Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân với dự thảo Nghị định của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất, thuê mặt nước.
Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 45/2014/NĐ-CP quy định về thu tiền sử dụng đất. Trong đó, Bộ Tài chính có đề xuất mới về nguyên tắc miễn, giảm tiền sử dụng đất quy định tại Điều 10 Nghị định số 45/2014/NĐ-CP.
Cụ thể, về nguyên tắc trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất thì không được miễn, giảm tiền sử dụng đất theo quy định tại khoản 9 Điều 10 Nghị định số 45/2014/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 135/2016/NĐ-CP); về thời điểm xác định tiền sử dụng đất trong trường hợp người sử dụng đất tự nguyện nộp tiền sử dụng đất (không hưởng ưu đãi miễn, giảm tiền sử dụng đất) quy định tại khoản 8 Điều 10 Nghị định số 45/2014/NĐ-CP.
Theo phản ánh của các địa phương, trên thực tế, trường hợp phải đấu giá quyền sử dụng đất và trường hợp không phải đấu giá quyền sử dụng đất đều có thể bao gồm đối tượng được miễn, giảm tiền sử dụng đất; vì vậy, quy định không được miễn, giảm tiền sử dụng đất trong trường hợp đấu giá dẫn tới không công bằng giữa trường hợp đấu giá và không đấu giá quyền sử dụng đất.
Tại khoản 8 Điều 10 Nghị định số 45/2014/NĐ-CP chưa có quy định về thời điểm xác định tiền sử dụng đất trong trường hợp người sử dụng đất tự nguyện nộp tiền sử dụng đất (không hưởng ưu đãi miễn, giảm tiền sử dụng đất).
Một số địa phương đề nghị quy định cụ thể việc miễn, giảm tiền sử dụng đất đối với dự án nhà ở xã hội có thực hiện theo quy định của pháp luật nhà ở hay không.
Về việc hậu kiểm sau khi có quyết định miễn, giảm tiền sử dụng đất, một số địa phương phản ánh, Nghị định số 45/2014/NĐ-CP chưa có quy định xử lý đối với trường hợp sau khi thực hiện thủ tục miễn, giảm tiền sử dụng đất nhưng cơ quan thuế hoặc cơ quan chức năng có liên quan rà soát, kiểm tra và phát hiện người sử dụng đất không đáp ứng các điều kiện để được miễn, giảm tiền sử dụng đất theo quy định thì xử lý như thế nào?
Từ thực tế trên, dự thảo Nghị định đã quy định sửa đổi, bổ sung nội dung nguyên tắc miễn, giảm tiền sử dụng đất quy định tại Điều 10 Nghị định số 45/2014/NĐ-CP theo nguyên tắc sau:
Thứ nhất, bỏ quy định về việc đấu giá quyền sử dụng đất thì không được miễn, giảm tiền sử dụng đất quy định tại khoản 9 Điều 10 (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 135/2016/NĐ-CP).
Thứ hai, bổ sung quy định thời điểm xác định tiền sử dụng đất trong trường hợp người sử dụng đất tự nguyện nộp tiền sử dụng đất (không hưởng ưu đãi miễn, giảm tiền sử dụng đất) là thời điểm cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép nộp tiền sử dụng đất.
Thứ ba, bổ sung quy định trường hợp đã được miễn, giảm tiền sử dụng đất nhưng trong quá trình rà soát, kiểm tra, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phát hiện người sử dụng đất không đáp ứng các điều kiện để được miễn, giảm tiền sử dụng đất thì:
Đối với tổ chức kinh tế, phải nộp tiền sử dụng đất được xác định lại theo chính sách và giá đất tại thời điểm cơ quan nhà nước có thẩm quyền có văn bản xác định tổ chức kinh tế không đáp ứng các điều kiện để được miễn, giảm tiền sử dụng đất. Trường hợp được giảm tiền sử dụng đất thì số tiền sử dụng đất đã nộp (nếu có) được trừ vào tiền sử dụng đất xác định lại.
Đối với hộ gia đình, cá nhân thì quy định theo 2 phương án. Phương án 1 quy định như đối với tổ chức kinh tế. Phương án 2, trường hợp được miễn, giảm tiền sử dụng đất mà số tiền được miễn, giảm đã được xác định theo đúng quy định thì hộ gia đình, cá nhân phải hoàn trả số tiền đã được miễn, giảm vào ngân sách nhà nước; trường hợp số tiền được miễn, giảm chưa được xác định đúng quy định của pháp luật về thu tiền sử dụng đất tại thời điểm được miễn, giảm tiền sử dụng đất (thời điểm tính thu tiền sử dụng đất theo quy định của pháp luật) thì số tiền đã được miễn, giảm phải được tính lại theo quy định.
Trình tự, thủ tục tính lại số tiền đã được miễn, giảm được thực hiện theo quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục xác định tiền sử dụng đất phải nộp. Ngoài ra, hộ gia đình, cá nhân phải nộp thêm một khoản tương đương với khoản tiền chậm nộp tiền sử dụng đất của thời gian đã được miễn, giảm.
Thứ tư, bổ sung thêm quy định không áp dụng miễn, giảm tiền sử dụng đất theo quy định tại Nghị định số 45/2014/NĐ-CP đối với trường hợp giao đất tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất vì trường hợp này thực hiện theo chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định của pháp luật về đất đai (Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ và các văn bản sửa đổi, bổ sung, hướng dẫn thực hiện); không thực hiện theo quy định tại Nghị định số 45/2014/NĐ-CP.
Cho phép kéo dài thời hạn nộp hồ sơ xin miễn tiền thuê đất đến hết năm 2024
Ngoài ra, dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung Nghị định số 46/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 quy định về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước.
Theo đó, về xử lý đối với trường hợp chậm nộp hồ sơ hợp lệ xin miễn tiền thuê đất đối với trường hợp được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất nhưng đến ngày 01/7/2014 theo quy định tại Luật Đất đai năm 2013 thuộc đối tượng phải chuyển sang thuê đất nhưng sử dụng đất vào mục đích công trình sự nghiệp và được miễn tiền thuê đất cho cả thời hạn thuê.
Theo phản ánh thì các địa phương gặp vướng mắc khi xử lý đối với các trường hợp được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất trước 01/7/2014 nhưng từ 01/7/2014 (như các đơn vị sự nghiệp công lập là trường học, cơ sở đào tạo, bệnh viện,…) phải chuyển sang thuê đất theo Luật Đất đai năm 2013 và được miễn, giảm tiền thuê đất nhưng các đơn vị chưa làm thủ tục để được miễn tiền thuê đất do nhiều nguyên nhân (như: không cập nhật chính sách mới, do khâu làm thủ tục về Quyết định của địa phương chuyển từ giao đất không thu tiền sử dụng đất sang cho thuê đất, Hợp đồng thuê đất khiển khai chậm, kéo dài so với thời điểm ngày 01/7/2014,…) dẫn đến không đủ hồ sơ theo quy định nên nộp chậm hồ sơ đề nghị miễn, giảm tiền thuê đất, dẫn đến không được miễn tiền thuê đất mà phải nộp tiền thuê đất từ thời điểm phải chuyển sang thuê đất (ngày 01/7/2014) đến khi nộp hồ sơ để được miễn, giảm tiền thuê đất.
Việc phải nộp tiền thuê đất cho những năm trước dẫn đến khó khăn cho các đơn vị do thu, chi hàng năm các đơn vị được cấp theo dự toán ngân sách nhà nước và đã được quyết toán (trong đó không bao gồm khoản tiền thuê đất phải nộp). Trường hợp phải nộp tiền thuê đất thì ngân sách nhà nước phải bố trí ngân sách cho các đơn vị để nộp tiền thuê đất. Vì vậy, các địa phương đề nghị cho phép kéo dài thời hạn nộp hồ sơ hợp lệ xin miễn tiền thuê đất đến hết ngày 31/12/2024 và không truy thu tiền thuê đất từ ngày 01/7/2014 đến khi hoàn tất thủ tục.
Từ thực tế trên, dự thảo quy định sửa đổi, bổ sung theo hướng: Cho phép kéo dài thời hạn nộp hồ sơ xin miễn tiền thuê đất là đến hết ngày 31/12/2024; trường hợp sau ngày 31/12/2024 trở đi thì chỉ được miễn tiền thuê đất cho thời gian ưu đãi còn lại theo quy định. Đồng thời theo đề nghị của địa phương, bổ sung đối với trường hợp tổ chức sự nghiệp công lập tiếp nhận nhà, đất do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định điều chuyển theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công mà được miễn tiền thuê đất đối với đất xây dựng công trình sự nghiệp theo quy định của pháp luật đất đai thì thành phần hồ sơ miễn, giảm tiền thuê đất không bao gồm quyết định cho thuê đất, hợp đồng thuê đất.
Qua thực tế tổng hợp vướng mắc của chính sách cho thấy tại Luật Đất đai năm 2013, Nghị định số 46/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ, Thông tư số 77/2014/TT-BTC ngày 16/6/2014 của Bộ Tài chính được ban hành, phân loại đơn vị sự nghiệp công lập là lấy theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập; theo đó, có 03 loại: Đơn vị có nguồn thu sự nghiệp tự bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên (gọi tắt là đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm chi phí hoạt động); đơn vị có nguồn thu sự nghiệp tự bảo đảm một phần chi phí hoạt động thường xuyên, phần còn lại được ngân sách nhà nước cấp (gọi tắt là đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm một phần chi phí hoạt động); đơn vị sự nghiệp do ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động.
Vì vậy, tại điểm i, khoản 1 Điều 2 Nghị định số 46/2014/NĐ-CP đã quy định "tổ chức sự nghiệp công lập tự chủ tài chính" thuộc đối tượng thu tiền thuê đất, thuê mặt nước; đồng thời tại khoản 1 Điều 2 Thông tư số 77/2014/TT-BTC có quy định hướng dẫn thêm là: Tổ chức sự nghiệp công lập tự chủ tài chính (đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên). Từ năm 2015, khi Nghị định số 16/2015/NĐ-CP (nay là Nghị định số 60/2021/NĐ-CP) được ban hành (thay thế Nghị định số 43/2006/NĐ-CP) đã quy định có 04 loại hình đơn vị sự nghiệp công lập; gồm: đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư; đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm chi thường xuyên; đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm một phần chi thường xuyên; đơn vị sự nghiệp do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên. Do đó, chưa rõ "tổ chức sự nghiệp công lập tự chủ tài chính" quy định tại Nghị định số 46/2014/NĐ-CP là thuộc loại hình đơn vị sự nghiệp công lập nào trong 04 loại hình nên trên. Vì vậy, các địa phương đề nghị sửa đổi, bổ sung Nghị định số 46/2014/NĐ-CP để quy định về đối tượng thuê đất, thuê mặt nước đối với đơn vị sự nghiệp công lập cho phù hợp với quy định nêu trên.
Từ thực tế trên, tại Dự thảo Nghị định quy định sửa đổi, bổ sung quy định về loại hình tổ chức sự nghiệp công lập tự chủ tài chính thuộc đối tượng thu tiền thuê đất, thuê mặt nước quy định tại điểm i khoản 1 Điều 2 Nghị định số 46/2014/NĐ-CP; theo đó quy định rõ đối tượng thu tiền thuê đất, thuê mặt nước là tổ chức sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư.