|
|
Các gian hàng tại một số siêu thị đồng loạt khuyến mãi. Ảnh: B.Loan |
Canh giờ "vàng" chỉ để "săn" khuyến mại
Vừa đặt đôi đũa xuống bàn, điện thoại của chị Nguyễn Thị Thủy (26 tuổi, ở La Khê, quận Hà Đông, TP Hà Nội) reo lên hồi chuông quen thuộc. Chị Thủy cho biết, mặc dù công việc văn phòng vào dịp cuối năm khá bận rộn, nhưng chị vẫn không quên cài đặt nhắc nhở các khung giờ "vàng" trong điện thoại, để tranh thủ "săn" hàng.
Mặt hàng hoá chị Thủy "săn" chủ yếu là văn phòng phẩm, thiết bị nhà bếp, đồ gia dụng, đồ công nghệ, hoá mỹ phẩm làm đẹp… Trong khi giá ghi trên kệ siêu thị với những mặt hàng nói trên dao động từ 25.000 đồng đến vài triệu đồng, nhưng khi "săn" hàng khuyến mại thì chỉ có giá vài ngàn đồng, từ 1.000 đồng đến dưới 12.000 đồng. Với những đồ gia dụng có giá tiền triệu thì mức giảm cũng rất sâu, lên đến 60%.
Một trong những bí kíp mua được hàng hoá giá rẻ mà chị Thủy tiết lộ là "thông thạo" các ứng dụng mua sắm điện tử. Chị Thuỷ cho biết: "Đi siêu thị mua đồ cũng được nhưng tôi chỉ có thể tranh thủ đi vào buổi tối, hoặc các ngày cuối tuần và không tránh khỏi cảnh chen chúc, đông người. Thời gian từ giờ đến Tết Nguyên đán còn khá dài nên tôi tranh thủ "săn" những mặt hàng cần thiết để dùng từ nay đến Tết. Ví dụ như nước rửa chén, nước giặt, nước xả vải, đồ điện tử, gia dụng, nếu biết cách "săn" vào những khung giờ "vàng" thì rất dễ để mua với giá chỉ vài ngàn đồng".
Theo chị Thủy, có nhiều khung giờ "vàng" trong một ngày như 6h, 9h sáng, 12h trưa, 21 tối và 00h, 00h30, 1h, 2, 3h… "Mua vào khung giờ nửa đêm thì giá càng rẻ, nhiều món đồ rẻ như cho. Do nhu cầu không quá nhiều và chỉ "săn" những mặt hàng cần thiết nên tôi tranh thủ "săn" vào giờ nghỉ trưa và lúc 21h tối trước khi đi ngủ. Chỉ bằng 2 khung giờ này, tôi đã có thể "săn" và đặt những thứ mình cần", chị Thủy cho hay.
Cũng là người chuyên "săn" các món hàng giá hời, chị Lan Anh (30 tuổi, ở Cầu Giấy, Hà Nội) hồ hởi chia sẻ về chiếc nồi chiên không dầu mà chị mua được với giá hơn 2 triệu đồng. Chị Lan Anh cho hay: "Dịp khuyến mại cuối tháng 11 vừa qua, tôi đã mua được một chiếc nồi chiên không dầu của Pháp với giá khoảng 2,1 triệu đồng, trong khi giá bán của mặt hàng này khoảng 7 triệu đồng/chiếc. Để mua được hàng khuyến mại, người dùng mạng phải rất nhanh tay "nhặt" hàng và thanh toán. Bởi những mặt hàng có giá trị đắt mà được nhà phân phối bán khuyến mại sẽ không nhiều, trong khi đó số lượng người mua khá lớn".
Cũng theo chị Lan Anh, dù được khuyến mại từ chính những nhà phân phối nhưng mức chiết khấu chỉ lên đến khoảng 50 - 60%. Nếu muốn được rẻ hơn nữa, người tiêu dùng phải biết cách lấy các mã khuyến mãi từ shop, mã vận chuyển miễn phí và thanh toán qua ứng dụng thứ ba thì mức chiết khấu sẽ giảm thêm từ 5 - 10%.
Theo chị Lan Anh: "Dịp cuối năm, nhãn hàng nào cũng tung ra nhiều chương trình khuyến mại đặc biệt. Trước tình hình dịch COVID-19 đang khó lường như hiện nay thì việc "săn" hàng hoá qua các ứng dụng thương mại điện tử vừa an toàn, vừa tiện lợi, lại có thể tiết kiệm thời gian tối đa".
"Bùng nổ" các chương trình khuyến mại
|
|
Chai dầu rửa bát có thể tích 725ml và giá bán khoảng 30.000 đồng nhưng chị Thủy “săn” được với giá chỉ 1.000 đồng. Ảnh: NVCC |
Theo ghi nhận của PV Báo Gia đình & Xã hội, từ đầu tháng 12, Bộ Công Thương khởi động chương trình "60 giờ mua sắm trực tuyến Việt Nam", các sàn thương mại điện tử đã "tung" hàng loạt chương trình khuyến mại với giá rẻ. Cụ thể như Lazada, Shoppe, Tiki… đều đồng loạt đưa ra chương trình khuyến mại cùng các khung giờ "vàng" mua hàng giá rẻ trong ngày.
Đáng chú ý, người tiêu dùng lựa chọn hình thức thanh toán không dùng tiền mặt cũng nhận được thêm ưu đãi. Bằng việc lồng ghép phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, rất nhiều người tiêu dùng đã "tranh thủ" mua được những mặt hàng cần thiết với giá rất rẻ, mà chất lượng vẫn đảm bảo. Bởi theo chị Nguyễn Thị Thủy, nếu hàng hoá kém chất lượng mà người mua hàng phản hồi, đánh giá đơn đặt hàng thì gian hàng đó sẽ bị xem xét tư cách bán hàng.
Các chương trình khuyến mãi không chỉ diễn ra ở không gian số, mà các "ông lớn" bán lẻ như Lotte, BigC, Co.opmart, Co.opXtra, Aeon Việt Nam cũng đồng loạt đưa ra các chương trình giảm giá, ưu đãi cho người mua, với các mức giảm từ 25 - 65% giá trị sản phẩm.
Đại diện một đơn vị sở hữu kênh bán lẻ cho biết, các hoạt động khuyến mãi hàng hóa rất đa dạng, gồm giảm giá trực tiếp đến 50% giá trị sản phẩm, tặng quà, tặng điểm thưởng mức cao, tặng phiếu quà tặng… Các chương trình này được thực hiện liên tục nhằm chia sẻ áp lực chi tiêu cho khách hàng trước những khó khăn từ dịch COVID-19 mang lại.
Theo bà Trần Thị Phương Lan - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 còn nhiều phức tạp như hiện nay, các chương trình khuyến mãi dịp cuối năm không những là kích cầu mua sắm, mà còn mang lại những lợi ích thiết thực cho người tiêu dùng và cộng đồng doanh nghiệp.
Về hàng hoá dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, bà Trần Thị Phương Lan thông tin, Sở Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn xây dựng kế hoạch chuẩn bị hàng hóa, tổ chức các điểm bán, các chương trình bán hàng phục vụ đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Đồng thời, phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh tổ chức, tham gia các hoạt động kết nối cung - cầu để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tìm kiếm, khai thác nguồn hàng phục vụ Tết cho nhân dân Thủ đô.
Theo bà Trần Thị Phương Lan, tính đến nay, đã có 25 đơn vị sản xuất, kinh doanh của TP Hà Nội và các tỉnh đăng ký tham gia kế hoạch bảo đảm hàng hóa phục vụ nhân dân Thủ đô dịp cuối năm 2020 và Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn TP Hà Nội đạt khoảng 39.400 tỷ đồng (tăng khoảng 5% so với kế hoạch Tết năm 2020).