, thì việc chi ngân sách cho việc này càng không khả thi”, ông Tùng nhận định.

Cũng theo ông Tùng, nếu việc hỗ trợ người dân đến kiểm tra, kiểm định khí thải lần đầu thì còn có lý và khả thi hơn là việc hỗ trợ như trên, như vậy khó cho dân, khó cho cả những đơn vị thực hiện.
Theo Lê Liên/ Đời sống pháp luật
Nguồn
Link bài gốc

https://www.doisongphapluat.com/kinh-doanh/du-kien-ho-tro-doi-xe-may-cu-ngan-sach-co-nen-chi-a338789.html